Yên Dũng (Bắc Giang): Lá cờ đầu xây dựng giao thông nông thôn

Thứ hai, 02/03/2015 14:50
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Để thúc đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo, phát triển KT-XH, nhiều năm qua, chính quyền và nhân dân huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đã chung tay đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT).

Bê tông từ cổng ra đồng

Toàn huyện Yên Dũng hiện đã cứng hóa được 719,8km đường GTNT, không chỉ đường huyện, đường xã mà ngay cả đường nội thôn, nội đồng cũng được các hộ dân đóng góp công sức, tiền của đổ bê tông. Trong đó có 73,8 km đường huyện (đạt 90%), 100 km đường xã (đạt 63,4%), 510 km đường thôn, xóm (đạt 85,2%), 36 km đường nội đồng (đạt 28,2%). Theo bộ tiêu chí xây dựng NTM về đường giao thông thì hầu hết các xã trong huyện đã cơ bản hoàn thành.

Tiêu biểu trong số đó phải kể đến xã Lão Hộ. Từ năm 2011 đến nay, Đảng ủy, UBND xã luôn xác định việc cứng hóa đường giao thông là một trong những mục tiêu hàng đầu góp phần thúc đẩy các nhiệm vụ trọng tâm khác, có vai trò quyết định trong thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Bên cạnh việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ, gần 1 nghìn hộ dân trong xã đã góp công, góp của đổ bê tông các tuyến đường. Toàn xã đã đổ bê tông đạt hơn 90% tất cả các loại đường. Các hộ còn tự bỏ tiền mua vật liệu cứng hóa đường dẫn về cổng từng nhà.

Ông Trần Tân Hợi, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, kiêm Chủ tịch HĐND xã Lão Hộ chia sẻ: "Giao thông thuận lợi đã giúp thu hút 3 nhà máy gạch, 1 công ty may về đầu tư trên địa bàn, tạo việc làm cho khoảng 500 lao động với mức lương từ 4 đến 6 triệu đồng/ người/tháng; tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển vùng sản xuất thủy sản tập trung với tổng diện tích hơn 43ha. Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt hơn 22 triệu đồng/người (tăng gần gấp đôi so với năm 2010); số hộ nghèo trong xã giảm từ 27% (năm 2010) xuống còn 6,9% (năm 2014)".  

Không phải là xã điểm về xây dựng NTM nhưng nhiều năm nay, chính quyền và nhân dân xã Nội Hoàng luôn đẩy mạnh phong trào cứng hóa đường GTNT. Các tuyến đường được chia theo từng khu, tổ để các hộ xây dựng kế hoạch đóng góp, thực hiện. Để giảm thiểu tối đa chi phí, người dân tự thiết kế, thi công đường, tùy độ dài từng tuyến, trung bình mỗi gia đình đóng góp từ 6 đến 10 triệu đồng. Đến hết năm 2014, toàn xã đã cứng hóa được gần 20km đường GTNT (đạt hơn 90%), tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông, trao đổi hàng hóa, phát triển KT-XH.

Bên cạnh đó, nhờ làm tốt công tác dân vận, gắn phong trào toàn dân làm đường bê tông xây dựng nông thôn mới, các xã Đồng Việt, Yên Lư, Đồng Phúc, Quỳnh Sơn... đã huy động mọi nguồn lực cơ bản cứng hóa các tuyến đường GTNT trên địa bàn. Đặc biệt, ba xã gồm: Lão Hộ, Tiến Dũng, Cảnh Thụy đã hoàn thành vượt mức tiêu chí xây dựng đường giao thông, góp phần quan trọng để UBND tỉnh quyết định công nhận là xã nông thôn mới.

Đột phá trong chỉ đạo

Nói về kinh nghiệm cứng hóa đường GTNT, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng cho biết, khi mới triển khai thực hiện nhiệm vụ cứng hóa đường GTNT, huyện gặp không ít khó khăn do ngân sách hạn chế, vốn hỗ trợ của Nhà nước còn ít. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế một số thôn, xóm còn hạn chế khiến mức đóng góp làm đường chưa cao. Sự gia tăng số lượng các phương tiện vận tải có trọng tải lớn, chở quá khổ, quá tải làm hư hỏng đường giao thông; công tác đầu tư bảo trì các tuyến đường chưa được quan tâm đúng mức, còn xảy ra tình trạng đùn đẩy giữa các xã...

Trước thực tế này, HĐND huyện đã ban hành nghị quyết về việc trích ngân sách huyện hỗ trợ 20% giá trị công trình để người dân cứng hóa đường GTNT. Bên cạnh đó, UBND huyện xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cho từng xã, thị trấn; các phòng, ban chuyên môn thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch trên toàn huyện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tạo động lực cho người dân tham gia làm đường.

"Trong các biện pháp đã được triển khai, quan trọng nhất là phát huy tinh thần công khai, dân chủ ngay tại cơ sở, nhất là sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền để vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ ý nghĩa quan trọng của việc cứng hóa đường GTNT. Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tập trung các nguồn vốn để tiếp tục nâng cấp, bảo trì các tuyến đường, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành kế hoạch cứng hóa 100% các tuyến đường GTNT, phục vụ tối đa nhu cầu lưu thông, phát triển KT - XH trên địa bàn"  - ông Tuấn nói. Riêng năm 2014, huyện Yên Dũng đã tiếp nhận, bố trí 57,5 tỷ đồng (tăng 17,2 tỷ đồng so với năm 2013) nâng cấp các tuyến đường GTNT trên địa bàn. Trong đó, các hộ dân đã hiến đất, góp tiền, ngày công trị giá hơn 19,5 tỷ đồng để cứng hóa 102,39 km đường GTNT.

Không chỉ thành lập ban chỉ đạo cấp huyện, UBND các xã, thị trấn cũng thành lập ban chỉ đạo cứng hóa đường giao thông cấp xã, thôn, bảo đảm mọi chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước được tuyên truyền sâu rộng đến các hộ gia đình. Sau khi họp bàn, thống nhất, người dân tự bầu ra những người có uy tín, trách nhiệm phát động mức đóng góp, tập kết nguyên vật liệu thi công đường. Trong tất cả các công đoạn triển khai, người dân được tham gia góp ý, thực hiện, kiểm tra, hạn chế tối đa khiếu nại, thắc mắc trong quá trình thực hiện.

kieuanh

Nguồn: Báo Bắc Giang

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)