Những năm qua, huyện Tam Dương ưu tiên, tập trung tối đa các nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông. Đến nay, nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện được nâng cấp, cải tạo, hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo động lực để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Phòng Công thương huyện Tam Dương cho biết: Năm 2009, bắt tay vào thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn huyện theo cơ chế hỗ trợ phát triển GTNT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2009-2015, địa phương gặp không ít khó khăn do phần lớn các xã trên địa bàn là xã trung du, miền núi đất rộng, người thưa, kinh tế chậm phát triển, việc cứng hóa các tuyến GTNT nhánh còn hạn chế; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân của chính quyền một số xã hiệu quả chưa cao. Một số cán bộ, đảng viên và nhân dân còn chưa hiểu rõ ý nghĩa, mục đích và nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nên còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, coi việc thực hiện chương trình là do Nhà nước đầu tư, chưa phát huy được vai trò chủ thể và sức mạnh của cộng đồng dân cư. Việc tổ chức thực hiện có nơi còn “tư duy dự án” nên hiệu quả tổ chức thực hiện các dự án GTNT, GTNĐ còn thấp. Đặc biệt, do thị trường bất động sản biến động, giá đất xuống thấp nên các xã, thị trấn trên địa bàn huyện rất khó khăn trong việc tạo nguồn vốn để đầu tư xây dựng. Song, việc mở rộng, cứng hóa mặt đường trở thành nhu cầu cấp thiết, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và là cửa mở cho các ngành công nghiệp - dịch vụ phát triển.
Các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án đường QL2C (KM28+270),
thị trấn Hợp Hòa - An Hòa, huyện Tam Dương
Để khắc phục những khó khăn trên, đồng thời đáp ứng nhu cầu thực tế đi lại của người dân, Ban Chỉ đạo Phát triển giao thông và Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Tam Dương chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, thị trấn xác định công tác tuyên truyền là "khâu đột phá" để nâng cao trách nhiệm, nhận thức cho cán bộ và nhân dân, xác định được ý nghĩa của việc xây dựng hạ tầng giao thông phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời, giao các phòng chuyên môn hướng dẫn UBND các xã, thị trấn lập dự toán - thiết kế và các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhất là đối với các dự án quy hoạch khu đất đấu giá quyền sử dụng đất để các địa phương có vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có làm đường GTNT và GTNĐ.
Các tuyến đường khi triển khai xây dựng đảm bảo quy mô mặt đường theo quy định, việc tổ chức thi công đảm bảo nguồn vốn và thủ tục đầu tư XDCB. Thực tế, những năm qua, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, UBND huyện và các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa thiết thực của làm đường giao thông trên bản tin, hệ thống loa truyền thanh của huyện, xã và các thôn xóm để nhân dân biết và thực hiện, tham gia làm đường GTNT và GTNĐ. Thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý và sử dụng” cùng với những cơ chế hỗ trợ của tỉnh trong phát triển GTNT, GTNĐ đã có tác dụng “kích cầu” cho các xã, thị trấn huy động khai thác các nguồn vốn khác để xây dựng các tuyến giao thông. Nhân dân đồng thuận, nhất trí cao, tham gia đóng góp bằng nhiều hình thức khác nhau: Từ tiền mặt, vật tư đến ngày công và hiến đất làm đường. Đến nay, nhiều tuyến đường trục thôn, trục xã, liên thôn, liên xã, đường GTNĐ trên địa bàn huyện được cứng hóa và đi vào sử dụng.
