Trở lại xã Mường É, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của hệ thống đường giao thông trên địa bàn xã. Con đường từ lưng chừng đèo Pha Đin xuôi xuống trung tâm xã không còn đá hộc lởm chởm nữa mà đã được Nhà nước đầu tư trải nhựa phẳng phiu; các nhánh tỏa vào bản đã được trải bê tông kiên cố, sạch đẹp, thay vì đường đất sống trâu, ổ gà, ổ voi như trước đây.
Nhân dân bản Cang Kéo, xã Mường É (Thuận Châu) tham gia làm cầu cứng vào bản.
Xã Mường É đã quán triệt tới các bí thư chi bộ, trưởng bản, ban công tác mặt trận và các tổ chức đoàn thể các bản. Tổ chức làm điểm để nhân dân thấy rõ lợi ích từ công trình dân làm, dân hưởng lợi, đồng thời, để rút kinh nghiệm triển khai rộng rãi tại các bản. Sau đó, chỉ đạo các bản tổ chức họp dân để lấy ý kiến thống nhất; phát huy vai trò của chi bộ, ban quản lý bản, các tổ chức đoàn thể, nhất là vai trò đầu tầu gương mẫu của hơn 350 đảng viên đi đầu trong việc hiến đất, giải phóng mặt bằng và tích cực vận động quần chúng nhân dân thực hiện. Xã phân công các tổ công tác đến các bản hướng dẫn triển khai, giải quyết những vướng mắc phát sinh. Chỉ đạo các bản thành lập các tổ, đội thi công, ban quản lý giám sát cộng đồng để đôn đốc, kiểm tra thực hiện. Phát huy vai trò nhân dân làm chủ thể, tự hạch toán thu, chi, “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Do vậy, các tuyến đường hoàn thành kế hoạch đề ra, không xảy ra mâu thuẫn.
Dẫn chúng tôi thăm một số tuyến đường bê tông mới hoàn thành, chị Lò Thị Mơ, Phó Chủ tịch UBND xã Mường É, chia sẻ: Khi bắt tay vào triển khai thực hiện cũng gặp nhiều vướng mắc, bởi đời sống của bà con trên địa bàn còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Xã đã xin chủ trương của huyện được khai thác vật liệu cát, đá, sỏi tại chỗ, đồng thời, thường xuyên giám sát, thẩm định, đảm bảo chất lượng vật liệu xây dựng để phục vụ thi công đường giao thông nông thôn trên địa bàn.
Với chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân đã khích lệ, phát huy sức mạnh của nhân dân tham gia làm đường giao thông. Bà con không quản ngại khó khăn vất vả cùng nhau phá đá, mở đường hay lội suối để khai thác cát; gồng, gánh tập kết vật liệu, cùng thi công. Nhân dân hiến hơn 13.900 m2 đất, tự nguyện tháo rỡ tường rào, chặt cây để giải phóng mặt bằng. Tiêu biểu, như: gia đình bà Lường Thị Phin, gia đình ông Quàng Văn Thủy, bản Co Cại hiến 800m2 đất; gia đình ông Lường Văn Tuân bản Nà Lè, gia đình ông Quàng Văn Tiêng, bản Cang Kéo hiến 500m2 đất... Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn được phê duyệt 29 tuyến đường với tổng chiều dài gần 36 km, tổng đầu tư hơn 56 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 14,6 tỷ đồng, nhân dân đóng góp tiền và ngày công trị giá 41,4 tỷ đồng. Các bản đã hoàn thành 21 tuyến đường với hơn 21 km.
Bản Cang Kéo chỉ với 29 hộ dân, 154 nhân khẩu nhưng đã hoàn thành 1,7km đường giao thông và đang xây dựng cầu cứng vào bản. Do đường vào bản bị suối ngăn cách, ô tô không vào được nên hơn một năm qua, bà con trong bản vận chuyển vật liệu bằng xe máy, gồng gánh. Gạt mồ hôi trên trán sau hồi xúc đá vào máy trộn bê tông, ông Lò Văn Diện, Trưởng bản Cang Kéo, tươi cười: Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ xi măng, máy trộn bê tông, hỗ trợ tiền làm nền, xây cầu nên bà con rất phấn khởi, quyết tâm cùng làm, cùng hưởng lợi. Có lúc chưa được cấp tiền hỗ trợ kịp thời, bản động viên cán bộ, đảng viên ứng tiền trước để thực hiện.
Với cách làm sáng tạo, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận cao của nhân dân đã triển khai thực hiện hiệu quả chương trình làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn, góp phần tạo diện mạo nông thôn khang trang, đổi mới. Quan trọng hơn, là đã nâng cao ý thức tự giác của nhân dân, không còn trông chờ ỷ lại vào Nhà nước mà tích cực tham gia cùng làm, cùng hưởng lợi từ các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn.