Trong xây dựng nông thôn mới, tiêu chí phát triển giao thông đóng vai trò quan trọng. Với chủ trương, cách làm phù hợp, những con đường Nhà nước và nhân dân cùng làm trên địa bàn huyện Ba Bể, Bắc Kạn lần lượt được ra đời.
Trong xây dựng nông thôn mới, tiêu chí phát triển giao thông đóng vai trò quan trọng. Với chủ trương, cách làm phù hợp, những con đường Nhà nước và nhân dân cùng làm trên địa bàn huyện Ba Bể, Bắc Kạn lần lượt được ra đời.
Cũng như nhiều địa phương khác, huyện Ba Bể đang nỗ lực triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó, phát triển giao thông nông thôn được tính đến là một trong những mục tiêu trọng yếu để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Về Ba Bể hôm nay, bên cạnh những con đường huyết mạch là quốc lộ 279, tỉnh lộ 258 và các tuyến đường liên xã, điều dễ nhận thấy là nhiều tuyến đường liên thôn, đường vào khu vực sản xuất tập trung của bà con dần được nâng cấp và mở mới, tô điểm bộ mặt nông thôn ngày một tươi đẹp. Nhờ sự tự nguyện hiến đất mở đường của người dân, công tác xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông nông thôn ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện được thuận lợi. Giao thông liền mạch, người dân có điều kiện thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế…
Nhưng để hoàn thành việc nâng cấp, mở mới các tuyến đường giao thông, rất cần sự thông hiểu của dân để cùng chung tay, góp sức. Do đó, khi chủ trương được đưa ra, ở nhiều xã đã làm rất tốt công tác tuyên truyền, vận động nên người dân tích cực hưởng ứng thông qua việc hiến đất, đóng góp công sức để tuyến đường sớm được hoàn thành. Những con đường mở ra thật sự đã đáp ứng nguyện vọng bấy lâu của người dân ở các thôn bản, do vậy, có tuyến đi qua đất của hàng trăm hộ dân, nhưng tất cả những hộ bị ảnh hưởng đều đồng lòng góp công, hiến đất để làm đường.
Đồng chí Ma Thế Hanh - Bí thư Đảng ủy xã Yến Dương cho biết: “Để người dân thông hiểu và đồng thuận, công tác vận động đóng vai trò quan trọng. Với một xã vùng cao như Yến Dương, bà con đều có những khó khăn riêng nên để người dân hiểu và tích cực tham gia đóng góp, cấp ủy, chính quyền địa phương xác định là phải kiên trì, gần gũi, lựa chọn hộ tiêu biểu cùng tham gia vận động. Bên cạnh đó, việc huy động sức dân ở địa phương công khai, dân chủ được đặt lên hàng đầu. Chỉ khi nhân dân đã hiểu, đồng thuận mới tiến hành làm, khi dân còn chưa thông suốt thì cần thuyết phục, giải thích cho đến khi nào đồng thuận thì công trình mới tiến hành triển khai. Chính vì thế, những năm trở lại đây, những chủ trương, kế hoạch khi đưa ra mặc dù ban đầu còn gặp phải ý kiến thắc mắc của một số hộ dân, nhưng chỉ cần địa phương tổ chức họp dân, công khai bàn bạc thì mọi việc đều trôi chảy, trên địa bàn xã từ trước đến nay chưa có công trình hoặc nào không thể thực hiện".
