Thanh Thủy (Phú Thọ): Huy động nguồn lực phát triển giao thông nông thôn

Thứ năm, 18/05/2017 13:29
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Xác định phát triển giao thông nông thôn (GTNT) là khâu đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, huyện Thanh Thủy đã thực hiện các giải pháp đồng bộ, tích cực huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống đường GTNT gắn với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Tỉnh lộ 317 đoạn qua huyện Thanh Thủy được nâng cấp, sửa chữa tạo điều kiện cho giao thông đi lại

Từ đó, mạng lưới GTNT từng bước được hoàn thiện, chất lượng được nâng lên rõ rệt tác động mạnh mẽ đến sản xuất, sinh hoạt của người dân, góp phần làm thay đổi diện mạo bức tranh nông thôn trên địa bàn huyện. Huyện đã tranh thủ nguồn vốn đầu tư của Trung ương, vốn ngân sách của tỉnh, huyện kết hợp với vận động người dân hiến đất, ủng hộ ngày công lao động, cây cối, hoa màu, vật kiến trúc… làm đường GTNT, ưu tiên đầu tư vào các tuyến đường huyết mạch tránh tình trạng dàn trải, thiếu trọng tâm, chú trọng phát triển giao thông liên thôn, liên xã gắn với thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Việc tạo ra mạng lưới GTNT đồng bộ không chỉ là cầu nối giữa các khu dân cư với các vùng sản xuất mà còn tạo điều kiện cho hoạt động giao thương, buôn bán có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng sức cạnh tranh.

Hiện tại, huyện có 796km đường giao thông trong đó có 6 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 61km, 13 tuyến đường huyện dài gần 60km, còn lại là đường trục xã, thôn xóm dài khoảng 675km. Từ năm 2012 - 2017, hệ thống đường giao thông trên địa bàn huyện liên tục được đầu tư làm mới, cải tạo nâng cấp, đến nay tỷ lệ đường giao thông cứng hóa đạt 66,7%.

Cùng thời gian này, huyện đã huy động được hơn 1.330 tỷ đồng làm đường GTNT, trong đó nguồn ngân sách của Trung ương kết hợp với tỉnh hơn 1.150 tỷ đồng, nguồn ngân sách của huyện gần 120 tỷ đồng, nguồn vốn huy động từ nhân dân đóng góp 62 tỷ và 1,5 tỷ đồng huy động từ nguồn khác. Huy động nguồn lực chủ yếu bằng các hình thức như: Ủng hộ vật tư, thiết bị máy móc, ngày công lao động, hiến đất ở, đất ruộng, hoa màu, cây cối. Năm 2016, huyện đã huy động được hơn 326 tỷ đồng làm đường GTNT, trong  đó huy động được từ nhân dân là 17 tỷ đồng.

Ngoài việc tranh thủ các nguồn vốn từ ngân sách của Trung ương, ngân sách  tỉnh, huyện còn thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép từ các chương trình giảm nghèo bền vững, vốn vay tín dụng ưu đãi, xây dựng nông thôn mới để làm đường GTNT, làm tốt công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực từ cộng đồng, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân nên việc giải phóng mặt bằng rất thuận lợi. Người dân ở các xã: Đào Xá, Sơn Thủy, Đoan Hạ, Trung Nghĩa… không chỉ chủ động hiến đất mà còn tự động chặt cây cối, tháo dỡ vật kiến trúc khi dự án thi công. Các ngành điện lực, viễn thông chủ động di chuyển 78 cột điện viễn thông và cột điện hạ thế giúp cho việc triển khai đầu tư xây dựng đường GTNT được nhanh chóng. Các công trình GTNT đã thực sự phát huy tốt hiệu quả trong phục vụ sản xuất, đảm bảo sự thông suốt trong việc vận chuyển, giao lưu, buôn bán hàng hóa và đi lại của người dân.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, cho biết: Thanh Thủy là huyện có nền kinh tế sôi động, đặc biệt là ngành du lịch, vì vậy phát triển đường GTNT sẽ là động lực to lớn thúc đẩy kinh tế - xã hội. Năm 2017, huyện triển khai làm 10km đường bê tông xi măng cho các xã, thị trấn theo phương thức xã hội hóa. Trong đó, xã Tân Phương được hỗ trợ nhiều nhất với gần 600 tấn xi măng làm mới đoạn đường dài khoảng 2,1km. Đối với những tuyến đường có dấu hiệu xuống cấp do thời gian sử dụng lâu, huyện sẽ phối hợp với các xã tiến hành kiểm tra và thực hiện tu sửa, nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Chất lượng đường GTNT trên địa bàn huyện được nâng lên rõ rệt minh chứng cụ thể cho những nỗ lực và sự cố gắng của các cấp chính quyền huyện Thanh Thủy từ khâu chỉ đạo đến khâu thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn gặp khó khăn do địa bàn rộng nhiều đồi gò xen kẽ sông ngòi, mật độ dân số phân bố không đều; đời sống của một số bộ phận người dân còn nhiều khó khăn dẫn đến việc huy động nguồn lực từ người dân hạn chế; phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng, nhất là xe có trọng tải lớn làm mặt đường xuống cấp nhanh chóng. Một số xã còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước chưa khai thác triệt để các nguồn lực của địa phương. Công tác quản lý, bảo trì công trình giao thông sau đầu tư còn chưa được quan tâm thường xuyên. Khắc phục những khó khăn,  huyện tiếp tục giao chỉ tiêu, thực hiện “chiến dịch” làm đường GTNT tới tất cả các xã, thị trấn theo từng phần, từng đoạn; làm tốt công tác đầu tư, quản lý, bảo vệ các công trình giao thông trên địa bàn bằng nhiều hình thức khác nhau; huy động mọi nguồn lực và thực hiện có hiệu quả hạ tầng GTNT tạo đà cho nền kinh tế phát triển.

bichtt

Nguồn: Báo Phú Thọ

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)