Chương trình hỗ trợ xi măng giúp các địa phương làm đường giao thông nông thôn (GTNT) ở Hải Dương thời gian qua đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, năm nay tỉnh vẫn chưa quyết định có tiếp tục hỗ trợ xi măng hay không khiến nhiều địa phương băn khoăn, lo lắng.
Hiệu quả thiết thực
Chương trình hỗ trợ xi măng cho các địa phương làm đường GTNT được UBND tỉnh thực hiện từ năm 2012 theo Đề án "Xây dựng và phát triển GTNT giai đoạn 2011-2015". Chương trình này đã thúc đẩy phong trào làm đường GTNT, xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các địa phương đạt nhiều kết quả. Dù xi măng chỉ chiếm 30% trong tổng giá trị đầu tư cho một tuyến đường nhưng nguồn "vốn mồi" này thực sự là động lực để các địa phương huy động nhân dân đóng góp công sức, kinh phí làm đường.
Trước đây, chỉ một số tuyến đường chính của các thôn ở xã Quảng Nghiệp (Tứ Kỳ) được bê tông hóa nhưng đường còn nhỏ, chưa bảo đảm chất lượng và tiêu chí xây dựng NTM. Từ khi tỉnh có cơ chế hỗ trợ xi măng, người dân nhiều thôn, xóm đã tự họp bàn, thống nhất phương án làm lại đường. Chị Nguyễn Thị Thành, cán bộ giao thông xã Quảng Nghiệp cho biết: Đến nay, tất cả các tuyến đường chính của các thôn được bê tông hóa theo chuẩn NTM. Để được hỗ trợ xi măng, địa phương phải thống kê chi tiết khối lượng vật liệu từng tuyến đường. Do hỗ trợ trực tiếp bằng nguyên liệu nên không lo bị "ăn bớt" như một số chương trình khác.
4 năm qua, do được hỗ trợ xi măng nên tỷ lệ đường giao thông được kiên cố hóa theo đúng chuẩn NTM ở các địa phương tăng lên đáng kể. Theo thống kê của Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh, trước khi xây dựng NTM, toàn tỉnh chỉ có 5 xã đạt chuẩn về giao thông thì đến hết năm 2015 đã có 95 xã đạt tiêu chí này. Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thanh Hà, nếu năm 2011, toàn huyện chỉ làm mới được 20,27 km đường GTNT theo chuẩn NTM, thì đến năm 2014 đã làm được 128 km. Hiện nay, khoảng 70% đường GTNT của huyện đã đạt chuẩn NTM.
Còn nhiều băn khoăn
Những ngày này, người dân xóm Đông, thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm (Ninh Giang) đang hăng hái đào đường, phá tường bao để làm lại tuyến đường chính của thôn. Ông Nguyễn Đức Thể, Phó Trưởng thôn Tranh Xuyên cho biết: "Chúng tôi nghe nói sắp tới tỉnh sẽ không tiếp tục hỗ trợ xi măng nữa nên phải nhanh chóng vận động người dân làm lại con đường này để còn kịp nhận hỗ trợ. Để làm 700 m đường chúng tôi dự trù khoảng 1,1 tỷ đồng, chưa tính xi măng được tỉnh hỗ trợ. Nếu không có tỉnh hỗ trợ thì kinh phí làm đường còn cao hơn nhiều".
Ông Trịnh Văn Thuần, Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm chia sẻ: "Được biết, tháng 5 năm nay UBND tỉnh vẫn tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ, còn sau đó thì chưa biết thế nào. Chính vì thế, từ đầu năm đến nay, chúng tôi khuyến khích các thôn nếu có điều kiện, nhu cầu làm đường GTNT và đường ra đồng thì nên nhanh chóng đăng ký để xã đăng ký với huyện". Từ đầu năm đến nay, xã Đồng Tâm đăng ký làm 9 tuyến đường với chiều dài trên 2,8 km, đề nghị được hỗ trợ trên 278 tấn xi măng.
Theo ông Lê Đình Long, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, UBND tỉnh đã giao cho Sở Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp với nguồn lực của tỉnh để triển khai thực hiện việc hỗ trợ xi măng trong thời gian tới.
Thời gian qua, mặc dù số km đường được kiên cố hóa lớn nhưng chủ yếu là đường trong làng, trong xóm, còn đường ra đồng vẫn thấp. Nhiều địa phương có nguyện vọng tiếp tục được tỉnh hỗ trợ xi măng để làm đường, nhằm giảm bớt khó khăn trong xây dựng cơ sở hạ tầng NTM.
Đề nghị tỉnh sớm cân đối ngân sách để tiếp tục hỗ trợ xi măng cho các địa phương tiếp tục làm đường giao thông trong những năm tiếp theo, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.