Đồng chí La Văn Tiến - Bí thư Đảng uỷ xã Phúc Lộc cho biết: Khi được Dự án 3PAD hỗ trợ 900 triệu đồng, xã quyết định mở con đường vào nơi sản xuất từ Khuổi Tầu đi Khuổi Pết. Bước đầu, không chỉ lãnh đạo thôn mà đến cả lãnh đạo xã cũng lo lắng về vấn đề giải phóng mặt bằng, bởi với một thôn vùng cao cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhận thức của bà con còn hạn chế thì việc vận động hiến đất để làm đường sẽ là rất khó. Khi có thông báo, nhiều hộ dân không đồng tình, đặc biệt là những hộ mất nhiều đất, nhiều cây lâm nghiệp, cây ăn quả... Sau khi được cán bộ giải thích, tổ chức họp bàn bạc, lấy ý kiến, khi hiểu ra, bà con vui vẻ góp công sức, hiến hàng nghìn mét vuông đất làm đường. Trong đó, thôn Khuổi Tầu chỉ có khoảng 20 hộ được hưởng lợi, nhưng cả thôn đều vào cuộc. Để công bằng, những hộ hưởng lợi đóng góp 100.000 đồng, những hộ khác đóng góp 50.000 đồng để hỗ trợ cho hộ bị mất cây ăn quả, cây lâm nghiệp có giá trị.
Tiếp theo đó, cũng bằng sự hỗ trợ của Dự án 3PAD, địa phương được đầu tư tuyến đường liên thôn Lủng Pjầu - Lủng Kim - Khuổi Lượi, có tổng chiều dài tuyến 1,4 km, đi qua nương rẫy của nhiều hộ dân, nhưng 100% số hộ bị mất đất đều vui vẻ hiến đất để làm đường, vì đối với bà con thì có đường là một giấc mơ kỳ diệu thành hiện thực, vậy là tuyến đường vào khu sản xuất tập trung và tuyến đường liên thôn được thực hiện.
Mới đây nhất, xã Yến Dương được đầu tư làm tuyến đường Nà Giảo - Phiêng Dìa. Phiêng Dìa là một bản đồng bào Dao có hơn 20 hộ sinh sống. Ban đầu, khi cán bộ đến vận động, những hộ mất đất nhất định yêu cầu phải được đền bù theo giá thị trường. Cuộc họp đầu tiên việc bàn bạc bất thành, ban vận động quyết định “đánh lẻ” thuyết phục từng gia đình. Hộ đồng ý trước sẽ là “đồng minh” cùng ban vận động đến thuyết phục các hộ còn lại… kết quả là gần 50 hộ lần lượt đồng ý hiến đất.
Nhờ sự kiên trì tuyên truyền, vận động của cán bộ xã, thôn cùng với sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhiều hộ không chỉ hiến đất, mà còn vừa hiến đất vừa đóng góp tiền để tuyến đường được thi công theo kế hoạch. Vậy là cùng với số tiền 600 triệu đồng từ Dự án 3PAD hỗ trợ, tuyến đường có chiều dài gần 2km được thực hiện, trong đó, phần do dân hỗ trợ tổng giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng... Điển hình là các gia đình: Hộ ông Triệu Văn Dần ở thôn Loỏng Lứng, có đất đồi trồng cây mỡ 4 năm tuổi, con đường đi qua cũng bị mất khoảng 500 cây mỡ; Hộ ông Ma Thế Hanh - Bí thư Đảng ủy xã, vừa hiến đất vừa đóng góp tiền để hỗ trợ hộ bị ảnh hưởng sân nhà; hộ Bí thư chi bộ thôn Nà Giảo cũng hiến đất và hỗ trợ tiền; hộ ông Hoàng Ngọc Huệ - cán bộ văn hóa xã vừa hiến đất bờ ao đã xây kiên cố còn phối hợp chung với hộ ông Ma Văn Khuyến - Bí thư chi bộ thôn, tự nguyện góp thêm 7 chiếc cống để làm tuyến đường nói trên...
Với phương châm: “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chú trọng truyền tải các chủ trương, ý nghĩa và lợi ích phục vụ lâu dài để phát triển kinh tế, nâng cao cuộc sống, nhờ thế mà nhiều tuyến đường Nhà nước không mất kinh phí đền bù cho khâu giải phóng mặt bằng ở huyện Ba Bể lần lượt được thực hiện thành công. Những con đường ấy là con đường của lòng dân. Và bài học dân vận khéo từ thực tế với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra" càng trở nên giá trị.
Theo báo Bắc Kạn