Là huyện miền núi có 22 xã, 1 thị trấn, trong đó có 2 xã, thị trấn thuộc khu vực I, 13 xã thuộc khu vực II, 8 xã thuộc khu vực III; 133 thôn đặc biệt khó khăn và 6 xã thuộc vùng CT229, những năm qua, huyện Thanh Sơn luôn xác định muốn phát triển kinh tế, nhất là tại các vùng sản xuất chuyên canh thì cần phải ưu tiên phát triển giao thông nông thôn bởi có hệ thống giao thông thuận lợi, khoảng cách giữa các vùng sẽ gần lại, thuận lợi cho giao thương, trao đổi và nâng cao giá trị hàng hóa.
Đường giao thông nội đồng ở Địch Quả, Thanh Sơn
Trong quá trình triển khai, từ huyện đến cơ sở gặp phải không ít khó khăn, bởi địa hình bị chia cắt do nhiều sông suối, có độ dốc lớn, dân cư phân bố không đồng đều, hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ nhu cầu đầu tư lớn, điều kiện kinh tế xã hội của huyện còn nhiều khó khăn, vì vậy việc đầu tư xây dựng đường liên xã, liên thôn, liên xóm chưa đáp ứng nhu cầu xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch của tỉnh, đòi hỏi phải có nguồn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh hàng năm cho Chương trình phát triển giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn huyện. Để khắc phục những khó khăn trên, UBND huyện đã bám sát Nghị quyết số 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2011-2015, phương hướng, nhiệm vụ phát triển GTNT giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch 1071 của UBND tỉnh về quy hoạch phát triển giao thông vận tải huyện Thanh Sơn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Công tác lãnh chỉ đạo của chính quyền các cấp được tăng cường; công tác chỉ đạo và thực hiện đối với chương trình phát triển GTNT được chú trọng. Ban chỉ đạo phát triển GTNT thường xuyên được kiện toàn, bổ sung kịp thời. Các thành viên ban chỉ đạo được phân công nhiệm vụ rõ ràng, phụ trách từng địa bàn cụ thể.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các thành viên thường xuyên phối hợp với các tổ chức đoàn thể để tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn lực và giám sát thi công, thanh quyết toán công trình. Sự phối hợp của các đoàn thể luôn được phát huy, thực hiện linh hoạt quy chế dân chủ ở cơ sở vì vậy không để xảy ra tình trạng khiếu kiện trong quá trình thực hiện. Huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho phát triển GTNT. Việc huy động vốn được thực hiện đa dạng, tranh thủ tối đa nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án như: Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, 135, CT 229, chương trình hỗ trợ bê tông xi măng, vốn Jica, hỗ trợ của EU và huy động nguồn lực trong dân. Từ năm 2011-2015, huyện đã huy động được trên 32.600 tỷ đồng trong nhân dân, trong đó chưa kể tiền hiến đất, cây cối, hoa màu. Cùng với đó, công tác quản lý chất lượng các công trình GTNT luôn được quan tâm, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện, trách nhiệm của chính quyền các cấp, chủ đầu tư có sử dụng đóng góp của nhân dân, đội ngũ Ban quản lý dự án; chú trọng quản lý khai thác, duy tu và bảo dưỡng các công trình sau đầu tư.
Hết năm 2015, tỷ lệ km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt gần 52%; tỷ lệ đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GT-VT đạt gần 31%; tỷ lệ đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa đạt gần 68%; tỷ lệ km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện đạt trên 21%.
Có thể khẳng định, việc phát triển GTNT ở Thanh Sơn phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng và quy hoạch sử dụng đất, thực hiện có hiệu quả phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, vận dụng linh hoạt cơ chế dân chủ ở cơ sở, đã tập trung sức người, nguồn lực của toàn dân để khôi phục, nâng cấp mạng lưới GTNT. Đặc biệt cơ chế làm đường bê tông xi măng theo phương châm: Nhà nước cấp xi măng, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật đến tận thôn xóm, nhân dân đóng góp vật liệu xây dựng, nhân công xây dựng và hiến đất khi giải phóng mặt bằng để xây dựng, từ đó nâng cao chất lượng công trình, hiệu quả đầu tư, mang lại những kết quả thiết thực, được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng. Nhờ GTNT phát triển nên việc vận chuyển hàng hóa, nông sản, giao lưu, buôn bán, đi lại của nhân dân thuận lợi, kinh tế xã hội phát triển, đời sống của nhân dân có những bước cải thiện đáng kể. Trong thời gian tới, huyện Thanh Sơn sẽ tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân; tập trung chỉ đạo và nguồn lực thực hiện đầu tư phát triển hệ thống mạng lưới giao thông tạo nền tảng vững chắc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2020, huyện có tỷ lệ đường GTNT cứng hóa đạt trên 70%.