Cùng với việc xây dựng, mở mới các tuyến đường giao thông nông thôn thì công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình này có ý nghĩa quan trọng, góp phần tăng hiệu quả đầu tư phát triển đường giao thông nông thôn tại Lào Cai.
Huy động người dân tham gia tự quản
Gia đình anh Lừu Minh Diu, thôn Say Sán Phìn, xã Mản Thẩn (Si Ma Cai, Lào Cai) đang chuẩn bị xây căn nhà mới. Mấy hôm nay, anh phải tất tả nhờ họ hàng và bà con trong thôn vận chuyển giúp vật liệu từ đầu thôn lên nhà, bởi đường liên thôn quy định chỉ cho xe dưới 8 tấn đi qua, nên xe chở vật liệu phải dừng ở đó. Anh Diu cho biết: Vất vả thêm một chút, nhưng đó là quy định chung rồi, đường do mình góp sức làm thì phải tự giác bảo vệ để còn sử dụng lâu dài chứ.
Không chỉ tự giác chấp hành quy định về tải trọng, người dân thôn Say Sán Phìn còn thường xuyên tổ chức, đắp lề đường, dọn vệ sinh, khơi thông cống rãnh. Bí thư Chi bộ thôn Say Sán Phìn Lừu Seo Lành cho biết: Thôn đã họp và quy định các hộ dân tự giác bảo vệ các tuyến đường đi qua khu vực nhà mình, cùng với đó, mỗi tuần một lần các hộ phải cử người tham gia tổng vệ sinh, khơi thông cống rãnh trên các trục đường liên thôn và nội thôn. Nhờ ý thức tự quản cao của bà con trong thôn, đến nay, sau 2 năm đưa vào sử dụng, 3,1 km đường bê tông trên địa bàn thôn Say Sán Phìn vẫn sạch, đẹp như ngày mới hoàn thành.
Ông Lưu Đình Hạnh, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Si Ma Cai cho biết, nhờ chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm, người dân đóng góp công sức để làm đường, nên sẽ có ý thức hơn trong việc duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường này. Mỗi tuyến đường là hàng trăm ngày công lao động của bà con, nên mọi người lo bảo vệ từng mét đường cũng dễ hiểu.
Còn tại xã Hòa Mạc (Văn Bàn), cứ đến ngày 5 và 25 hằng tháng, phụ nữ ở các thôn, bản ra quân tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Chủ tịch UBND xã Hòa Mạc Ngô Quang Trung cho biết: Mô hình phụ nữ tham gia bảo trì đường giao thông nông thôn đã được thực hiện trên địa bàn xã 2 năm nay với khẩu hiệu “Làm sạch từ gầm sàn ra đường làng”. Hoạt động này không chỉ góp phần bảo vệ các tuyến đường giao thông, mà còn giữ gìn vệ sinh môi trường. Tại thôn 5, xã Hòa Mạc, bà con còn có nhiều quy ước chặt chẽ về hình thức xử phạt nếu làm hư hại các tuyến đường bê tông. Hiện tại ở đầu các tuyến đường đều cắm biển chỉ cho xe dưới 8 tấn đi vào. Khi tuyến đường liên thôn mới hoàn thành đã có một xe chở vật liệu đi vào làm gãy một đoạn đường bê tông, lái xe định bỏ chạy nhưng đã bà con trong thôn giữ lại yêu cầu phải sửa chữa, mới cho đi.
Thời gian qua, ngoài giao trực tiếp các tuyến đường giao thông nông thôn cho các địa phương quản lý, khai thác, bảo dưỡng, Sở GTVT Lào Cai đã hướng dẫn các xã, thôn, bản đưa nội dung quản lý đường liên thôn, đường bê tông vào hương ước của thôn, bản, tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia tích cực trong việc bảo vệ và duy tu, sửa chữa đường. Sau thí điểm sẽ tổng kết rút kinh nghiệm để triển khai công tác bảo dưỡng các tuyến đường giao thông nông thôn trong toàn tỉnh.
