Trong 4 năm (2011 - 2014), toàn tỉnh Tuyên Quang có 2.409 km đường thôn bản được bê tông, làm thay đổi căn bản hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn đã về trước kế hoạch 1 năm và vượt 225 km so với mục tiêu đề ra đến năm 2015, tỉnh Tuyên Quang trở thành tỉnh dẫn đầu trong cả nước về làm đường bê tông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Năm 2010, tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa và cấp phối đường giao thông nông thôn toàn tỉnh mới đạt 22,43%; phần lớn các tuyến đường đều thiếu hệ thống rãnh, cống thoát nước nên về mùa mưa đường thường lầy lội, xói lở, trôi đứt... tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, chưa đáp ứng được nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trước tình hình trên, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Kết luận số 01-KL/TU ngày 17-11-2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 63/QĐ-UBND ngày 8-3-2011 phê duyệt Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011-2015, với mục tiêu đến hết năm 2015, toàn tỉnh phấn đấu thực hiện đạt 70% các tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông hóa. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nơi nào có kế hoạch và thực hiện tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng, đóng góp vật liệu làm đường giao thông nông thôn, nền đường rộng 5 m, mặt đường rộng tối thiểu 3 m, tỉnh sẽ hỗ trợ 100% kinh phí mua và vận chuyển xi măng, ống cống đến thôn; đồng thời hỗ trợ công tác quản lý kỹ thuật 2 triệu đồng/km.
Nhanh chóng đưa Đề án vào thực tiễn, các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở đã quyết liệt triển khai. Tỉnh phân cấp quản lý cho cấp huyện duyệt kế hoạch và chủ trương đầu tư; cấp xã phê duyệt dự toán và quyết toán, các thôn, bản, tổ nhân dân thành lập ban quản lý, ban giám sát cộng đồng, vận động nhân dân thực hiện. Các thủ tục được tiến hành nhanh, gọn, công khai để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, tăng niềm tin và sự đồng thuận trong dân, khơi dậy sức dân. Tại huyện Sơn Dương - đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về kết quả bê tông hóa đường thôn bản với 763,94 km, vượt 60,52 km, đồng chí Nông Minh Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương cho biết, đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn không chỉ thay đổi chất lượng giao thông trong huyện mà còn mang lại một diện mạo mới cho thôn bản. Đây sẽ là “sức bật” để Sơn Dương tiếp tục phát triển mạnh mẽ về mọi mặt tiến tới xây dựng huyện nông thôn mới trong những năm tới.
Xã Ninh Lai (Sơn Dương) có 26 tuyến đường trục thôn dài 19,4 km, 50 tuyến đường ngõ xóm dài trên 26 km, 11 tuyến đường nội đồng dài 4,6 km, tổng cộng xấp xỉ 50 km đã được bê tông rộng từ 3 - 4 m. Trong đó, có đến gần 20 km đường thôn bản của xã đổ bê tông rộng 4 m để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Ông Trần Xuân Ngọc, thôn Hội Tân, chủ hộ đã hiến gần 100 m2 đất thổ cư để làm đường chia sẻ: “Việc hiến đất mở rộng đường, nhà tôi đồng ý ngay; làm đường cho mình, cho con cháu hưởng, sao mình lại chần chừ?”.
Xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) có nhiều cách làm sáng tạo trong việc huy động nguồn lực thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Đồng chí Vi Văn An, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết, những thôn gặp khó khăn, xã kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng, trong đó các doanh nghiệp đóng trên địa bàn đã ủng hộ 4.100 m3 cát, sỏi; người dân đã hiến 1.200 m2 đất để mở rộng đường; từ năm 2011 đến năm 2014, xã đã bê tông hóa được 20,81 km đường thôn bản, đạt 100% kế hoạch, nâng tổng số đường giao thông nông thôn được bê tông hóa lên 36,84 km, xã đạt tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới.
Sau gần 4 năm triển khai Đề án, toàn tỉnh đã huy động được 1.319,5 tỷ đồng, gồm: ngân sách nhà nước 610,2 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 686,5 tỷ đồng; doanh nghiệp, tập thể, cá nhân và hộ gia đình ủng hộ 2,78 tỷ đồng; tổng diện tích đất đã hiến để làm đường hơn 41.840 m2. Trong đó, ở huyện Sơn Dương có hộ ông Nguyễn Văn Đáng, thôn Ninh Hòa 2, xã Ninh Lai hiến 2.143 m2 đất; hộ ông Nguyễn Văn Ngụ, thôn Tân Trào, xã Hợp Hòa hiến 336 m2 đất; hộ ông Ma Văn Viết, thôn Núi Độc, xã Hợp Hòa hiến 320 m2 đất. Ở thành phố Tuyên Quang có hộ ông Nguyễn Văn Cửu, thôn 3, xã Đội Cấn, hiến 300 m2 đất...
Theo Sở GTVT Tuyên Quang, kết thúc năm 2014, toàn tỉnh có trên 70% số xã đã có tới hơn 85% số km đường thôn bản được cứng hóa. Điển hình như các xã: Mỹ Bằng, Hoàng Khai, Trung Môn, Tân Long (Yên Sơn); An Khang, Lưỡng Vượng, Tràng Đà (TP Tuyên Quang); Cấp Tiến, Ninh Lai, Tân Trào, Sơn Nam, Hợp Hòa, Minh Thanh (Sơn Dương); Vinh Quang (Chiêm Hóa); Lăng Can (Lâm Bình); Thanh Tương (Nà Hang)… Thành công của Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn không chỉ làm thay đổi hoàn toàn hệ thống giao thông nông thôn, đem lại diện mạo mới, sức sống mới cho vùng nông thôn mà còn là động lực to lớn để phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết vùng, miền trong quá trình phát triển, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.