Những năm qua, hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT) đã và đang từng bước được hoàn thiện, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Xác định là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngay từ những năm đầu tái lập, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều chính sách quan tâm phát triển GTNT. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân làm là chính”, tỉnh đã trích ngân sách hỗ trợ 40% kinh phí đối với các xã đồng bằng, 50% đối với các xã trung du, 60% đối với các xã miền núi, 100% đối với các xã khó khăn và đặc biệt khó khăn cho các dự án phát triển đường GTNT và hỗ trợ 1 tỷ đồng cho cứng hóa 1km đường trục chính GTNĐ. Phần còn lại do nhân dân đóng góp bằng nhiều hình thức như: tự nguyện hiến đất khi mở rộng nền đường, tham gia đóng góp bằng tiền, ngày công lao động…
Nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh đã có tác dụng quan trọng trong “kích cầu” phong trào cứng hóa mặt đường GTNT phát triển và được nhân dân các xã khó khăn của các huyện trung du, miền núi nhiệt tình hưởng ứng. Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải, hệ thống GTNT trên địa bàn tỉnh có chiều dài hơn 4000km; trong đó, đường huyện dài gần 500km, đường trục xã, trục thôn và đường ngõ xóm hơn 3.700km. Ngoài ra, giao thông nội đồng (GTNĐ) của tỉnh dài hơn 2.100km.
Thời điểm mới tái lập tỉnh, GTNT trong tỉnh phần lớn là đường đất nhỏ hẹp, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn nhất là vào mùa mưa. Năm 2005, các tuyến đường GTNT được xây dựng cứng hóa mặt đường mới đạt 40,8%. Đến nay, tổng số đường GTNT và GTNĐ được cứng hóa trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2016 lần lượt đạt 84,3% và 62% với kinh phí thực hiện từ năm 2010 đến nay đạt hơn 3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2016, toàn tỉnh xây dựng mới, cứng hóa và cải tạo nâng cấp 145km đường GTNT và 140km đường GTNĐ với kinh phí thực hiện đạt gần 356 tỷ đồng… Hệ thống GTNT, GTNĐ phát triển góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng nhu cầu vận tải của từng địa phương, mở cửa cho các ngành công nghiệp dịch vụ phát triển; khắc phục tình trạng chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế, tiến bộ giữa các địa phương.
Tổng giá trị kinh phí thực hiện xây dựng GTNT ở huyện Sông Lô năm 2016 đạt hơn 43 tỷ đồng
Tuy nhiên, việc phát triển GTNT miền núi trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn. Mặc dù được hỗ trợ của tỉnh, song việc huy động nguồn vốn đối ứng và đóng góp của nhân dân gặp nhiều khó khăn vì vốn xây dựng, phát triển GTNT rất lớn mà chủ yếu là huy động sức dân khi điều kiện kinh tế còn khó khăn, thu nhập của người dân còn thấp, nhất là các xã của vùng trung du, miền núi đất rộng người thưa, kinh tế chậm phát triển. Thêm vào đó, trong thời gian qua, thị trường bất động sản vẫn đóng băng, hầu hết các xã không thực hiện được đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Từ năm 2013 trở lại đây, nguồn vốn hỗ trợ để xây dựng, phát triển GTNT, GTNĐ chủ yếu chỉ tập trung cho các xã đăng ký đạt chuẩn NTM để hoàn thành tiêu chí giao thông, các xã còn lại thực hiện bằng nguồn đóng góp của nhân dân. Trong khi đó, việc huy động các nguồn lực ngoài nguồn vốn ngân sách để đầu tư cho xây dựng GTNT còn thấp
Mặt khác, theo nhận định của Sở Giao thông vận tải, một số cán bộ, đảng viên và nhân dân còn chưa hiểu rõ ý nghĩa, mục đích và nội dung chương trình xây dựng NTM mà cụ thể là phát triển GTNT và cứng hóa trục chính GTNĐ nên còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, coi việc thực hiện chương trình là do Nhà nước đầu tư, chưa phát huy được vai trò chủ thể và sức mạnh của cộng đồng dân cư.
Nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa phong trào phát triển GTNT miền núi trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, tỉnh đã phê duyệt các quy hoạch phát triển GTNT tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đề án phát triển GTNT tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 và triển khai thực hiện Nghị quyết số 25/2016/NQ-HĐND về cơ chế hỗ trợ GTNT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, tạo cơ sở, định hướng để các địa phương lên kế hoạch triển khai, huy động nguồn lực xây dựng GTNT, GTNĐ. Theo đó, trong thời gian tới, các huyện đã cơ bản hoàn thành xây dựng GTNT như Yên Lạc, Vĩnh Tường, Bình Xuyên sẽ tập trung cứng hóa các trục chính GTNĐ, đồng thời, xây dựng cải tạo hệ thống rãnh thoát nước đảm bảo hợp vệ sinh môi trường, quan tâm thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng đường thôn, ngõ, xóm. Đối với các huyện Lập Thạch, Sông Lô cần xây dựng cứng hóa mặt đường một số tuyến trung tâm thị trấn, nâng cấp mặt đường các tuyến đường xã, đường thôn, cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường đến các thôn khó khăn, phấn đấu hoàn thành tiêu chí số 2 trong xây dựng NTM.