Bắc Giang: Phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2010-2020 vượt chỉ tiêu cứng hóa, chưa chú trọng công tác duy tu, bảo dưỡng

Thứ năm, 13/12/2012 08:47
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thực hiện đề án phát triển giao thông nông thôn (GTNT) tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2010-2020, đến nay hầu hết các huyện đã vượt chỉ tiêu cứng hóa giai đoạn 2010-2015. Thế nhưng, công tác duy tu bảo dưỡng đường GTNT trên địa bàn tỉnh lại chưa được quan tâm đúng mức.

Thực hiện đề án phát triển giao thông nông thôn (GTNT) tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2010-2020, đến nay hầu hết các huyện đã vượt chỉ tiêu cứng hóa giai đoạn 2010-2015. Thế nhưng, công tác duy tu bảo dưỡng đường GTNT trên địa bàn tỉnh lại chưa được quan tâm đúng mức.

Đề án phát triển GTNT tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2010 - 2020 đề ra mục tiêu từ năm 2010 đến 2015, toàn tỉnh huy động 548 tỷ đồng để cứng hóa 613 km đường GTNT. Nhưng chỉ sau ba năm, toàn tỉnh đã cứng hóa hơn 1.078 km đường GTNT, vượt hơn 75% so với mục tiêu trên.

Huyện Hiệp Hoà là địa phương điển hình về phát triển GTNT thời gian qua. Năm 2010 - 2011, toàn huyện cứng hoá 80,8 km đường GTNT, năm 2012 bê tông hoá thêm 23,5 km, vượt 112,3% so với mục tiêu đến năm 2015.

Tại công trình bê tông hóa đường thôn Khánh Vân, xã Đoan Bái (Hiệp Hoà), ông Nguyễn Văn Thạ, Bí thư Chi bộ thôn cho biết: "Mong muốn có con đường rộng rãi để việc đi lại được thuận lợi, không chỉ trông vào sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con trong thôn nhất trí đóng góp hơn 70% giá trị công trình bằng tiền và ngày công (bình quân mỗi khẩu đóng 350 nghìn đồng). Nhờ đó, từ khâu chuẩn bị cho đến thi công diễn ra thuận lợi, đoạn đường dài một km với tổng kinh phí đầu tư hơn 1,1 tỷ đồng được cứng hoá theo đúng kế hoạch".

Để khơi thông các nguồn lực phát triển GTNT, cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, UBND huyện Hiệp Hoà lập kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng và đô thị giai đoạn 2011-2015. Đồng thời, giao cho Phòng Kinh tế và hạ tầng chủ trì, rà soát, thống kê, xác định quy mô xây dựng các công trình GTNT phù hợp với tình hình thực tế từng địa bàn; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện phong trào xây dựng đường GTNT từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến hỗ trợ về tư vấn thiết kế công trình... Các xã, thôn thành lập ban xây dựng, ban giám sát cộng đồng, tích cực vận động người dân tự nguyện hiến đất làm đường. Từ năm 2010 đến nay, các xã Mai Trung, Hoàng An, Hoàng Lương đã vận động hàng trăm hộ hiến đất xây dựng, mở rộng đường GTNT.

Ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hoà khẳng định: "Có được kết quả đó là do người dân có ý thức trách nhiệm cao hơn đối với cộng đồng. Quan trọng nữa là hằng năm huyện thông báo công khai danh mục các dự án cứng hóa đường giao thông, mức kinh phí phí hỗ trợ đến các xã, thị trấn và cấp kinh phí hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt, trong hai năm trở lại đây, phong trào "Chung sức xây dựng nông thôn mới" được triển khai sâu rộng ở các xã, thị trấn góp phần đáng kể đẩy nhanh tiến độ cứng hoá đường GTNT trên địa bàn huyện".

