Hơn hai năm qua, hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, phong trào làm đường giao thông nông thôn (GTNT) của tỉnh Hà Nam diễn ra sôi nổi ở khắp các địa phương. Người dân không chỉ đóng góp kinh phí hàng trăm tỷ đồng mà còn tự nguyện chặt cây, dỡ bỏ hàng rào, hiến đất với diện tích gần 100 ha để mở rộng đường làng, ngõ xóm.
Hơn hai năm qua, hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), phong trào làm đường giao thông nông thôn (GTNT) của tỉnh Hà Nam diễn ra sôi nổi ở khắp các địa phương. Người dân không chỉ đóng góp kinh phí hàng trăm tỷ đồng mà còn tự nguyện chặt cây, dỡ bỏ hàng rào, hiến đất với diện tích gần 100 ha để mở rộng đường làng, ngõ xóm. Qua đó, chỉ trong thời gian ngắn phong trào làm đường GTNT theo tiêu chí NTM của Hà Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tạo diện mạo mới cho mỗi làng quê.
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải tỉnh Hà Nam, tính đến hết năm 2012, toàn tỉnh đã đổ bê tông được 907 km đường GTNT theo tiêu chí NTM, trong đó có 807 km đường thôn, xóm, còn lại là đường ra đồng và các tuyến đường khác. Tổng nguồn vốn huy động hơn 790 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 430 tỷ đồng, ngân sách cấp hơn 280 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn khác. Thực hiện phong trào làm đường GTNT trong chương trình xây dựng NTM đến nay các xã trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã bê tông hoá được 70 - 80% đường làng, ngõ xóm, trong đó nhiều xã nhân dân đóng góp gần 10 triệu đồng/hộ.
Xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm có nghề thêu ren xuất khẩu, nhà cửa nhân dân lại san sát, trước đây đường làng, ngõ xóm trong xã đã được rải đá cấp phối song đường nhỏ, cống rãnh nổi nên khi bà con tẩy, nhuộm, giặt là... thải nước ra gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hưởng ứng phong trào làm đường GTNT, cùng với sự hỗ trợ xi măng của tỉnh, nhân dân trong xã đều đồng lòng đóng góp hơn 1 triệu đồng/khẩu mở rộng mặt đường từ 2,5 - 3m và có cống ngầm tiêu trong khu dân cư. Đến nay, hơn 10 km đường trục xã, đường làng, ngõ xóm đã cơ bản được kiên cố hoá góp phần quan trọng chỉnh trang khu dân cư. Cùng với Thanh Hà, các xã trên địa bàn huyện Thanh Liêm đã triển khai bê tông hoá được 70 - 80% đường GTNT, trong đó có nhiều xã nhân dân hiến đất mở rộng đường từ 3 - 3,5m.
Đến nay, 22 xã (trừ thị trấn Vĩnh Trụ) của huyện Lý Nhân cũng đã xây dựng được gần 300 km đường GTNT, trong đó, ngoài nguồn xi măng hỗ trợ của tỉnh, người dân trong huyện đã tham gia đóng góp về kinh phí và hiến hàng chục nghìn m2 đất xây dựng đường. Xã Phú Phúc, mặc dù không nằm trong chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015 nhưng đã phát động các xóm đóng kinh phí và hiến đất làm được 25,7 km đường giao thông đạt tiêu chí. Ông Trần Quốc Việt, Trưởng xóm 14, xã Phú Phúc cho biết: Phong trào xây dựng đường GTNT của xóm ban đầu gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên đảng viên và nhân dân trong xã đã thấu hiểu về chủ trương xây dựng NTM của Đảng và Nhà nước là làm lợi cho chính nhân dân. Do vậy, phong trào làm đường giao thông của xóm được mọi người hưởng ứng. Hiện cả xóm đã làm được hơn 2 km đường đạt chuẩn. Trong quá trình làm đường, bà con đóng góp bình quân mỗi khẩu 1,5 triệu đồng.
Còn tại huyện Kim Bảng, triển khai phong trào làm đường GTNT, UBND huyện đã chỉ đạo các xã khảo sát tất cả các tuyến đường trong khu dân cư; các thôn, xóm tổ chức họp dân triển khai bàn bạc dân chủ quyết định làm tuyến đường nào trước, chiều dài, chiều rộng bao nhiêu, sau đó báo cáo xã đăng ký xin tỉnh hỗ trợ xi măng. Toàn bộ quy trình kỹ thuật đều do huyện duyệt trên hồ sơ và kiểm tra thực địa sau đó mới cho thi công. Tính đến hết năm 2012, các địa phương trong huyện Kim Bảng đã đầu tư hơn 37,4 tỷ đồng làm đường GTNT, trong đó tỉnh hỗ trợ hơn 15 tỷ đồng bằng xi măng, nhân dân đóng góp 20,3 tỷ đồng, còn lại là ngân sách xã và các nguồn vốn khác. Với số kinh phí trên, toàn huyện đã làm được 738 tuyến đường, trong đó có 538 tuyến có mặt cắt dưới 3m, còn lại 200 tuyến có mặt cắt trên 3m. Đặc biệt, trong quá trình nâng cấp các tuyến đường, huyện Kim Bảng đã triển khai hiệu quả đề án cải tạo, nâng cấp, xây mới hệ thống cống rãnh thoát nước thải ở các thôn, xóm. Đến nay, toàn huyện đã làm được hơn 170 km đường cống thoát nước, góp phần quan trọng vào việc giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.
UBND tỉnh Hà Nam có chủ trương tiếp tục hỗ trợ xi măng xây dựng đường giao thông thôn, xóm đến hết tháng 6/2013 và phấn đấu đến thời điểm này sẽ hoàn thành việc xây dựng đường thôn, xóm theo tiêu chí NTM. Để làm tốt việc xây dựng đường GTNT, tỉnh Hà Nam tiếp tục tuyên truyền sâu rộng tới nhân dân nhằm phát huy phong trào, huy động mọi nguồn lực hoàn thành hệ thống đường trục thôn, xóm, trong đó đặc biệt ưu tiên các tuyến đường thôn mặt đường hiện tại là đường đất, cấp phối. Đồng thời, tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, sâu sát quá trình tổ chức thực hiện từ công tác thẩm định, kiểm tra giám sát việc đăng ký, tiếp nhận, quản lý sử dụng xi măng hỗ trợ; chỉ hỗ trợ xi măng cho các xã khi đã có đủ điều kiện về quy mô, mặt bằng, vật tư, nhân công; yêu cầu các xã chỉ đạo thi công theo đúng hồ sơ thiết kế, tiến độ cấp phát xi măng tránh thất thoát và hỏng xi măng do không có kho chuyên dụng để bảo quản; điều chỉnh hồ sơ địa chính, cấp đổi điều chỉnh quyền sử dụng đất cho các hộ hiến đất.
Nguồn: TTXVN