Yên Bái: Những cách làm hay trong phát triển đường giao thông nông thôn ở Yên Bái

Thứ năm, 27/12/2012 10:22
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Năm 2012, chỉ với 107 tỷ đồng ngân sách, còn lại là sức dân, toàn tỉnh Yên Bái đã làm mới ước đạt hơn 130km đường bê tông nông thôn; mở mới đường đất với tổng chiều dài 348km.

Năm 2012, chỉ với 107 tỷ đồng ngân sách, còn lại là sức dân, toàn tỉnh Yên Bái đã làm mới ước đạt hơn 130km đường bê tông nông thôn; mở mới đường đất với tổng chiều dài 348km.

Đường giao thông nông thôn (GTNT) vào khu Ngòi Chám, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình theo dự toán dài 500m, rộng 3m, cốt bê tông 18cm, theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", trong đó Nhà nước hỗ trợ 60%, nhân dân đóng góp 40%.

Ông Lương Văn Vân - Chủ tịch HĐND xã Bảo Ái cho ý kiến trúng và đúng cái bụng của dân: các công trình, dự án nếu được giao cho khu dân cư theo hướng "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng" thì khối lượng không bị ăn bớt, chất lượng công trình tốt, nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng đều được dân tự nguyện. Vậy nên, trên giao 500m, nhân dân huy động công sức và giám sát từng bao xi măng, công trình đường Ngòi Chám làm được 617m, tăng 117m so với dự toán ban đầu.

Đường GTNT vào khu dân cư Hồng Nam, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái dài 116m, tổng mức đầu tư 148 triệu đồng, do UBND phường Hồng Hà làm chủ đầu tư theo hướng: tỉnh hỗ trợ 50%, thành phố 5%, nhân dân góp 25%, tiết kiệm chi phí 20% vừa đưa vào sử dụng làm nức lòng nhân dân trong khu dân cư.

Nhờ dân giám sát chặt chẽ, nhiều hộ tự nguyện nhường đất làm đường, chất lượng công trình bảo đảm tốt, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận lợi. Cái hay là nhờ giám sát chặt chẽ, chất lượng trộn bê tông cao, đúng kỹ thuật, mặt đường êm thuận, xong công trình vẫn thừa ra bảy tấn xi măng.

Nhờ đó, một sân chơi thể thao nhà văn hoá trong khu dân cư rộng 120m2 được đầu tư, nhờ phần dôi dư của công trình đường GTNT trên. Có sân bóng đá mi ni, sân cầu lông tập luyện, mọi người ngày ngày giao lưu, tình người trong khu dân cư xích lại gần nhau hơn.

Tại làng Khe Đát, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên, gia đình bác Đặng Hồng Quân tự nguyện phá tường xây dài gần 30m, lùi vào 2m để làm đường GTNT. Thấy đảng viên làm gương trước, lời nói đi đôi với việc làm, không hứa hão, hứa xuông, hô hào chung chung, nên các hộ dân trong làng đồng tình làm theo.

Các hộ Đặng Thị Nhầm, Lâm Văn Minh, Bàn Văn Hiền... còn tháo ao cá, tự nguyện hiến một phần đất làm đường GTNT khi công trình đi qua phần ao nhà mình mà không đòi hỏi bất cứ hỗ trợ nào của Nhà nước. Phải nói thêm rằng, cách làng Khe Đát con sông Hồng có Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang triển khai, người dân so đo thiệt hơn, dù Nhà nước đã hỗ trợ tiền cho các công trình bị ảnh hưởng.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2012-2015, toàn tỉnh làm mới 400km đường GTNT theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Năm 2012, chỉ với 107 tỷ đồng ngân sách, còn lại là sức dân, toàn tỉnh đã làm mới ước đạt hơn 130km đường bê tông nông thôn; mở mới đường đất với tổng chiều dài 348km.

Nhiều địa phương như: Lục Yên, Văn Yên, Trạm Tấu, Văn Chấn đều hoàn thành đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Nếu tiếp tục có cơ chế giao cho dân giám sát, dân kiểm tra công khai như các mô hình trên, chắc chắn số km đường GTNT của tỉnh sẽ tăng hơn nhờ tiết kiệm chi phí, cắt giảm các khoản lãnh phí khác. Các nhân tố điển hình trong làm đường GTNT cần được nhân rộng, khen thưởng kịp thời, nhằm khuyến khích nhân dân tích cực hơn trong xây dựng nông thôn mới./.

Theo báo Yên Bái

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)