Hải Dương: Động lực mới cho phong trào làm đường giao thông nông thôn

Thứ năm, 10/01/2013 09:05
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Để thúc đẩy phong trào làm đường giao thông nông thôn (GTNT), xây dựng nông thôn mới, ngày 9/4/2012, UBND tỉnh đã ban hành cơ chế hỗ trợ xây dựng đường GTNT, mặt đường bê-tông xi-măng (BTXM) cho các địa phương.

Để thúc đẩy phong trào làm đường giao thông nông thôn (GTNT), xây dựng nông thôn mới, ngày 9/4/2012, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành cơ chế hỗ trợ xây dựng đường GTNT, mặt đường bê-tông xi-măng (BTXM) cho các địa phương. Theo đó, các địa phương xây dựng đường được hỗ trợ bằng xi-măng Phúc Sơn PCB30. Mỗi km đường BTXM đạt tiêu chuẩn, mặt đường rộng 3,5 m, dày 18 cm, mác bê-tông đạt 250, tỉnh hỗ trợ 20% kinh phí xây dựng, tương đương 250 tấn xi-măng. Với những xã thực sự khó khăn sẽ có mức hỗ trợ cao hơn. Tỉnh cũng khuyến khích các địa phương làm đường rộng hơn quy định và hỗ trợ 20% cho phần đường mở rộng đó. Hỗ trợ theo phương thức, tiến độ thi công đến đâu, đáp ứng nhu cầu xi-măng đến đó. UBND tỉnh Hải Dương đã giao cho Công ty Xi-măng Phúc Sơn ký hợp đồng với các địa phương, tổ chức lực lượng vận tải cung ứng xi-măng kịp thời đến tận chân công trình.

Với chủ trương ấy, năm 2012, toàn tỉnh Hải Dương đã có 105 xã, phường, thị trấn đã đăng ký với tỉnh xây dựng tổng cộng 129,97 km đường BTXM với khối lượng xi-măng đề nghị hỗ trợ là 30.656 tấn, trị giá 34,89 tỷ đồng. Công ty Xi-măng Phúc Sơn đã ủy quyền cho Công ty Thương mại tổng hợp Huy Hà vận chuyển xi-măng cho các địa phương. Bà Lại Nguyệt Hà, Giám đốc Công ty Thương mại tổng hợp Huy Hà cho biết: Để cung cấp xi-măng cho các địa phương làm đường, công ty đã huy động trên 40 xe ô-tô các loại. Loại lớn chở 20 tấn xi-măng, loại nhỏ 8-10 tấn. Với các địa phương có bán kính 15 km xung quanh TP Hải Dương, công ty dùng xe tải nhẹ, chở thẳng đến công trình. Các huyện xa như Ninh Giang, Thanh Miện, Tứ Kỳ, Bình Giang, Chí Linh..., công ty hình thành hệ thống kho chứa rồi dùng xe tải nhẹ chở đến từng công trình theo tiến độ thi công.

Đến ngày 7/1, công ty đã bàn giao được hơn 26 nghìn tấn xi-măng, đạt 85% khối lượng ngành giao thông vận tải yêu cầu. Các huyện Cẩm Giàng cấp được 2.196 tấn, đạt 99,5%; Thanh Miện 3.833 tấn, đạt 98% Gia Lộc 3.016 tấn, đạt 85%... Riêng huyện Tứ Kỳ có 19 xã, thị trấn đăng ký làm trên 25 km đường GTNT. Công ty đã cung cấp được 5.108 tấn, bằng 78,2% tổng lượng xi-măng theo yêu cầu. Nhiều xã trong tỉnh đăng ký làm đường, được nhận xi-măng hỗ trợ với khối lượng lớn như 4 xã của huyện Tứ Kỳ là Văn Tố 1.100 tấn, Hưng Đạo 988 tấn, Tái Sơn 703 tấn, Quang Phục 700 tấn, 2 xã Cổ Thành 1.352 tấn và Lê Lợi 1.097 tấn của thị xã Chí Linh. Các địa phương thi công đường đến đâu, xi-măng về đến đó.

Theo Sở GTVT Hải Dương, số xi-măng được hỗ trợ đủ để đổ bê-tông cho toàn tuyến đường theo quy chuẩn. Các địa phương phải huy động nguồn lực để mua đá, cát vàng, thuê máy và nhân công làm đường. Việc tỉnh hỗ trợ xi-măng đã tạo động lực mới cho việc góp vốn làm đường ở các thôn, xã. Trong phong trào làm đường GTNT, tùy theo điều kiện và đặc thù riêng, mỗi địa phương có hình thức triển khai khác nhau. Kinh phí được huy động bằng nhiều nguồn như: vận động sự tài trợ của các cá nhân, tập thể để xây dựng đường GTNT, hiến đất xây dựng đường. Các xã của huyện Tứ Kỳ như Hưng Đạo, Văn Tố, Tái Sơn... họp bàn với nhân dân trước hết phải mở rộng nền đường và làm nền chắc chắn. Sau họp bàn, nhân dân thôn Dũng Tiến, xã Hưng Đạo đã ủng hộ 100 triệu đồng, các thôn khác trong xã đều ủng hộ trước từ 30-70 triệu đồng. Điều dễ nhận thấy là nơi nào làm tốt công tác dân vận thì nơi đó làm được đường. Đơn cử như thôn Ngọc Trại, xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) kinh tế không có gì nổi bật, nhưng mỗi khẩu đã đóng góp tới hơn 1 triệu đồng để làm đường. Giờ đây, đường ngang, ngõ dọc trong thôn rộng thoáng, đường trục chính qua thôn rộng 4 m, đổ bê-tông dày 25 cm. Tính ra, chỉ hơn 2 tháng, toàn tỉnh đã thi công được trên 100 km đường BTXM đạt tiêu chí nông thôn mới.

Theo ông Phạm Văn Phượng, Phó Giám đốc Sở GTVT Hải Dương, với phương thức hỗ trợ làm đường GTNT trực tiếp bằng xi-măng, phong trào làm đường giao thông toàn tỉnh rất sôi nổi, đạt hiệu quả cao. Nếu năm 2012 chỉ có 105 địa phương đăng ký xây dựng đường GTNT thì năm 2013 này có tới 225 xã, phường, thị trấn đăng ký với tổng chiều dài 759,7 km đường BTXM, đề nghị hỗ trợ bằng xi-măng 183.838 tấn, hỗ trợ bằng tiền hơn 4,6 tỷ đồng. Phong trào xây dựng đường GTNT trong tỉnh đang phát triển mạnh mẽ, nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2015, có 25% số xã đạt tiêu chí giao thông nông thôn mới, đến năm 2020 có 60% xã đạt và đến năm 2025 hoàn thành nâng cấp, cải tạo tất cả các tuyến đường GTNT đạt tiêu chí nông thôn mới./.

Theo báo Hải Dương

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)