Giai đoạn 2010-2015, toàn huyện cứng hóa được trên 68 km/tổng số 56 km đường GTNT tuyến huyện và 93,6 km/96,9 km đường trục xã, 83,25 km/95,1 km đường trục thôn, 70 km đường ngõ xóm và 48,1 km/116,45 km đường GTNĐ. Nhân dân các địa phương tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất cùng hàng nghìn ngày công lao động để làm đường GTNT, GTNĐ. Đến nay, toàn huyện có 7/12 xã đạt tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM, đó là: Hợp Thịnh, Kim Long, Duy Phiên, Đạo Tú, Vân Hội, Thanh Vân và Hoàng Lâu. Các xã còn lại đang dồn sức hoàn thành tiêu chí này, cụ thể, trong năm 2016 sẽ có thêm 2 xã: Hoàng Đan và Hoàng Hoa phấn đấu "cán đích". Ngoài việc quản lý, sử dụng theo quy định, các tuyến đường giao thông được cứng hóa còn được nhân dân bảo vệ bằng hương ước, quy ước thôn, xóm và địa phương.
Là xã cán đích NTM năm 2015, sau 5 năm triển khai xây dựng NTM, diện mạo nông thôn của xã Hoàng Lâu có nhiều khởi sắc. Giai đoạn 2011 - 2015, xã huy động các nguồn lực được trên 228 tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM, trong đó, nhân dân đầu tư và đóng góp hơn 137 tỷ đồng, tự nguyện hiến trên 2.600 m2 đất và 1.900 công lao động. Những con đường đất lầy lội, bụi bặm trước kia được thay bằng những con đường bê tông rộng rãi, sạch đẹp, giúp người dân đi lại thuận tiện, hàng hóa lưu thông dễ dàng. Đến nay, 100% đường giao thông trục xã, trục thôn, liên xã, liên thôn, đường ngõ xóm và đường GTNĐ được bê tông hóa. Chia sẻ về kinh nghiệm làm nên thành công trong xây dựng NTM cũng như phong trào làm đường giao thông của địa phương, bà Phạm Thị Hiền, Chủ tịch UBND xã Hoàng Lâu cho biết: Xác định tiêu chí giao thông có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân thấy được tầm quan trọng của công tác này là mang lại lợi ích cho nhân dân. Bên cạnh đó, việc huy động đóng góp từ nguồn xã hội hóa trong phong trào làm đường GTNT và GTNĐ phải được công khai, minh bạch; nhân dân được tham gia giám sát, kiểm tra trong quá trình thi công; từ đó, đồng lòng, hưởng ứng, tự nguyện đóng góp sức người, sức của, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường.
Nhằm thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp - nông thôn, một số dự án giao thông quan trọng được huyện ưu tiên đầu tư, đưa vào sử dụng như: Đường Hợp Châu - Đồng Tĩnh, đường Hợp Thịnh - Đạo Tú, đường nội thị, đường TL 309, TL 310, QL 2C Bì La và đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai... Việc đầu tư và đưa vào sử dụng các tuyến giao thông quan trọng này đã đưa Tam Dương trở thành một trong số các địa phương trong tỉnh có hệ thống đường giao thông đồng bộ, hiện đại nhất, tạo điều kiện thuận lợi để huyện phát triển kinh tế và thu hút mạnh mẽ đầu tư vào địa bàn, khai thác tiềm năng về phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Thực tế, trong năm 2014 và 2015, do làm tốt công tác GPMB cũng như chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nên huyện đã thu hút được các nhà đầu tư lớn vào địa phương như: Công ty sản xuất gạch ốp lát VITTO-VP, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC... Hiện nay, huyện tiến hành quy hoạch xong 3 KCN: Tam Dương I, Tam Dương II, Tam Dương III với tổng diện tích là 1.450 ha và cụm công nghiệp Hợp Thịnh... Các KCN, CCN này đã và đang được huyện tiếp tục đầu tư nhằm hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng. Một số công ty đi vào hoạt động tạo nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương, đồng thời, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.
Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục duy tu, nâng cấp các tuyến đường, huyện Tam Dương sẽ đẩy mạnh công tác GPMB và huy động vốn để mở rộng thêm nhiều tuyến mới, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, góp phần thu hút thêm các nhà đầu tư vào địa bàn, phấn đấu đưa Tam Dương trở thành một quận của đô thị Vĩnh Phúc có tốc độ và quy mô phát triển kinh tế ở tốp đầu của tỉnh trong giai đoạn 2021-2030.