Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Hoàng Xuân Nguyên khẳng định: Yên Bái thực hiện phương Nhà nước đầu tư 60% (gồm máy móc thiết bị và xi măng), nhân dân đóng góp công sức 40% theo hướng "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng" đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Hoàng Xuân Nguyên khẳng định: Yên Bái thực hiện phương Nhà nước đầu tư 60% (gồm máy móc thiết bị và xi măng), nhân dân đóng góp công sức 40% theo hướng "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng" đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.
Vì vậy việc mở đường giao thông nông thôn, tại các địa phương trong tỉnh được nhân dân rất đồng tình ủng hộ và đã trở thành phong trào phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, người dân Yên Bái trong năm qua không chỉ phấn khởi bỏ công sức cùng Nhà nước mở đường mà họ còn sẵn sàng hiến đất cho Nhà nước, vì vậy việc mở đường giao thông nông thôn ở Yên Bái hiện thuận lợi tới mức "Người dân chỉ lo tỉnh không có tiền đầu tư để dân hiến đất và góp sức mở đường".
Thực tế cho thấy, mở đường giao thông nông thôn ở Yên Bái đã trở thành phong trào phát triển mạnh mẽ hầu hết các địa phương trong tỉnh. Do vậy, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn đang được cải thiện nhanh. Năm 2012, chỉ với nguồn vốn đầu tư 107 tỷ đồng ngân sách, còn lại là sức dân, toàn tỉnh đã làm mới ước đạt hơn 130km đường bê tông nông thôn, mở mới đường đất với tổng chiều dài 348 km, vượt kế hoạch đề ra 10 km đường bê tông và 48 km về mở mới đường đất. Điển hình như tại làng Khe Đát, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên, gia đình bác Đặng Hồng Quân đã tự nguyện phá tường xây dài gần 30m, lùi vào 2m để làm đường. Thấy đảng viên làm gương trước, lời nói đi đôi với việc làm, các hộ dân trong làng đã đồng tình làm theo. Các hộ gia đình bà Đặng Thị Nhầm, ông Lâm Văn Minh, Bàn Văn Hiền... còn tháo ao cá, tự nguyện hiến một phần đất làm đường giao thông nông thôn khi công trình đi qua phần ao nhà mình mà không đòi hỏi bất cứ hỗ trợ nào của Nhà nước. Hay ở thôn Loong Xe, xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên, 126 hộ dân nơi đây đã tự nguyện hiến trên 1.000m2 đất vườn, đất ruộng, lấp ao và chặt đi nhiều cây cối để mở rộng con đường theo đúng chuẩn rộng 6m.
Đến nay, các huyện Lục Yên, Văn Yên, Trạm Tấu, Văn Chấn... đều hoàn thành đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Nếu tiếp tục có cơ chế giao cho dân giám sát, dân kiểm tra công khai như các mô hình trên, chắc chắn số km đường giao thông của tỉnh sẽ tăng hơn nhờ tiết kiệm chi phí, cắt giảm các khoản chi phí khác. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Yên Bái, trong giai đoạn 2012 - 2015, toàn tỉnh làm mới 400km đường giao thông nông thôn theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", nhưng với phong trào như hiện nay việc mở đường giao thông nông thôn ở Yên Bái sẽ hoàn thành kế hoạch sớm hơn.
Theo TTXVN