Những năm gần đây, bằng việc huy động các nguồn lực, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu lưu thông, sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn.
Nhiều tuyến đường ở xã Đắk Nia được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông
Tại thôn Cây Xoài, mặc dù chỉ có hơn 1km đường liên thôn, nhưng trước đây bà con gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại. Mùa mưa hay nắng, bà con đều phải chịu nỗi vất vả riêng. Còn bây giờ thì cảnh đó không còn nữa, bởi đã được bê tông sạch sẽ.
Ông Nguyễn Văn Dũng, một người dân cho biết: “Khi còn là đường đất, vào mùa mưa xe máy đi lại trơn trượt té ngã rất nhiều, có người còn bị ngã gãy chân. Nhiều phụ huynh chở con đi học đến trường thì bị lấm lem. Khi có chủ trương làm đường bà con phấn khởi lắm, nhà nào cũng tham gia góp tiền và ngày công để làm. Bây giờ thì việc đi lại của bà con đã thuận lợi hơn, không mất thời gian và nguy hiểm như trước nữa. Ngõ xóm cũng sạch sẽ, đẹp hơn”.
Tại thôn Đắk Tân, bà con cũng phấn khởi khi hơn 2,5 km đường liên thôn được đầu tư 4 tỷ đồng để nhựa hóa. Việc vận chuyển hàng hóa, nông sản cũng thuận lợi hơn nên đã góp phần tích cực trong thúc đẩy sản xuất. Từ đó, đời sống của nhiều hộ dân cũng từng bước được nâng lên.
Ở nhiều thôn, bon khác trong xã, các tuyến đường nông thôn cũng đã được bê tông hoặc nhựa hóa. Theo ông Nguyễn Thái Ban, Phó Chủ tịch UBND xã thì ngoài nguồn vốn hỗ trợ, địa phương đã tích cực huy động các nguồn lực khác để làm đường như từ các doanh nghiệp, từ nhân dân theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Khi huy động nhân dân làm đường, địa phương luôn tôn trọng và tổ chức nhiều cuộc họp để lấy ý kiến, nắm bắt mức độ đồng thuận của bà con. Qua các cuộc họp, bà con cùng nhau thống nhất cách làm, hình thức thực hiện, quyết định chiều dài và chiều rộng của đường, kết cấu, mức đóng góp...
Qua tìm hiểu, tại nhiều tuyến đường, địa phương còn để cho bà con tự thi công, tự bảo đảm chất lượng và chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Chính việc công khai và để dân cùng biết, cùng bàn và cùng làm đã tạo được sự đồng thuận lớn trong nhân dân. Vì vậy, hầu hết các tuyến đường khi thi công đều bảo đảm được tiến độ và chất lượng.
Riêng từ năm 2012 đến nay, từ nguồn vốn của chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển giao thông nông thôn và huy động trong dân, toàn xã đã làm được 13 tuyến đường bê tông, với chiều dài trên 12km, tổng mức đầu tư trên 19,6 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ là 13,9 tỷ đồng, còn lại là nhân dân đóng góp và ngày công. Ngoài ra, nhân dân còn đóng góp được trên 500 triệu đồng và cả ngày công để nâng cấp trên 22 km đường giao thông, đào đắp hàng ngàn m3 đất tại các tuyến đường ở thôn Đồng Tiến, Nam Rạ, bon S’Rê Ú…
Với những cách làm hay và sự đồng thuận của nhân dân nên các tuyến đường ngày càng sạch đẹp, thuận tiện trong lưu thông. Theo thống kê của UBND xã thì đến nay, toàn xã đã có trên 90% các trục đường thôn, bon được nhựa hóa và bê tông hóa và trên 80% trục đường ngõ, xóm cũng được bê tông và nhựa hóa. Trục đường liên xã đã cơ bản được nhựa hóa 100%.
Cũng theo ông Ban, mặc dù đã huy động được rất nhiều nhân lực, vật lực để làm đường giao thông nông thôn, nhưng do địa bàn rộng, dân cư thưa thớt nên vẫn còn một số tuyến đường liên thôn và nhất là đường nội đồng vẫn chưa thể xây dựng được. Vì vậy, trong những năm tiếp theo, địa phương sẽ tiếp tục huy động nhân lực, vật lực, các nguồn vốn đầu tư để tiếp tục gia tăng số tuyến đường được bê tông, nhựa hóa. Trong đó, những thôn ở xa, đi lại khó khăn và các tuyến nội đồng sẽ được ưu tiên thực hiện trước.