Có thể nói, tiêu chí về giao thông đang được các địa phương quan tâm nhất trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Khắp nơi sôi nổi phong trào hiến đất, góp công, góp sức mở rộng đường giao thông. Và hầu như địa phương nào cũng gặp phải những bài toán khó tìm lời giải trong việc hoàn thành tiêu chí này.
Có thể nói, tiêu chí về giao thông đang được các địa phương quan tâm nhất trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Khắp nơi sôi nổi phong trào hiến đất, góp công, góp sức mở rộng đường giao thông. Và hầu như địa phương nào cũng gặp phải những bài toán khó tìm lời giải trong việc hoàn thành tiêu chí này.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch UBND xã Tân Trào (Kiến Thụy) cho biết: “Nhiều năm qua, với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, xã đã bê tông hóa 100% tuyến đường giao thông thôn xóm, bề rộng 2,5 m. Tuy nhiên, xét theo tiêu chí NTM thì độ rộng của đường còn thiếu so với chuẩn là 1- 1,5 m. Như vậy đồng nghĩa với việc xã phải tiếp tục mở rộng đường giao thông cho đúng với chuẩn mới. Địa phương rất lúng túng vì nếu mở rộng đường theo chuẩn mới buộc phải phá đi những tuyến đường gạch xây nghiêng cổ kính. Dọc các tuyến đường của các làng văn hóa ở Tân Trào có rất nhiều từ đường cổ, đình làng cổ, nếu phải mở rộng đường đạt độ rộng 3- 3,5 m, chúng tôi sẽ phải điều chỉnh như thế nào để vẫn giữ được các công trình, kiến trúc văn hóa truyền thống?
Phó chủ tịch UBND xã An Thắng (An Lão) Nguyễn Đình Thậm, cho rằng cái lo nhất của xã hiện nay là mở rộng đường ra đồng và hệ thống đường giao thông nông thôn nhưng chưa biết lấy nguồn vốn đầu tư ở đâu? Ông Thậm cho rằng, tiêu chuẩn đường giao thông trong tiêu chí NTM đặt ra là đường ngõ xóm phải rộng 3,5m, đường trục chính phải rộng 7m. Nhưng An Thắng là xã ven đô, vận động người dân hiến đất làm đường không dễ dàng. Các xã ven đô khác như An Hồng, An Đồng (An Dương), Thủy Đường (Thủy Nguyên)…nếu quy định “cứng” với tiêu chí giao thông, đa số các xã đều khó hoàn thành, bởi ngoài các khu “dân phố tự phát mới” thì rất nhiều thôn xóm cũ, đã hình thành từ rất lâu, nhà cửa kín đặc, liền kề đường là công trình, chùa chiền, văn hóa... nên lấy đất để mở rộng đường làng, ngõ xóm là rất khó, thậm chí “bất khả thi”.
Theo văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia về NTM thành phố, Sở Nông nghiệp- PTNT đang phối hợp với các ngành liên quan xây dựng đề án hỗ trợ xi măng xây dựng đường giao thông nội đồng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2012- 2020 trình UBND thành phố. Theo đề án, thành phố sẽ hỗ trợ 385.508 tấn xi măng, tương ứng kinh phí 462.609 triệu đồng để cứng hoá 2121,45 km đường giao thông nội đồng. Bình quân hỗ trợ 182,3 tấn xi măng cho 1km đường. Giai đoạn 1 (2012-2015), thành phố sẽ hỗ trợ xi măng cứng hoá 100% đường giao thông nội đồng cho 41 xã đăng ký đạt xã NTM vào năm 2015. Ngoài ra, một thông tin vui đối với các xã xây dựng NTM là Bộ Giao thông - Vận tải đã có chủ trương trình Chính phủ cho phép phát hành Trái phiếu xi măng. Theo đó, mỗi năm, mỗi tỉnh,thành phố sẽ có kinh phí từ nguồn trái phiếu này để làm khoảng 300km đến 500km đường giao thông nông thôn.
Ông Đoàn Văn Lập, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy cho rằng: “Bài toán khó khăn trong thực hiện tiêu chí số 2 về giao thông, thuỷ lợi đã có hướng tháo gỡ nhờ các chính sách hỗ trợ của thành phố. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của Nhà nước là rất quan trọng, song việc nâng cao ý thức cộng đồng, tranh thủ sức dân lại càng quan trọng hơn. Thành phố mới có chủ trương hỗ trợ xi măng cho đường nội đồng, các vật liệu chính khác như cát, sỏi, đá nếu để các địa phương tự lo thì vẫn quá sức. Do vậy, các địa phương nên có sự linh động trong thực hiện tiêu chí này và các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Nhiều địa phương rất sẵn nguồn vật liệu xây dựng (cát, sỏi, đá…). Nếu được, chính quyền cơ sở có thể đề xuất với thành phố cho phép xây dựng các phương án để có thể tổ chức khai thác nguồn vật liệu tại chỗ nhằm đối ứng với Nhà nước làm đường giao thông. Tại huyện Kiến Thụy, Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng chương trình NTM huyện yêu cầu các xã quy hoạch đường giao thông nông thôn phải bảo đảm đúng các tiêu chí đề ra. Về việc làm bê tông mặt đường, đối với những xã khó khăn, hạn chế nguồn lực đối ứng thì trước mắt (gọi tạm là giai đoạn 1) có thể không nhất thiết phải bảo đảm bảo đúng diện tích bề rộng mặt đường theo quy định để có điều kiện hoàn thành toàn tuyến, tránh được trường hợp “xôi đỗ”, dở dang giữa chừng.
Theo báo Hải Phòng