Bắc Ninh: Phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Quế Võ

Thứ sáu, 14/12/2012 09:58
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong điều kiện khó khăn chung về nguồn vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản nên trong năm vừa qua công tác phát triển giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn huyện Quế Võ gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên do chỉ tập trung vào thi công những công trình đã rõ nguồn vốn cộng với việc duy tu, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống đường do địa phương quản lý nên những kết quả đạt được trong lĩnh vực này của huyện vẫn đáng ghi nhận.

Trong điều kiện khó khăn chung về nguồn vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản nên trong năm vừa qua công tác phát triển giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn huyện Quế Võ gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên do chỉ tập trung vào thi công những công trình đã rõ nguồn vốn cộng với việc duy tu, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống đường do địa phương quản lý nên những kết quả đạt được trong lĩnh vực này của huyện vẫn đáng ghi nhận. Song trên thực tế, để hoàn thiện hệ thống GTNT trên địa bàn huyện vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Đến nay, dự án hoàn trả các công trình giao thông, thuỷ lợi và phúc lợi xã hội huyện Quế Võ phục vụ công tác giải phóng mặt bằng của tiểu dự án đường sắt Lim - Phả Lại với 30,74 km đường bê tông xi măng, tổng kinh phí 160,48 tỷ đồng đang được gấp rút hoàn thành. Theo thống kê của Phòng Công thương huyện, đến tháng 11/2012 các công trình đã hoàn thành hơn 75% khối lượng, giá trị thi công đạt hơn 120 tỷ đồng. Ngoài ra, công trình đường bê tông - xi măng đoạn Cầu Gô, xã Đại Xuân chiều dài 0,13km, kinh phí 550 triệu đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hay như hạng mục cải tạo mặt đường cấp phối đá dăm đường trục huyện từ xã Đại Xuân đi xã Phương Liễu có chiều dài 1,4 km, với kinh phí 830 triệu đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Xác định năm 2012 khó khăn về kinh phí Nhà nước dành cho các công trình GTNT, trong khi khối lượng công việc cần thực hiện trên địa bàn còn rất lớn. Vì thế, một giải pháp được huyện chỉ đạo các xã thực hiện tốt trong thời gian vừa qua là phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Các địa phương tích cực phát huy nội lực thông qua các hình thức: huy động nhân dân đóng góp kinh phí, sức lao động, đấu giá quyền sử dụng đất, ao hồ, đầm hoang… để lấy vốn xây dựng công trình. Ước tính số lượng kinh phí từ nguồn xã hội hoá việc xây dựng GTNT trên địa bàn Quế Võ là khá lớn.

Tuy nhiên đến nay, số lượng đường GTNT trên địa bàn huyện cần phải tu sửa, nâng cấp còn nhiều. Trong số 9 đường trục huyện, chỉ có đoạn từ Quốc lộ 18 đi Phù Lãng đang hoạt động bình thường, đoạn từ Quốc lộ 18 đi Ngọc Xá - bãi rác Đồng Ngo vừa được cải tạo nâng cấp và trục đường quốc phòng từ Ngọc Xá đi đê Hữu Cầu (Phù Lãng) hư hỏng 10%. Còn lại các trục đường khác đều hư hỏng ít nhất là 30%, cá biệt có tới 2 trục đường hỏng khá nặng là đường trục huyện từ Tỉnh lộ 279 đi Bằng An - phà Cung Kiệm và trục từ quốc lộ 18 đi kè Cách Bi. Trục đường đê Tả Đuống từ địa phận xã Chi Lăng đi Hán Quảng cũng hư hỏng tới 70%...

Năm 2011, huyện khởi công cải tạo nâng cấp trục Việt Hùng - Quế Tân - Phù Lương, song đến nay công trình vẫn “dậm chân tại chỗ” do chưa có vốn. Ngoài ra, các tuyến đường trục huyện Việt Hùng - Bồng Lai và giai đoạn 3 trục đường Yên Giả - Mộ Đạo cũng ở trong tình trạng tương tự.

Huyện Quế Võ đang tích cực triển khai Quy hoạch hệ thống giao thông giai đoạn 2011- 2015 và định hướng đến năm 2020. Trong đó tập trung phát triển GTNT phù hợp với yêu cầu phát triển các tuyến đường huyện, xã được gắn kết vào hệ thống đường tỉnh tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế- xã hội toàn vùng. Theo quy hoạch, ngoài các tuyến Tỉnh lộ do tỉnh đầu tư, mục tiêu đến năm 2015 huyện sẽ từng bước nâng cấp các tuyến trục đường huyện chính, bê tông hóa mặt đường huyện theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng. Những đoạn trùng với đường trục xã, qua khu dân cư sẽ được ưu tiên đầu tư trước. Phấn đấu hoàn thành 100% đường trục xã, đường thôn xóm theo tiêu chuẩn đường cấp IV, V đồng bằng. Riêng đối với hệ thống giao thông nội đồng có sự tăng đột biến do dồn điền, đổi thửa nên huyện phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 50% đường được bê tông hóa hoặc trải đá dăm, cấp phối; đến năm 2020 cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông nội đồng. Tuy nhiên, việc thực hiện quy hoạch này trong điều kiện thực tiễn ở địa phương lại là vấn đề hoàn toàn không đơn giản, cần một kế hoạch dài hơi và sự giúp đỡ của các ngành chức năng cũng như sự đồng thuận, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị trên địa bàn./.

Theo báo Bắc Ninh

Kim Cúc (Theo báo Bắc Ninh)

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)