Đã có hàng trăm tỷ đồng được huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) huy động đầu tư xây dựng giao thông nông thôn, nhân dân ngày càng tích cực, hưởng ứng nhiệt tình chương trình “Nhà nước hỗ trợ, dân làm công trình” chung tay xây dựng hạ tầng giao thông và kéo giảm giá thành xuống từ 20 - 30% dự toán công trình…
Nâng cấp đường giao thông trên địa bàn Lâm Hà. Ảnh: Duy Danh
Trong các huyện trực thuộc tỉnh, Lâm Hà là địa phương có các đơn vị hành chính cấp cơ sở nhiều nhất với 16 xã, thị trấn. Cùng với địa bàn rộng, sản xuất nông nghiệp chủ yếu là cây công nghiệp như chè, cà phê nên đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn là một bài toán không dễ. Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Lâm Hà, quy hoạch hệ thống đường giao thông trên địa bàn huyện cho thấy, Lâm Hà có tổng số chiều dài đường giao thông lên tới 1.605km. Để cứng hóa toàn bộ chiều dài các tuyến đường giao thông này, cần một nguồn lực đầu tư lớn mà nếu chỉ dựa vào nguồn vốn ngân sách sẽ khó có được hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn gắn kết chặt chẽ giữa các cấp đường để tạo điều kiện giao thông thuận lợi, phục vụ nhu cầu sản xuất, giao thương của người dân.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ huyện Lâm Hà lần thứ V, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch về phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng nông thôn giai đoạn 2011 - 2015 với mục tiêu phát triển hạ tầng kỹ thuật cho vùng nông thôn nhằm tiến tới thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, coi trọng phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là phát triển hạ tầng giao thông nông thôn gắn với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khác. Theo đánh giá của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Lâm Hà, những năm qua, từ sự quan tâm của tỉnh, của Sở Giao thông vận tải và sự hỗ trợ của UBND thành phố Hà Nội, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, các công trình giao thông trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng với quy mô ngày càng lớn. Các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã và đường thôn được quan tâm đầu tư xây dựng. Cụ thể, ngoài đầu tư, nâng cấp các tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn, mấy năm gần đây huyện đã đầu tư xây dựng 13,2km đường huyện, đường liên xã theo tiêu chuẩn đường cấp V miền núi, với tổng mức kinh phí đầu tư 48,5 tỷ đồng. Đầu tư 167 tỷ đồng để xây dựng mới và nâng cấp cải tạo 90 tuyến đường xã, đường liên thôn với tổng chiều dài 212,3km. Đặc biệt, trong thời gian qua, từ chương trình xây dựng nông thôn mới, việc kiên cố hóa đường giao thông nông thôn đã trở thành phong trào trong nhân dân tại các xã, thị trấn, với chính sách Nhà nước hỗ trợ, nhân dân làm công trình đã triển khai xây dựng 103 tuyến đường có tổng chiều dài 66,5km, kinh phí đầu tư 70,4 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 28 tỷ đồng - chiếm gần 40% dự toán công trình.
Ông Đỗ Văn Thiết - Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng Lâm Hà cho biết, chỉ tính riêng từ năm 2011 - 2014, trên địa bàn huyện đã đầu tư xây dựng, cải tạo 198 tuyến đường có tổng chiều dài 292km, với kinh phí đầu tư khoảng 286 tỷ đồng đối với hệ thống giao thông nông thôn huyện. Đặc biệt, chương trình phát triển giao thông nội thôn, các tổ dân phố đã làm nhiều công trình đường bê tông xi măng phát huy hiệu quả tốt do người dân đứng ra quản lý dự án, tổ chức thi công vừa đảm bảo chất lượng công trình, song giá thành giảm từ 20 - 30% kinh phí đầu tư. Qua thống kê, hệ thống giao thông trên địa phận Lâm Hà bao gồm 36km quốc lộ đã được thảm bê tông nhựa nóng; đường huyện lộ và đường liên xã có tổng chiều dài 121km, trong đó có 84,4km được đầu tư mặt đường nhựa, còn lại 36,6km mặt đường cấp phối. Riêng đường xã, đường liên thôn với tổng chiều dài 377km đã được cứng hóa bằng bê tông xi măng, cấp phối 287km và đường thôn xóm, nội đồng tổng chiều dài 942km được cứng hóa 330km. Như vậy, đến nay, đường huyện, đường liên xã thảm bê tông nhựa nóng và láng nhựa đạt tỷ lệ nhựa hóa 70%; đường liên xã, liên thôn được bê tông xi măng, cấp phối đạt tỷ lệ 76% và đường thôn, xóm, nội đồng được cứng hóa đạt tỷ lệ 35% trong tổng số chiều dài các cấp đường giao thông. Với tỷ lệ đường nhựa, bê tông xi măng này đã góp phần hình thành hệ thống giao thông nông thôn huyện Lâm Hà tương đối đồng bộ, phân bổ hợp lý, có sự gắn kết giữa các tuyến quốc lộ, huyện lộ và đường liên xã, liên thôn… tạo điều kiện thuận lợi về giao thông đối với người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, để đẩy mạnh đầu tư giao thông nông thôn, nhất là tiêu chí về giao thông trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Lâm Hà, theo Phó Trưởng phòng Đỗ Văn Thiết, tỉnh cần tăng nguồn vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước bởi nguồn vốn đối ứng trong dân có khả năng huy động rất cao. Vì, theo tính toán bình quân hộ dân Lâm Hà có 1ha cà phê, cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm nên để huy động nhân dân đóng góp từ 3 - 5 triệu đồng cứng hóa giao thông nông thôn không phải khó khăn.