Xác định giao thông là một tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Thanh Sơn đã nỗ lực vượt khó, chủ động huy động, lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ đầu tư, đồng thời khuyến khích nhân dân cùng tham gia góp sức xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, trong đó chú trọng phát triển mạng lưới giao thông nông thôn.
Phát triển giao thông nông thôn ở Thanh Sơn giúp cho người dân thông thương hàng hóa được thuận lợi hơn
Để đạt mục tiêu cán đích xã NTM vào năm 2018, những năm qua, xã Cự Thắng đã nỗ lực thực hiện các tiêu chí, trong đó có tiêu chí giao thông. Với tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Nhà nước hỗ trợ kinh phí, nhân dân đóng góp tiền mua cát, sỏi, huy động công lao động, hiến đất mở rộng đường, nhiều tuyến đường nông thôn, nội đồng trong xã đã hoàn thành trong niềm vui phấn khởi của người dân. Xã đã nâng cấp được hơn 10km đường trục xã và đường liên xã; tiếp tục đầu tư, phấn đấu hoàn thiện 6km đường trục và đường liên xã còn lại trong năm 2017. Ngoài ra còn cứng hóa được 13,8km đường trục thôn, liên thôn, đạt trên 64%; 14,6km, đường ngõ xóm đạt tỷ lệ 51%. Chỉ tính riêng tổng nguồn lực huy động để thực hiện cho việc xây dựng mới, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã từ năm 2011 đến nay đạt khoảng 130 tỷ đồng, trong đó, người dân tự nguyện hiến trên 11.000m2 đất, hoa màu và các vật dụng trên đất, quy ra giá trị tiền mặt là gần 30 tỷ đồng. Với cách làm như trên, việc hoàn thành tiêu chí giao thông của xã Cự Thắng đang trong tầm tay. Đây cũng là một trong những tiêu chí cuối cùng để giúp Cự Thắng cán đích NTM vào năm 2018.
Là tiêu chí thứ 2 trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM, tiêu chí phát triển GTNT được coi là khó thực hiện nhất. Nhưng đến nay, huyện Thanh Sơn đã có 3/22 xã đạt tiêu chí này là Lương Nha, Địch Quả và Thạch Khoán; 4 xã cơ bản đạt là: Thắng Sơn, Cự Đồng, Cự Thắng và Sơn Hùng. Có được kết quả trên là do Huyện ủy - HĐND huyện đã chủ động trong việc nắm bắt và vận dụng các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên để ban hành những chính sách cụ thể trong việc phát triển giao thông nông thôn. Đặc biệt từ khi có Chương trình xây dựng NTM, huyện đã lồng ghép các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, trong đó giao thông được ưu tiên hàng đầu. Huyện đã có chủ trương xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối giữa đường xã với đường huyện, đường huyện với tỉnh lộ và quốc lộ, tạo thành mạng lưới giao thông huyết mạch để khi đầu tư đến đâu thì mang lại hiệu quả đến đấy. Các đơn vị chức năng của huyện đã nghiên cứu cụ thể đặc điểm tình hình của từng địa phương, từng tuyến đường để thiết kế đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Cùng với đó, huyện đã làm tốt công tác dân vận để nhân dân hiểu rõ mục địch, ý nghĩa xây dựng NTM từ đó tích cực tham gia, ủng hộ.
Hàng năm, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện đều có kế hoạch giao chỉ tiêu xây dựng, phát triển đường thôn, xóm bằng nhiều nguồn vốn với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Theo thống kê, đến cuối năm 2016, toàn huyện có tổng chiều dài đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa là 117,33km/196,9km, đạt gần 60%. Tỷ lệ đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải đạt 35,1%; đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa, đạt 68,89%. Đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện đạt 21,14%.
Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan nhưng để đạt mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn 2015-2020, huyện Thanh Sơn vẫn gặp không ít khó khăn như: Nguồn vốn bị cắt giảm khiến nhiều tuyến đường đang triển khai phải giãn tiến độ. Bên cạnh đó, Thanh Sơn có diện tích rộng, địa hình chia cắt, dân cư thưa, huyện có nhiều điểm mỏ, sản xuất chủ yếu là kinh tế đồi rừng, việc vận chuyển thường là xe có tải trọng lớn, vì thế khi làm các tuyến đường cần phải kiên cố để đảm bảo tính bền vững, chất lượng ổn định lâu dài nên suất đầu tư làm đường nhiều hơn vùng đồng bằng... Ông Nguyễn Minh San - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện cho biết: Tiêu chí giao thông có thể coi là tiêu chí “xương sống” tạo tiền đề phát triển KT-XH để triển khai và hoàn thành các tiêu chí khác. Trước những khó khăn trên, huyện đã và đang tập trung một số giải pháp như tiếp tục phát huy tối đa sức mạnh toàn dân bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp. Đồng thời tuyên truyền, vận động sâu rộng để người dân phát huy tốt vai trò chủ thể của mình trong lộ trình xây dựng NTM tích cực đóng góp đầu tư nâng cấp đường giao thông.