Chủ trương xã hội hóa lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT) ở Quảng Nam thời gian qua đã đi vào thực tế và đạt được nhiều kết quả, đặc biệt là trong phát triển giao thông nông thôn (GTNT) và vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Chủ trương xã hội hóa lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT) ở Quảng Nam thời gian qua đã đi vào thực tế và đạt được nhiều kết quả, đặc biệt là trong phát triển giao thông nông thôn (GTNT) và vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Từ năm 2000, sau khi có Nghị quyết 02-NQ/TU của Tỉnh ủy Quảng Nam về xây dựng và phát triển GTNT cũng như cơ chế, giải pháp quản lý, huy động nguồn vốn thực hiện của HĐND tỉnh, UBND tỉnh được ban hành, nhân dân các địa phương đã hưởng ứng tích cực, tổ chức ra quân làm đường bê tông GTNT rầm rộ. Giai đoạn 2000 - 2001, toàn tỉnh bê tông hóa được 846km. Phong trào GTNT lan rộng từ các xã đồng bằng đến các khu vực miền núi, có nhiều thời điểm sản lượng xi măng cung ứng không đáp ứng kịp nhu cầu của nhân dân. Do nhu cầu phát triển GTNT quá lớn, từ năm 2004 - 2008, các huyện, thành phố phải tập trung bố trí trả nợ cho đơn vị cung ứng xi măng nên nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng mới khó khăn, mỗi năm chỉ thực hiện khoảng 65km đường.
Năm 2009, UBND tỉnh Quảng Nam xây dựng đề án, trình HĐND tỉnh thông qua và ban hành Nghị quyết 143/2009/NQ-HĐND về phát triển GTNT giai đoạn 2010 - 2015 trên địa bàn tỉnh. Cũng ngay trong năm 2009, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ cho các địa phương 68,7 tỷ đồng, cùng ngân sách huyện, xã và huy động nhân dân đóng góp gần 102 tỷ đồng, bê tông hóa được 436,5km. Theo Giám đốc Sở GTVT Trương Văn Cận, kết quả đó khẳng định chủ trương tiếp tục phát triển GTNT là phù hợp, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Từ năm 2000 - 2009, toàn tỉnh đã bê tông hóa được 2.765km đường GTNT với kinh phí đầu tư 736,7 tỷ đồng (nhân dân đóng góp 355 tỷ đồng). Triển khai thực hiện Nghị quyết 143, UBND tỉnh đã sớm phê duyệt đề án, ban hành quy chế, văn bản hướng dẫn liên quan, nên trong vòng 3 năm (2010 - 2012), các địa phương tiếp tục kiên cố hóa được 857,8km mặt đường GTNT và xây dựng 1.334 công trình cống các loại. So với kế hoạch đề ra cho giai đoạn 2010 - 2015, Quảng Nam hoàn thành đạt 58%, giá trị đầu tư bình quân 544 triệu đồng/km.
Ông Trần Hòa - Giám đốc Công ty Xe khách Trần Hòa cho biết ngày 12 tháng chạp (ngày 23.1.2013) tới tuyến xe buýt Đại Lộc - Tam Kỳ sẽ được đưa vào hoạt động, phục vụ nhân dân trong dịp Tết Quý Tỵ. Tham gia phương tiện trên tuyến có 14 xe được đầu tư mới của Công ty Xe khách Trần Hòa và Công ty CP GTVT Quảng Nam (mỗi đầu tuyến 7 xe), tần suất 30 phút/chuyến.
Chương trình phát triển GTNT theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" là điểm đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn của tỉnh, cải thiện cơ bản điều kiện giao thông đi lại, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp - nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn Quảng Nam khang trang, sạch đẹp, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt; tạo tiền đề vững chắc cho xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh khẳng định, bê tông hóa GTNT là một trong những chương trình xã hội hóa thành công nhất của Quảng Nam. Từ nay đến năm 2015, kinh phí đầu tư xây dựng sẽ cao hơn nhưng Quảng Nam phải quyết tâm hoàn thành kế hoạch đề ra.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Văn Sỹ đánh giá, sau 13 năm thực hiện chương trình phát triển GTNT, Quảng Nam đã đạt được thành quả quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân. Chủ trương phát triển GTNT theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” hợp lòng dân, được đại bộ phận nhân dân ủng hộ. Người dân bỏ tiền, bỏ công nên huy động được 48% tổng vốn đầu tư, so với bình thường giảm đến 30% chi phí quản lý. Tỉnh ủy xác định đầu tư hạ tầng đồng bộ, trong đó đầu tư cho hạ tầng giao thông là số 1, là trọng điểm tạo bước đột phá. Lộ trình thực hiện Đề án phát triển GTNT giai đoạn 2010 - 2015 thời gian tới còn nhiều khó khăn, nhất là giao thông miền núi. Vì vậy, các cấp và nhân dân phải thể hiện quyết tâm phối hợp, lồng ghép nhiều chương trình để hoàn thành đề án.
Xuất phát từ thực tế của một tỉnh còn nghèo, Quảng Nam chủ trương phát triển dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo phương thức xã hội hóa không trợ giá. Với sự tham gia đầu tư phương tiện của các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh, lần lượt các tuyến xe buýt hai chiều được đưa vào khai thác phục vụ nhân dân. Theo ông Nguyễn Văn Toàn - Trưởng phòng Quản lý vận tải và công nghiệp (Sở GTVT), các tuyến xe buýt đi vào hoạt động tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện, văn minh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa - xã hội giữa các địa phương. Thực tế cho thấy, số lượng hành khách sử dụng xe buýt ngày càng đông. Qua các tuyến Hội An - Đà Nẵng, Phú Đa - Đà Nẵng, du khách sẽ dễ dàng di chuyển từ các địa điểm du lịch, nghỉ dưỡng tại TP.Đà Nẵng đến Mỹ Sơn, Hội An và ngược lại.
Phó Giám đốc Sở GTVT Trần Thanh An đánh giá, hầu hết các đơn vị tham gia vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt không trợ giá trên địa bàn tỉnh có nhiều nỗ lực đầu tư phương tiện. Tuy vẫn còn một vài tồn tại cần tiếp tục chấn chỉnh, nhưng nhìn chung, các tuyến liên tỉnh liền kề: Đại Lộc - Đà Nẵng, Tam Kỳ - Đà Nẵng, Phú Đa - Đà Nẵng, Hội An - Đà Nẵng và nội tỉnh: Tam Kỳ - Núi Thành và Tam Kỳ - Hiệp Đức cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần giảm thiểu TNGT, đặc biệt là dịp lễ hội, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Sở đang tiếp tục xây dựng mạng lưới tuyến xe buýt hợp lý từ trung tâm TP.Tam Kỳ đến trung tâm các huyện, thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch và kết nối với các tỉnh lân cận. Ngành đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ thu hút được lượng hành khách đi lại bằng xe buýt đạt 25 - 30% so với nhu cầu thực tế.
Theo báo Quảng Nam