Phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã phát huy hiệu quả cao trong phát triển GTNT của tất cả các địa phương trên toàn tỉnh Nam Định trong 5 năm qua, đạt được bước tiến mới với việc hội tụ được nhiều nguồn lực đầu tư giúp các địa phương có điều kiện chủ động đầu tư các công trình hạ tầng NTM.
Hải Hậu là một trong những địa phương đầu tiên trên toàn quốc được công nhận đạt chuẩn huyện NTM trong năm 2014, ấn tượng đầu tiên chính là hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) được đầu tư khá hoàn chỉnh. Sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM toàn huyện đã làm mới, cải tạo, nâng cấp 1.740,3km đường giao thông, tăng từ 22,8% lên 100% đạt chuẩn NTM, gồm: 222km đường trục xã, liên xã; 450km đường trục xóm; 670km đường dong xóm và 398,3km đường trục chính nội đồng đạt chuẩn quốc gia. Đạt kết quả cao trong phát triển GTNT là do huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện chương trình xây dựng NTM. Tất cả các xã, thị trấn đều nỗ lực vận động hội tụ được nhiều nguồn lực đầu tư: từ nguồn vốn nước ngoài, nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, ngân sách và đã thành công trong huy động người dân, nhất là con em quê hương đã thành đạt ở khắp mọi miền chung sức cùng Nhà nước góp công, góp sức, hiến đất làm đường giao thông. Tiêu biểu như xã Hải Bắc, có 115 tuyến đường trục xóm, liên xóm với chiều dài 45km nhưng với tư tưởng “để con cháu đời sau khỏi phải làm lại”, các hộ dân đã phân chia theo địa giới sinh sống, chung sức đóng góp kinh phí, tiến hành bê tông hóa toàn bộ hệ thống đường dong ngõ xóm.
Phong trào làm đường giao thông xóm được khởi động từ xóm 10, tiếp đó lan sang các xóm 12, Đông Biên, Giáp Nội, xóm 8, xóm 4, An Lộc và nhiều xóm khác. Các tuyến đường mới cứ đua nhau mọc lên liên tiếp trải dài khắp các nẻo đường thôn, xóm. Qua nghiệm thu, toàn xã đã cải tạo, xây mới 45,7km đường dong xóm, liên xóm, với tổng vốn đầu tư ước tính trên 36,9 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách đầu tư hơn 4 tỷ đồng, còn lại là do nhân dân tự đóng góp và con em quê hương ở mọi miền Tổ quốc ủng hộ. Ngoài ra, trong 5 năm nhân dân trong xã còn tự nguyện hiến hàng chục nghìn m2 đất sổ đỏ và tự tháo dỡ hàng trăm công trình lớn nhỏ để làm đường giao thông thôn xóm.
Qua 5 năm thực hiện làm giao thông nội đồng, xã Hải Bắc còn huy động đào đắp được trên 30 nghìn m3 đất với 30km đường giao thông nội đồng và bê tông hóa được 25km với tổng chi phí 16 tỷ đồng, đáp ứng cơ bản yêu cầu thâm canh tăng vụ, tăng năng suất cây trồng cho bà con nông dân. UBND xã còn tổ chức nâng cấp bảo dưỡng 3 tuyến đường nhựa trục xã, liên xã với giá trị đầu tư 1,87 tỷ đồng. Tại Nghĩa Hưng, nhờ tích cực và sáng tạo trong việc vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của, tự giải phóng mặt bằng, hiến đất mở rộng đường, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, 5 năm qua đã đầu tư nâng cấp 35km các tuyến đường trục trung tâm xã và liên xã đạt chuẩn NTM, nâng cấp cứng hoá 533km đường trục thôn và liên thôn; làm mới nền đường và cứng hoá 234km các tuyến đường trục chính nội đồng đạt chuẩn NTM đảm bảo theo đề án được duyệt.
|
Hạ tầng giao thông xã Xuân Phương (Xuân Trường) được đầu tư xây dựng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. |
Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về nhiệm vụ nên phong trào phát triển GTNT toàn tỉnh 5 năm qua đã đạt được bước tiến mới với việc hội tụ được nhiều nguồn lực đầu tư: từ nguồn vốn nước ngoài, nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, các cấp ngân sách, vốn ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, nhất là con em quê hương đã thành đạt ở khắp mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài việc đóng góp bằng tiền hoặc đất của nhân dân. Nguồn hỗ trợ bình quân mỗi xã 8 tỷ đồng để xây dựng NTM của tỉnh giúp các địa phương có điều kiện chủ động đầu tư các công trình hạ tầng NTM, trong đó có GTNT. Phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã phát huy hiệu quả cao trong phát triển GTNT của tất cả các địa phương trên toàn tỉnh. Đặc biệt, trong công tác dồn điền đổi thửa, các địa phương đã vận dụng linh hoạt, hiệu quả vào việc vận động nhân dân hiến đất thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng thi công các công trình GTNT và các tuyến đường giao thông huyết mạch của tỉnh.
