Châu Thành hiện là huyện dẫn đầu toàn tỉnh Bến Tre về phong trào xây dựng giao thông nông thôn (GTNT), nhờ luôn thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Từ năm 2001 - 2013, toàn huyện thi công mới, nâng cấp trên 653km đường nhựa, đường bê tông liên xã, liên ấp, liên xóm; xây mới 386 cây cầu bê tông cốt thép (BTCT), tổng kinh phí trên 338 tỷ đồng.
Châu Thành hiện là huyện dẫn đầu toàn tỉnh Bến Tre về phong trào xây dựng giao thông nông thôn (GTNT), nhờ luôn thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.
“Từ năm 2001-2013, toàn huyện thi công mới, nâng cấp trên 653km đường nhựa, đường bê tông liên xã, liên ấp, liên xóm; xây mới 386 cây cầu bê tông cốt thép (BTCT), tổng kinh phí trên 338 tỷ đồng” - ông Trần Văn Thọ - Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết.
Huyện phấn đấu
Tại 22 xã trong huyện đường nhựa, bê tông liên xã, liên ấp, liên xóm đã đạt gần 100%. Được biết, hệ thống giao thông đường bộ toàn huyện là 659km, trong đó có 487,6km đường liên ấp, liên xóm. Từ năm 2001-2010, bằng nhiều nguồn vốn, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huyện đã tập trung nâng cấp sửa chữa hệ thống GTNT (đường bộ) luôn đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân. Toàn huyện đã thi công mới, nâng cấp gần 400km đường nhựa, đường bê tông liên xã, liên ấp, liên xóm; xây mới 329 cây cầu BTCT, với tổng chiều dài gần 5,2km. Tổng kinh phí thi công cầu đường trong giai đoạn này gần 209 tỷ đồng, trong đó nhân dân tự nguyện đóng góp gần 41 tỷ đồng. Với thành tích này, Châu Thành được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tặng cờ thi đua vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua phát triển GTNT. Bên cạnh đó, Bộ GTVT còn tặng 1 tỷ đồng để hỗ trợ Châu Thành xây dựng GTNT. Chỉ riêng giai đoạn từ năm 2011 - 2013, huyện đã thi công mới và nâng cấp gần 208km đường, trong đó gần 26km đường nhựa và gần 184km đường bê tông. Toàn huyện xây mới 57 cây cầu BTCT tổng chiều dài 918m. Huyện cũng đã nâng cấp, duy tu, sửa chữa 43km đường nhựa, đường đá dăm. Tổng kinh phí để thi công đường mới, duy tu, xây cầu gần 130 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 31 tỷ đồng và gần 29.000 ngày công lao động.
Theo ông Trần Văn Thọ, từ khi có Chỉ thị 24/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngừng các nguồn thu do nhân dân đóng góp, Huyện ủy - UBND huyện tổ chức các cuộc hội thảo về phong trào nhân dân tự nguyện đóng góp tại các xã có nhiều kinh nghiệm về xây dựng GTNT. Qua đó, các xã còn lại vận dụng, sáng tạo trong công tác vận động nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng GTNT. “Từ đó, phong trào nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng GTNT ngày càng lớn mạnh. Ngoài ra, huyện có chế độ khen thưởng kịp thời cho các xã, ấp, tổ chức, cá nhân tích cực thực hiện tốt việc đóng góp xây dựng GTNT”.
