Không thuê tư vấn thiết kế, không đơn vị giám sát và không cả nhà thầu, nhưng hàng chục km đường giao thông nông thôn do chính người dân ở huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng làm vẫn đạt chất lượng cao. Với phương thức “nhân dân làm - Nhà nước hỗ trợ vật tư”, người dân đã trở thành nhà thầu chính của những tuyến đường liên thôn, liên xóm.
Không thuê tư vấn thiết kế, không đơn vị giám sát và không cả nhà thầu, nhưng hàng chục km đường giao thông nông thôn do chính người dân ở huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng làm vẫn đạt chất lượng cao. Với phương thức “nhân dân làm - Nhà nước hỗ trợ vật tư”, người dân đã trở thành nhà thầu chính của những tuyến đường liên thôn, liên xóm.
Để làm tuyến đường dài 420 m này, Nhà nước đã hỗ trợ 230 triệu đồng, còn lại là phần người dân đóng góp hơn 1.000 m2 đất, 24 triệu tiền mặt và hàng trăm ngày công lao động. Với những hộ khó khăn không thể đóng góp, thôn đã linh động bằng cách vận động những người buôn bán, thu mua nông sản mỗi ngày qua lại tuyến đường này đóng góp.
Ông Trần Anh Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn Madaguôi, cho biết: Với phương thức “nhân dân làm – Nhà nước hỗ trợ vật tư” hiệu quả hơn rất nhiều. Đến nay, đã có 15 tuyến đường với tổng chiều dài gần 5 km đã được hoàn thành và người dân rất đồng tình ủng hộ. Chỉ cần đáp ứng tiêu chí có 10 hộ dân sinh sống trên tuyến đường trở lên và dân tự nguyện giải phóng mặt bằng rộng từ 4 m và lu lèn cứng mặt đường đảm bảo yêu cầu là Nhà nước sẽ hỗ trợ vật tư làm.
Theo ông Nguyễn Quý Mỵ, Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai cái chính vẫn là người dân tự làm, nhưng huyện cùng với ban giám sát cộng đồng và cán bộ kỹ thuật của các xã, thị trấn luôn theo dõi và giám sát chất lượng công trình cũng như yêu cầu kỹ thuật. Theo tính toán, với 1 km đường giao thông nông thôn làm theo đầy đủ “ban bệ” như trước đây thì tổng chi phí khoảng 1,6 tỷ đồng, nhưng giờ đây chi phí này giảm chỉ còn từ 820 triệu đến 1 tỷ đồng.
Nguồn: Báo Lâm Đồng