Quảng Ngãi: Kết quả và kinh nghiệm hỗ trợ xi măng xây dựng giao thông nông thôn

Thứ sáu, 25/03/2016 09:40
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sau 2 năm (2014 – 2015) thực hiện cơ chế hỗ trợ xi măng để xây dựng đường giao thông nông thôn (GTNT), cơ sở hạ tầng nông thôn có nhiều thay đổi rõ nét, góp phần không nhỏ vào việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Cuối năm 2014, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định 341 về việc quy định cơ chế hỗ trợ xi măng để xây dựng đường GTNT. Quyết sách này đã tiếp sức đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình NTM. Hạ tầng nông thôn vì thế cũng được hoàn thiện theo hướng khang trang, sạch đẹp.

 Nhờ cơ chế hỗ trợ xi măng mà hạ tầng giao thông nông thôn ngày càng được hoàn thiện.
Nhờ cơ chế hỗ trợ xi măng mà hạ tầng giao thông nông thôn ngày càng được hoàn thiện

Chỉ tính trong 2014 và 2015, toàn tỉnh đã có 662 tuyến, đoạn tuyến đường (tương ứng 142km GTNT) được bê tông. “Kết quả trên không chỉ thể hiện tính đúng đắn của cơ chế hỗ trợ xi măng xây dựng GTNT, mà còn tạo “luồng gió mới” trong việc thi đua xây dựng NTM giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ khẳng định.

Theo chia sẻ của chính quyền các địa phương đã được công nhận đạt chuẩn NTM trong năm 2015, nếu không có cơ chế hỗ trợ xi măng, chưa hẳn họ đã hoàn thành việc xây dựng NTM đúng tiến độ. “Dù được chọn là xã điểm của huyện, nhưng chúng tôi xác định, việc bê tông hóa khó có thể thực hiện ở những tuyến đường nhỏ. Nhưng nhờ cơ chế hỗ trợ xi măng, đến ngõ hẻm cũng được bê tông nên nhân dân rất phấn khởi”, ông Đoàn Tấn Nguyên- Chủ tịch UBND xã Hành Minh (Nghĩa Hành) cho biết.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì, chính quyền và người dân các địa phương vẫn còn những băn khoăn, lo lắng trong quá trình thực hiện cơ chế hỗ trợ xi măng để xây dựng GTNT. Theo đó, vì số lượng xi măng được cung ứng cho mỗi xã là rất lớn nên việc tìm kho chứa, công tác quản lý, bảo vệ cũng như kiểm soát chất lượng gặp nhiều khó khăn. “Nhận một lần cả trăm tấn xi măng, làm sao chúng tôi kiểm tra được chất lượng. Nhỡ đơn vị cung ứng trà trộn xi măng kém chất lượng hay hết hạn sử dụng thì sao?”, ông Huỳnh Văn Như - Chủ tịch UBND xã Đức Hiệp (Mộ Đức) đặt vấn đề. Lo lắng này xuất phát từ việc năm 2015, người dân xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) phát hiện xi măng “có vấn đề”, dù số lượng không lớn.

 Bên cạnh đó, những địa phương đăng ký đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2016 cũng không khỏi lo lắng khi mà hiện giờ, xi măng hỗ trợ xây dựng GTNT chưa được cung ứng. Bởi, “chúng tôi đã sẵn sàng nhân công, vật liệu, chỉ thiếu xi măng” - ông Phạm Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn (Tư Nghĩa) bày tỏ.

Trước những lo lắng này, ông Mai Văn Hà - Trưởng Phòng Kết cấu - hạ tầng, Sở GTVT cho rằng, các địa phương không nhất thiết phải nhận toàn bộ xi măng một lần theo số lượng đăng ký. Tùy vào điều kiện và nhu cầu xây dựng mà các địa phương đề xuất chia nhỏ số lần xi măng được cung ứng. “Riêng vấn đề chất lượng, chính quyền và người dân hoàn toàn yên tâm. Ngay khi tiếp nhận, nếu phát hiện xi măng có dấu hiệu bất thường thì có quyền từ chối, yêu cầu đổi toàn bộ sản phẩm và thông báo vụ việc với Sở GTVT”, ông Hà nói. Đối với tiến độ cung ứng xi măng năm 2016, ông Hà cho rằng: “Có thể sẽ chậm”. Bởi hiện giờ, Đề án Phát triển GTNT giai đoạn 2016 – 2020, thực hiện Chương trình NTM đang đợi Sở Tư pháp cho ý kiến trước khi UBND tỉnh trình HĐND xem xét thông qua vào kỳ họp giữa năm 2016.

Liên quan đến một số bất cập, đặc biệt là “vênh” số lượng xi măng giữa nhu cầu thực tế và đăng ký, Sở GTVT kiến nghị chính quyền các địa phương cần rà soát kỹ quy mô kỹ thuật các tuyến đường để đảm bảo tính chính xác, phù hợp với quy hoạch của UBND tỉnh; tránh tình trạng nơi thừa, chỗ thiếu, ảnh hưởng đến tiến độ cung ứng xi măng chung trong toàn tỉnh.
 

bichtt

Nguồn: Báo Quảng Ngãi

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)