Xã, ấp cũng phấn đấu
Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, tất cả 22 xã của huyện đều thực hiện tốt phong trào xây dựng GTNT, nổi bật nhất là xã Tân Phú. Nơi đây, ngày nay không chỉ có tiếng về phong trào xây dựng GTNT mà còn vang tiếng về trồng cây ăn trái: chôm chôm và sầu riêng. Ông Võ Hoàng Bá - Chủ tịch UBND xã Tân Phú, cho biết: Xã có diện tích tự nhiên gần 2.500ha, giao thông chủ yếu là đường bộ gần 82km, trong đó có 135 cây cầu, mỗi cây dài từ 15 - 60m. Trước năm 1975, giao thông đường bộ ở đây hoàn toàn là đường đất, vào mùa mưa, lũ, việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn. Đến năm 1982, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Phú đã xóa 135 cây cầu khỉ, thay vào đó là 135 cây cầu BTCT. Từ năm 1982 - 2003, UBND xã phát động phong trào rải đá dăm ở các tuyến lộ chính. Năm 2004 - 2005, Huyện ủy - UBND huyện phát động phong trào xây dựng GTNT, tạo điều kiện đối ứng cho xã nhựa hóa 6km đường để kích thích phong trào này trong nhân dân. Từ đó, UBND xã vận động trong dân từ năm 2006 - 2010, mỗi năm thực hiện 2 - 3km đường nhựa. Đến hết năm 2013, xã Tân Phú thi công gần 14km đường nhựa và bê tông. Trong 3 tháng đầu năm 2014, thi công 4km đường bê tông. Hơn 10 năm qua, Tân Phú đã hoàn thành gần 69km đường nhựa, bê tông liên xã, liên ấp, liên xóm. “Để thực hiện được các tuyến đường như thế, xã thường xuyên tổ chức tọa đàm trong nhân dân. Qua đó, thống nhất sự cần thiết xây dựng GTNT, thống nhất sự tự nguyện của người dân, mức đóng góp, xác định đoạn đường cần thi công. Mỗi tuyến đường từ 500m trở lên, Đảng ủy - UBND xã hỗ trợ 50 - 100 bao xi măng” - ông Bá cho biết thêm.
Huyện dẫn đầu thì có xã dẫn đầu; xã dẫn đầu thì có ấp dẫn đầu. Chúng tôi về ấp Tân Qui - ấp dẫn đầu phong trào xây dựng GTNT ở xã Tân Phú. Ấp này có diện tích tự nhiên 201,3ha, với 441 hộ, hầu hết người dân sống bằng nghề trồng chôm chôm và sầu riêng.
Ông Nguyễn Văn Thông - Trưởng ấp Tân Qui, cho biết: phong trào xây dựng GTNT ở Tân Qui phát triển mạnh nhất từ năm 2010-2011. Từ năm 2001 đến nay, Tân Qui đã thi công 10,5km đường bê tông liên xóm, liên ấp, hoàn thành 3 cây cầu, 600m đường nhựa, với tổng kinh phí trên 1,4 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 90%. Qua sự vận động của xã, ấp, hơn 400 hộ dân ở Tân Qui tích cực tự nguyện đóng góp theo đầu công đất, để xây dựng GTNT. Nổi bật có các hộ ông: Nguyễn Văn Anh (tổ NDTQ số 1) chỉ có 4 công sầu riêng, đóng góp 33 triệu đồng; cùng ở tổ NDTQ số 10, ông Đặng Văn Hiếu, đóng góp 31 triệu đồng; ông Võ Công Cẩn đóng góp 28 triệu đồng… “ Tôi thấy việc xây dựng GTNT là hết sức cần thiết, bởi ngày trước đường đất, nông dân chúng tôi khổ quá. Bây giờ sau cơn mưa, chúng tôi chạy xe dễ dàng, thậm chí nửa đêm chở người thân đi bệnh viện cũng rất dễ. Các con đường nhựa, bê tông trong ấp vô cùng thiết thực, hàng năm góp phần vận chuyển trên 6.000 tấn chôm chôm, sầu riêng… của bà con vào thị trường trong và ngoài huyện” - ông Anh vừa chỉ tay vào con đường bê tông đi qua tổ NDTQ số 1, vừa nói.
Có thể khẳng định rằng, để dẫn đầu phong trào xây dựng GTNT, Châu Thành đã luôn thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.
Theo Báo Đồng Khởi