Cụ thể, các hộ nông dân đã góp 2.897ha đất nông nghiệp (giá trị khoảng 5.800 tỷ đồng), hiến 206ha đất thổ cư (giá trị trên 1.000 tỷ đồng) làm đường giao thông nội đồng... Sau 5 năm, toàn tỉnh đã xây dựng mới và cải tạo nâng cấp được 6.144km đường GTNT, trong đó có 460km đường trục xã, 2.060km đường trục thôn xóm, 2.120km đường dong ngõ, 1.504km đường trục chính nội đồng; cải tạo nâng cấp 6.183 cầu, cống dân sinh. Trước đây, nhiều công trình GTNT của các địa phương trên toàn tỉnh đã xuống cấp, nhiều năm chưa được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa. Riêng hệ thống giao thông nội đồng cơ bản tạm bợ, nền đường nhỏ hẹp, cốt đất yếu nên rất khó khăn trong đi lại, vận chuyển nguyên liệu, nông sản phục vụ sản xuất cũng như thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm. Những con đường làng đất đá lồi lõm, gồ ghề, xuống cấp ngày nào giờ không chỉ được mở rộng, làm nhẵn mặt mà hành lang giao thông cũng được sửa sang gọn ghẽ hơn; các tuyến đường trong khu dân cư đều có rãnh thoát nước, khuôn viên nhà dân ven đường được chỉnh trang xây sửa. “Giao thông đi trước một bước”, sau khi mạng lưới GTNT có bước phát triển khá đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện tốt hơn điều kiện sống và làm việc của người dân. Đầu tư phát triển, chu chuyển vốn về địa bàn nông thôn cũng đạt những kết quả ngoạn mục, tạo những lực đẩy quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động ở nông thôn. Các làng nghề phát triển, một số ngành nghề truyền thống được khôi phục. Hàng hoá của làng nghề Nam Định có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, một số mặt hàng đã xuất khẩu ra nước ngoài. Sản xuất CN-TTCN và ngành nghề nông thôn tiếp tục phát triển khá, tăng trưởng bình quân 25,7%/năm. Giá trị sản xuất CN-TTCN và ngành nghề nông thôn năm 2015 đạt 34.971 tỷ đồng (giá hiện hành), chiếm 55,1% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
Theo đánh giá của ngành GTVT, hệ thống GTNT những năm qua có bước phát triển đột phá, tuy nhiên do sự phát triển nhanh của vận tải cả về số lượng phương tiện cơ giới và tải trọng phương tiện trong khi công tác quản lý đường và quản lý vận tải, trật tự ATGT còn nhiều bất cập, nhất là tình trạng chở quá tải, vi phạm hành lang bảo vệ công trình đường bộ. Nhiều nơi khi đường mới mở kéo theo khu dân cư bám mặt đường nhanh chóng mọc lên, tình trạng xây nhà sát đường bịt lối thoát nước ra ruộng trong khi đường làm không có rãnh thoát nước mặt gây đọng nước là tác nhân gây hỏng đường rất nhanh.
Công tác duy tu, bảo dưỡng, bảo trì công trình GTNT ở các địa phương chưa đồng đều và thiết thực. Một số thôn, xã tự ý dựng barie tại các tuyến, trục đường thôn, xóm để ngăn xe tải trọng lớn, thậm chí có địa phương tổ chức “thu phí” đối với xe ô tô vào đường địa phương, vô tình gây ảnh hưởng đến lưu thông, đi ngược lại mục đích của đầu tư phát triển GTNT. Một vấn đề khác là tình trạng quy hoạch và quản lý quy hoạch giao thông nông thôn ở một số địa phương hạn chế, khi muốn mở rộng đường đáp ứng yêu cầu phát triển thì không có đất (địa phương không có kinh phí để GPMB), do vậy có công trình chỉ có thể nâng cấp trên nền quy mô cũ, không thể mở rộng theo yêu cầu lâu dài. Để giảm chi phí, duy tu, nâng cao thời hạn sử dụng các công trình GTNT, Sở GTVT đề nghị các địa phương chú trọng đầu tư hệ thống thoát nước cho đường GTNT ngay trong quá trình xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo các tuyến đường do đặc thù kỹ thuật bảo đảm thoát nước lòng và lề đường quyết định tới việc duy trì tuổi thọ của đường bộ, đồng thời tạo những thuận lợi cho công tác quản lý.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cũng tăng cường kêu gọi sự vào cuộc của các tổ chức và người dân chủ động tham gia xây dựng, bảo vệ công trình GTNT. Các ngành chức năng nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp, tăng cường quản lý và kiểm soát tải trọng xe hoạt động trên hệ thống GTNT, quản lý hành lang và kết cấu hạ tầng đường GTNT. Tiếp tục đẩy mạnh huy động, thu hút mọi nguồn lực, trong đó chú trọng thu hút nguồn lực từ nhân dân; phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh đạt mục tiêu: 100% đường huyện, đường xã được nhựa hoá hoặc bê tông xi măng hoá; đường huyện tối thiểu đạt cấp IV đồng bằng, đường xã tối thiểu đạt cấp VI đồng bằng. Hệ thống cầu, cống trên các tuyến đường huyện, đường xã được xây dựng kiên cố, phù hợp với cấp đường quy hoạch. Tối thiểu 70% đường thôn, xóm được cứng hoá, đạt loại A trở lên; 70% các đường trục chính nội đồng được cứng hoá, phương tiện cơ giới đi lại thuận tiện.