Những năm qua, hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) Hà Tĩnh có bước phát triển nhảy vọt cả về số lượng và chất lượng. Nhiều tuyến đường được nhựa hóa, bê tông hóa; tỷ lệ đường đất giảm dần...
Nhờ tranh thủ các chương trình, dự án và có cơ chế, chính sách huy động nguồn vốn Nhà nước và nhân dân cùng làm, phong trào làm đường GTNT đã thu được kết quả khá lớn. Theo Sở GTVT, bình quân mỗi năm, toàn tỉnh xây dựng khoảng 700-800 km. Riêng giai đoạn 2010-2015, cả tỉnh nâng cấp trên 4.900 km mặt đường nhựa và bê tông; gần 1.600 km mặt đường cấp phối, đá dăm; mở mới gần 1.300 km đường đất; xây dựng mới 248 cầu...
“Kết quả này đã góp phần làm thay đổi diện mạo các địa phương, làm giảm khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, tạo đà phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh và phục vụ công cuộc xây dựng NTM của tỉnh” - Phó Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Tuấn đánh giá.
Hợp lòng dân, được nhân dân đóng góp sức người, sức của nên những con đường liên thôn, liên xã mới tiếp tục được hoàn thành. Phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm...” được dấy lên sâu rộng, trở thành quyết tâm chính trị của các cấp ủy, chính quyền. Điều này ảnh hưởng tích cực đến kết quả thực hiện 4 nội dung trong tiêu chí GTNT trên địa bàn.
Bộ đội Biên phòng tỉnh giúp nhân dân xã Sơn Kim 2 xây dựng đường giao thông
Tuy nhiên, qua thực tế và những con số nêu dưới đây cho thấy, hiện mới chỉ đạt 1/4 nội dung của tiêu chí này. Và khối lượng phải hoàn thành từ nay đến 2020 là rất lớn, trong khi phần lớn các xã chưa về đích đều rất khó khăn, nhất là nguồn vốn.
Cụ thể: Về “tỷ lệ km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT là 100%”, hiện tỉnh mới đạt 68% (1.477,54/2.184,08 km); tỷ lệ đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn, tỉnh ta đạt cao hơn với tỷ lệ 59% (1.551,22/2.629,59 km), theo chuẩn tiêu chí là 50%) tỷ lệ km đường ngõ xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa là 100% mới đạt 64% (2.866,27/4.503,09 km); đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện đạt 34% (1.231,07/3.641,54 km), theo yêu cầu là 50%. Tính đến đầu tháng 4/2016, toàn tỉnh có 56/230 xã đạt chuẩn tiêu chí GTNT, trong đó, có 52 xã về đích NTM và 4 xã đạt tiêu chí giao thông, dù chưa về đích NTM.
Không kể các huyện miền núi, khó khăn, người dân ở thưa thớt... như Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn... ngay cả Thạch Hà, địa phương nhiều năm qua luôn dẫn đầu tỉnh về phong trào làm đường GTNT, khó khăn cũng rất lớn. Trong 6 năm gần đây, huyện này đã làm mới được trên 900 km đường GTNT, thế nhưng, đến nay cũng chỉ mới 5/30 xã về đích NTM; 4 xã khác là Thạch Liên, Thạch Kênh, Thạch Đài, Thạch Khê phấn đấu về đích vào cuối năm nay nhưng đang “toát mồ hôi”, chưa biết nhìn vào đâu để hoàn thành tiêu chí giao thông.
Theo ông Phạm Thanh Linh, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, ngân sách các cấp lại hạn hẹp, sức đóng góp của người dân có hạn, trong khi đó, khối lượng giao thông tại các xã còn rất lớn... Khó khăn của các xã ở Thạch Hà không chỉ là làm mới mà còn phải mở rộng mặt đường do thiết kế trước đây không đủ tiêu chuẩn. Hiện tại, Thạch Hà vẫn còn gần 430 km mặt đường xấu và trên 318 km mặt đường rất xấu...
Theo Sở GTVT, để đến năm 2020, tất cả các xã đều hoàn thành tiêu chí giao thông, toàn tỉnh cần làm đạt chuẩn thêm ít nhất 3.200 km, gồm: 707 km đường trục xã; 444 km đường trục thôn; 635 km đường ngõ xóm và 1.410 km đường trục chính nội đồng (các số được làm tròn). Nếu tính trung bình 1 tỷ đồng/km thì cần đến 3.200 tỷ đồng để hoàn thành tiêu chí này cho những năm còn lại. Một thách thức không hề nhỏ!
Là ngành “chỉ huy” mặt trận này, Sở GTVT đã có kế hoạch thực hiện cụ thể cho từng năm (từ 2016-2020), từng loại đường. Theo đó, khối lượng đường giao thông được giảm dần và sẽ hoàn thành vào năm 2020.
Lãnh đạo một số xã đã về đích cũng như chưa về đích NTM cho rằng, giải pháp quan trọng nhất là điều chỉnh lại quy hoạch hệ thống GTNT phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để mang lại hiệu quả sử dụng cao. Có vị thẳng thắn: Trước đây, khi quy hoạch giao thông, địa phương chỉ nhìn vào nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, chưa quan tâm nhiều đến nguồn huy động từ dân, do đó, quy hoạch thiếu tập trung, đến khi Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí, còn lại huy động đóng góp của người dân thì nhất thiết phải điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp...
Ông Nguyễn Bá Du, Bí thư Đảng ủy xã Phù Việt (Thạch Hà), địa phương đã về đích NTM năm 2015, đưa ra kinh nghiệm của xã là huy động tổng lực. Theo đó, tranh thủ tối đa các chương trình, dự án từ các nguồn ngân sách. Đường trục xã thì xã lo vốn; trục xóm và liên gia thì giao cho dân tự bàn bạc, góp tiền, góp vật liệu, tham gia làm, Nhà nước hỗ trợ xi măng, xã hỗ trợ động viên thêm và cử cán bộ bám nắm, làm quyết liệt. Bằng cách làm đó, xã huy động được nguồn lực đáng kể từ sự đóng góp của người dân và các mạnh thường quân...