Năm 2012, tại nhiều xã của huyện Việt Yên, người dân cũng tích cực tham gia xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông. Thấy phong trào làm đường GTNT ở các xã chuyển biến tích cực, Huyện uỷ, UBND huyện Việt Yên quyết định ứng trước vốn hỗ trợ chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2013 cho những đơn vị thực hiện tốt, khuyến khích các xã hoàn thiện nhanh, sớm đưa công trình vào sử dụng. Ba năm qua, huyện cứng hóa hơn 70 km đường GTNT, vượt 54,7% so với mục tiêu đến năm 2015. Nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ, HĐND, UBND các cấp và chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đến nay, nhiều huyện khác cũng vượt chỉ tiêu cứng hoá đường GTNT đến năm 2015. Trong đó, Sơn Động vượt 112%; Lục Ngạn vượt 51,8%; Lục Nam vượt 21,4% và Tân Yên vượt 36,1%.

Theo đánh giá của Sở GTVT Bắc Giang, bên cạnh thành tích cứng hóa đường GTNT, hầu hết các huyện trong tỉnh chưa quan tâm đúng mức đến công tác duy tu, bảo dưỡng đường GTNT. Nguồn lực huy động cho công tác này thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Số liệu báo cáo của các huyện cho thấy, nguồn vốn từ ngân sách tỉnh, huyện và xã chỉ chiếm 37,2% so với tổng kinh phí đầu tư duy tu bảo dưỡng, thấp hơn nhiều so với kế hoạch (94,6%). Năm 2010 - 2011, tỷ lệ đường GTNT được duy tu, bảo dưỡng ở các huyện đều đạt thấp. Hệ thống đường huyện chỉ có 7,2% đợt duy tu, bảo dưỡng; đường xã, bảo trì được 2,47%; đường thôn bản tu sửa đạt 8,75% so với kế hoạch.

Năm 2012, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện. Toàn tỉnh chỉ có 598,8/6.927 km (8,6%) đường GTNT được bảo trì. Trong khi đó theo đề án, hệ thống đường huyện, đường xã đặt mục tiêu duy tu, bảo dưỡng 50%, đường thôn bản 20-30%. Vì vậy, tại nhiều xã, huyện trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tuyến đường xuống cấp, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Ở một số nơi, đường cứng hoá từ vài năm trước đến nay đã hư hỏng, nhưng các xã, thôn chưa có kinh phí để tu sửa.

Ngoài nguyên nhân thiếu kinh phí bảo trì, hầu như các địa phương chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác duy tu, sửa chữa thường xuyên. Việc đầu tư, chỉ đạo công tác này cũng không quyết liệt. Đa số khi đường giao thông hư hỏng mới sửa, chỉ để bảo đảm giao thông tạm thời. Công tác quản lý hành lang, phát cây, khơi thông cống rãnh, nước mặt đường không được thực hiện thường xuyên. Nhiều con đường chạy qua khu dân cư chưa được người dân tự giác bảo trì. Hầu hết các huyện chưa thực hiện huy động vốn theo tỷ lệ cơ cấu vốn quy định tại Nghị quyết số 17/2009/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và Quyết định số 35 của UBND tỉnh quy định về bảo trì đường huyện, đường xã. Mặt khác, công tác quy hoạch phát triển giao thông theo kế hoạch triển khai đề án vẫn chưa được đông đảo các huyện quan tâm thực hiện. Đến nay, mới chỉ có 2/9 huyện xây dựng xong quy hoạch.

Để tiếp tục cải thiện chất lượng đường GTNT trong thời gian tới, ông Bùi Thế Sơn, Giám đốc Sở GTVT  đề nghị, chính quyền các huyện tiếp tục quan tâm triển khai những nội dung cụ thể trong Đề án phát triển GTNT tỉnh giai đoạn 2010-2020, trong đó chú trọng lập quy hoạch phát triển GTNT, lập kế hoạch phát triển GTNT hằng năm bám sát với mục tiêu của đề án; tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư lồng ghép phát triển GTNT. Các cấp tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn thực hiện tốt các quy định của Luật Giao thông đường bộ, các quy định về quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quy định bảo trì đường huyện, đường xã của tỉnh…/.

Theo báo Bắc Giang

Kim Cúc (Theo báo Bắc Giang)

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)