Công tác duy tu, bảo dưỡng còn nhiều khó khăn
Theo báo cáo của Sở GTVT Lào Cai, đến nay, toàn tỉnh Lào Cai có 157/164 (đạt 96%) số xã có đường đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc đổ bê tông, tăng 68 xã so với năm 2010 (89/164). Cơ bản các thôn, bản trong tỉnh đã có đường tới trung tâm (2.205/2.205 thôn, bản) tăng 305 thôn, bản so với năm 2010. Trong đó, khoảng 98% số thôn, bản có đường đi lại thuận lợi, số còn lại là các tuyến đường có quy mô đường nhỏ phục vụ chủ yếu cho xe thô sơ và xe máy đi lại. Về kết quả xây dựng đường giao thông nông thôn theo Chương trình xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010 - 2015 toàn tỉnh thực hiện đầu tư nâng cấp hơn 2.563 km. Trong đó, đường bê tông xi-măng 1.212 km, đường cấp phối 378 km, mở mới đường giao thông nông thôn 507 km và cứng hóa hơn 466 km đường ngõ xóm. Tổng chiều dài đường giao thông nông thôn của tỉnh đến nay là hơn 7.507 km. Đến hết năm 2014, toàn tỉnh có 11/144 xã (đạt 7,6%) cơ bản hoàn thành tiêu chí giao thông theo Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Cùng với việc xây dựng, mở mới các tuyến đường giao thông nông thôn, tỉnh cũng rất quan tâm tới công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình này. Theo các văn bản quy định của Trung ương và của tỉnh, phòng kinh tế và hạ tầng, phòng quản lý đô thị huyện, thành phố chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho UBND huyện, thành phố quản lý nhà nước về chuyên ngành GTVT trên địa bàn; thực hiện trực tiếp việc hợp đồng, kiểm tra, nghiệm thu khối lượng, chất lượng và thanh quyết toán kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống cầu, ngầm, đường huyện và một số đường tỉnh đang được giao quản lý. UBND xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, xây dựng, khai thác, bảo vệ, quản lý xe quá tải, quá khổ, sửa chữa và bảo dưỡng hệ thống đường xã, các cầu, ngầm và đường bộ khác được giao trên địa bàn, đảm bảo chất lượng và an toàn lao động; thực hiện trực tiếp việc hợp đồng, kiểm tra, nghiệm thu khối lượng, chất lượng, thanh, quyết toán công khai kinh phí hỗ trợ và nguồn lực huy động đóng góp tự nguyện của nhân dân trong việc xây dựng, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống đường giao thông xã, các cầu, ngầm giao thông nông thôn trên địa bàn xã.
Trước năm 2014, nguồn kinh phí để thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng là nguồn ngân sách của tỉnh. Từ năm 2014, ngân sách để thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng sử dụng từ nguồn của Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh thực hiện các công tác: Bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất các tuyến đường giao thông nông thôn, với tổng chiều dài 5.406 km, 447 cầu, ngầm, chiều dài 12,199 km.
Theo lãnh đạo Phòng Quản lý giao thông nông thôn (Sở GTVT) thì công tác duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường giao thông nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, kinh phí cần cho công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường giao thông là rất lớn, trong khi đó, nguồn lực của tỉnh còn hạn chế. Thực tế hiện nay, nguồn kinh phí dành cho bảo trì đường giao thông nông thôn còn ở mức rất thấp, chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu về bảo trì đường giao thông, thể hiện rõ sự mất cân đối giữa đầu tư phát triển và duy tu bảo dưỡng. Nhiều địa phương vẫn dành sự ưu tiên về nguồn kinh phí cho việc mở đường mới hoặc nâng cấp các đường cũ đã xuống cấp, nên kinh phí dành cho bảo trì đường giao thông nông thôn đang khai thác càng trở nên khó khăn, dẫn đến tình trạng mạng lưới đường giao thông nông thôn nói chung xuống cấp nhanh chóng, làm giảm hiệu quả đầu tư trong việc phát triển đường giao thông nông thôn.
Bên cạnh đó, địa hình tự nhiên trong tỉnh bị chia cắt mạnh, địa chất, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nhiều, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra liên tục hằng năm làm tăng kinh phí duy tu bảo trì các công trình đường giao thông nông thôn. Dân cư vùng cao phân bố rải rác, sống phân tán, điều kiện kinh tế khó khăn, không có khả năng đóng góp, nên việc huy động nguồn lực để thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường giao thông nông thôn còn rất hạn chế.