TP. Đồng Hới: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đường giao thông quy mô nhỏ

Thứ sáu, 25/11/2016 07:26
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sau thời gian triển khai thực hiện xã hội hóa (XHH) xây dựng các tuyến đường giao thông quy mô nhỏ (ĐGTQMN) giai đoạn 2008-2015, về cơ bản mật độ đường rải nhựa và bê tông hóa gần như bao phủ trên địa bàn TP. Đồng Hới (Quảng Bình) đường cấp phối và đường đất chỉ còn lại khoảng 18%. Nhằm đẩy mạnh xây dựng ĐGTQMN, UBND thành phố Đồng Hới tiếp tục ban hành Đề án XHH giai đoạn 2016-2020.

Trên địa bàn TP.Đồng Hới có gần 30km quốc lộ; 59km tỉnh lộ và trên 457km đường đô thị, liên xã. Mật độ đường rải nhựa và bê tông hóa đạt 9,21 km/km2, gồm gần 449km, chiếm 82,07%. Đường cấp phối, đường đất còn hơn 98km, chiếm 17,93%.

Thực hiện đề án xây dựng ĐGTQMN, những tuyến đường lầy lội như thế này   (đường dẫn vào Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh) sẽ sớm được nhựa hóa.

Tuyến đường Lý Nam Đế vừa được cán nhựa xong.

Theo Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới Hoàng Đình Thắng: “Có được kết quả căn bản trên vì Đồng Hới là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, nhận được sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh đầu tư xây dựng các tuyến phố chính, đường có mặt cắt lớn. Riêng hệ thống giao thông quy mô nhỏ, bằng phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm” theo hình thức xã hội hóa cũng đạt những kết quả nhất định. Hệ thống giao thông đồng bộ, cứng hóa giúp cho bộ mặt thành phố hiện đại, khang trang, sạch đẹp hơn, ngang tầm với một đô thị loại II”.

Giai đoạn 2008 - 2015, từ nguồn vốn XHH, TP.Đồng Hới thực hiện được 181,46km đường bê tông có mặt cắt 3m đến 5m đạt tiêu chuẩn đường GTNT 22CN210-92. Kinh phí huy động 177 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố 109,56 tỷ đồng; ngân sách xã, phường 33,718 tỷ đồng (đã bố trí trả được 20,945 tỷ đồng, còn nợ 12,746 tỷ đồng); nhân dân đóng góp 33,718 tỷ đồng (đã huy động 29,736 tỷ đồng, còn nợ 3,982 tỷ đồng). Các địa phương hoàn thành tốt đề án XHH xây dựng ĐGTQMN gồm: Bảo Ninh, Quang Phú, Phú Hải, Đức Ninh Đông, Hải Thành, Đồng Phú, Nam Lý, Thuận Đức, Nghĩa Ninh, Đức Ninh. 3 địa phương: Bắc Nghĩa, Đồng Sơn, Lộc Ninh đạt 90% chỉ tiêu và phường Bắc Lý đã 75% kế hoạch đề ra.

Theo số liệu khảo sát, TP.Đồng Hới vẫn còn 50,7km đường giao thông mặt cắt 2m đến 5m, trong đó đường có mặt cắt 3m đến 5m trên 16km, phân bố ở 13 xã, phường chưa rải nhựa, bê tông hóa.

Đề án XHH xây dựng ĐGTQMN giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu nhà nước và nhân dân cùng góp vốn để bê tông các tuyến phố mặt cắt từ 2m đến 5m trong các cụm dân cư ở các xã, phường, phấn đấu đến năm 2020 toàn bộ hệ thống giao thông TP.Đồng Hới đều được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; góp phần hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông thành phố, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nâng cấp, chỉnh trang đô thị và xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Với dự trù kinh phí cho 1km đường có mặt cắt từ 3m đến 5m là 1.323 triệu đồng; đường có mặt cắt từ 2m đến 3m dự trù khoảng 769 triệu đồng/1km thì tổng kinh phí cần huy động 56.933 triệu đồng, trong đó ngân sách thành phố 34.153 triệu đồng; ngân sách xã, phường 11.386 triệu đồng và nhân dân đóng góp 11.386 triệu đồng.

Để phù hợp với ngân sách địa phương, UBND thành phố ưu tiên cho những xã, phường không còn nợ đọng, nợ đọng xây dựng cơ bản ít được triển khai ngay từ năm đầu, giai đoạn 2016-2020. Cụ thể: Năm 2017 sẽ triển khai xây dựng 11,586km tại các địa phương Nam Lý, Bảo Ninh, Phú Hải, Hải Thành, Đức Ninh Đông, Bắc Lý, Lộc Ninh và Bắc Nghĩa; tổng kinh phí 14.227 triệu đồng. Năm 2018, tiếp tục đầu tư 10,770km tại Bắc Lý, Bắc Nghĩa, Lộc Ninh, Đồng Phú, Đức Ninh, Đồng Sơn, Thuận Đức và Nghĩa Ninh; kinh phí xây dựng 14.246 triệu đồng.

Thực hiện đề án xây dựng ĐGTQMN, những tuyến đường lầy lội như thế này   (đường dẫn vào Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh) sẽ sớm được nhựa hóa.

Thực hiện đề án xây dựng ĐGTQMN, những tuyến đường lầy lội như thế này
(đường dẫn vào Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh) sẽ sớm được nhựa hóa.

Năm 2019, thực hiện 10,937km tại Nam Lý, Hải Thành, Bắc Nghĩa, Bắc Lý, Lộc Ninh, Đồng Phú, Đức Ninh, Đồng Sơn, Nghĩa Ninh, Thuận Đức; nguồn vốn 14.263 triệu đồng. Đến năm 2020, hoàn thành giai đoạn cuối cùng với 17,372km tại Bắc Nghĩa, Bắc Lý, Đồng Phú, Hải Thành, Đức Ninh, Đức Ninh Đông, Đồng Sơn, Nghĩa Ninh, Lộc Ninh và Thuận Đức; tổng số tiền 14.197 triệu đồng.

Xây dựng ĐGTQMN trên địa bàn TP. Đồng Hới gắn liền với quyền lợi thiết thực của người dân, góp phần củng cố, giữ vững chuẩn nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Để thực hiện tốt đề án xây dựng ĐGTQMN trên địa bàn, Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Đình Thắng cho biết thêm: “Vấn đề quan trọng nhất là UBND các xã, phường phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, hiến tài sản trong giải phóng mặt bằng thi công. Việc huy động vốn trong dân thực hiện theo phương thức tự nguyện, người dân phát huy quyền làm chủ, dân bàn và quyết định trực tiếp. Mức đóng góp của người dân do UBND các xã, phường quy định sao cho phù hợp với sức dân”.

Thực hiện thành công đề án xây dựng ĐGTQMN chắc chắn sẽ giúp cho thành phố hoàn chỉnh hơn hạ tầng cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Tăng cường và củng cố tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Đưa TP. Đồng Hới trở thành thành phố du lịch như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.

xuannguyen

Nguồn: Báo Quảng Bình

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)