Thanh Hóa: Tập trung nguồn lực để hoàn thành chương trình phát triển mạng lưới giao thông nông thôn

Thứ tư, 14/11/2012 08:09
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì tiêu chí phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn là quan trọng hàng đầu. Xác định được tầm quan trọng đó, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung nhiều nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường giao thông nông thôn và đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra vẫn còn có những hạn chế, bất cập cần phải được sớm khắc phục.

Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì tiêu chí phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn là quan trọng hàng đầu. Xác định được tầm quan trọng đó, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung nhiều nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường giao thông nông thôn và đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra vẫn còn có những hạn chế, bất cập cần phải được sớm khắc phục.

Thực tế cho thấy, mặc dù những năm qua các cấp, các ngành và nhân dân các địa phương trong tỉnh đã tập trung nhiều nguồn lực cho xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn (GTNT), nhưng xét toàn cục trên địa bàn cả tỉnh Thanh Hóa thì hiện tại GTNT chưa theo kịp với tốc độ phát triển và tiềm lực của các vùng kinh tế. Hệ thống đường GTNT chưa được phủ kín và chưa có sự kết nối liên hoàn từ hệ thống đường tỉnh, đường huyện xuống nông thôn, nhất là đối với các địa bàn miền núi, trung du. Mật độ đường huyện, đường xã phân bố không đều, tiêu chuẩn, chất lượng kỹ thuật đường GTNT còn thấp, thiếu hệ thống biển báo, hành lang an toàn giao thông bị lấn chiếm, chưa đồng bộ trong thiết kế cầu, cống và đường. Tỷ lệ mặt đường là đất và cấp phối còn cao, gây khó khăn cho lưu thông, nhất là mùa mưa.

Tính đến tháng 10/2012, mạng lưới GTNT trong tỉnh Thanh Hóa (không kể đường nội đồng) đã làm được là 17.282,2 km. Trong đó mới cứng hóa mặt đường nhựa, bê tông xi-măng được hơn 7.497 km, đạt 43,38%, số chưa được cứng hóa (đường đá dăm, cấp phối, đường đất) là 9.785,2 km (chiếm 56,62%). Tổng kinh phí từ tất cả các nguồn vốn là 2.383 tỷ đồng, huy động 2.836.944 ngày công đóng góp của nhân dân. Mặc dù số km đã làm là rất lớn so với các tỉnh, thành phố khác nhưng so với địa bàn của Thanh Hóa thì còn khiêm tốn. Mạng lưới đường GTNT mới được nâng cấp đến trung tâm xã và cụm dân cư tập trung. Các trục đường liên thôn, xóm, nội đồng chưa được đầu tư làm mới, chủ yếu là tận dụng đường đã có. Nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước để làm đường thôn, xóm còn thấp (mới hỗ trợ tiền xi-măng), kinh phí chủ yếu do nhân dân tự đóng góp.

Các tuyến giao thông liên xã, liên thôn, xóm, bản ở các huyện trung du, miền núi tỷ lệ mặt đường đất còn khá lớn. Nguyên nhân chính là do địa hình đồi dốc, điều kiện kinh tế của người dân địa phương còn khó khăn, nhân khẩu ít, mật độ dân số phân bố thưa, đường dài, uốn lượn, nên huy động nhân dân địa phương đóng góp kinh phí để cứng hóa mặt đường GTNT là rất khó khăn. Trên các tuyến đường GTNT còn nhiều công trình, như cầu, đường tràn, cống, rãnh thoát nước... chưa được xây dựng hoặc đã được xây dựng nhưng bị hư hỏng.

Để mạng lưới GTNT phát triển theo đúng như yêu cầu đề ra, phục vụ đắc lực cho xây dựng nông thôn mới và góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội từng vùng và cả tỉnh, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, cùng với các nguồn đầu tư của Trung ương và của tỉnh Thanh Hóa, các địa phương tiếp tục huy động sự đóng góp tích cực hơn nữa của nhân dân, doanh nghiệp, các nguồn lực khác, bằng tiền, ngày công, nguyên vật liệu... để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp đường GTNT và công trình cầu, cống, tràn nhỏ, hệ thống thoát nước trên đường. Phấn đấu đến năm 2015, cơ bản tất cả đường GTNT xã, làng bản, thôn xóm được cứng hóa mặt đường và liên hoàn để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư; đồng thời, tập trung nhiều nguồn lực xây dựng đường nội đồng gắn với kiên cố hóa kênh mương ở tất cả các địa phương để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Các huyện, thị xã, thành phố cần khẩn trương hoàn chỉnh công tác lập quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải trên địa bàn, chú trọng đến quy mô, tiêu chuẩn quy định về đường GTNT, tránh tình trạng đường làm chưa xong đã bất cập, không phát huy được hiệu quả kinh tế - xã hội đề ra. Đồng thời, xây dựng kế hoạch mục tiêu phát triển GTNT cho từng năm, từng giai đoạn cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm. Bởi vì, đây chính là cơ sở để kêu gọi vốn đầu tư từ các chương trình, dự án trong nước và quốc tế.

Ngành giao thông vận tải cần phối hợp tích cực với các địa phương thường xuyên hướng dẫn và chỉ đạo phong trào toàn dân làm GTNT; quản lý, bảo dưỡng, bảo đảm hành lang an toàn đường GTNT. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn về công tác phát triển GTNT cho cán bộ làm công tác GTNT của các huyện, thị xã, thành phố. Sớm đưa hệ thống GTNT vào cấp hạng và xây dựng từng mặt đường theo tiêu chuẩn.

Ở tầm quản lý Nhà nước, UBND tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục có cơ chế khuyến khích phát triển mạng lưới GTNT (Quyết định 2532/2008/QĐ-UBND, ngày 18/8/2008 của UBND tỉnh về hỗ trợ làm đường GTNT chỉ có hiệu lực đến hết năm 2012). Đặc biệt cần quan tâm hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ xi-măng một cách hợp lý để các địa phương xây dựng mới, kiên cố hóa mặt đường, sửa chữa đường xã, thôn, bản, đường nội đồng...

Đối với khu vực miền núi cao, vùng đặc biệt khó khăn, do đặc thù riêng, rất cần Nhà nước hỗ trợ toàn phần kinh phí xây dựng, mở mới, cứng hóa mặt đường. Chỉ nên huy động sức dân (ngày công) để mở đường và bảo đảm giao thông là chính.

Phát triển mạng lưới GTNT liên hoàn, thông suốt, gắn kết giữa các vùng, miền trong tỉnh sẽ góp phần đáng kể thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới bộ mặt nông thôn, góp phần to lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên từng địa bàn, nhất là vùng biên giới và nông thôn miền núi. Do đó, rất cần sự tập trung hơn nữa mọi nguồn lực để hoàn thành chương trình phát triển mạng lưới GTNT trong thời gian sớm nhất.

Theo báo Thanh Hóa

Kiều Anh (Theo báo Thanh Hóa)

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)