Những năm qua, huyện Ba Bể, Bắc Kạn đã huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông nông thôn để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ sự đồng thuận "Ý Đảng - lòng dân", nhiều con đường mới đã được xây dựng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuyến đường liên thôn Nà Slải, xã Hoàng Trĩ (Ba Bể) đã được bê tông hóa
Đi trên con đường bê tông phẳng lì, sạch sẽ vào thôn Nà Slải, xã Hoàng Trĩ ít ai biết rằng cách đây mấy tháng đây chỉ là đường đất rộng không đến 1,5m, mưa thì lầy lội, nắng thì bụi, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, trẻ con đi học cũng không dễ dàng. Khi Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai, thôn Nà Slải thành lập Ban phát triển thôn, tuyên truyền, vận động đến người dân về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới và chính người dân là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp. Sự chuyển biến trong nhận thức là đáng ghi nhận, bởi đối với người nông dân “tấc đất tấc vàng", để mở rộng tuyến đường rộng 2,5 - 3m thì cần giải phóng mặt bằng nhiều diện tích đất ruộng. Năm 2016, việc giải phóng mặt bằng tuyến đường dài hơn 1km, rộng 2,5m được thực hiện, trong đó có 14 hộ dân hiến đất ruộng với chiều dài khoảng 300m, rộng 1m. Đầu năm 2017, khi được Nhà nước hỗ trợ vật liệu, 83 hộ dân thôn Nà Slải được chia làm 4 tổ, thay phiên nhau góp ngày công đổ đường bê tông.
Ông Ma Văn Minh - Trưởng thôn Nà Slải cho biết: Chủ trương làm đường giao thông nông thôn được người dân đồng tình ủng hộ, nhiều hộ tự nguyện hiến đất ruộng, vườn. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” vì vậy mà khi thi công các tuyến đường, người dân tích cực, hăng hái, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng. Từ nhiều nguồn hỗ trợ trong năm 2017, thôn phấn đấu các tuyến đường liên thôn, nội thôn cơ bản được bê tông tạo điều kiện cho bà con đi lại thuận lợi, diện mạo của thôn cũng khang trang hơn, bà con yên tâm sản xuất, nông sản làm ra không lo bị ép giá.
Địa Linh là một trong những xã phấn đấu hoàn thành tiêu chí giao thông trong năm 2017. Ông Liêu Nông Kinh - Chủ tịch UBND xã Địa Linh chia sẻ: Hạ tầng giao thông nông thôn hoàn thiện không chỉ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn khang trang hơn, mà còn tạo điều kiện cho người dân đi lại, mua bán thuận lợi, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Nhiều năm qua, tại xã Địa Linh đã có hơn 3.000m2 diện tích ruộng, vườn, đồi được người dân tự nguyện hiến đất làm đường, chưa kể đóng góp ngày công, kinh phí… Đây là sự thành công lớn trong việc thay đổi tư duy ỷ lại vào Nhà nước, thể hiện sự đồng lòng của người dân và công tác dân vận khéo của địa phương.
Đơn cử năm 2016, thôn Bản Váng 2 được Nhà nước hỗ trợ vật liệu để làm đường, để đạt chuẩn theo quy định, đường phải mở rộng và đi qua đất ruộng, đồi của nhiều hộ dân. Sau nhiều cuộc họp tiếp xúc, giải đáp những khúc mắc của người dân về lợi ích trực tiếp của việc có con đường kiên cố của các cấp, chính quyền địa phương. 88 hộ dân thôn Bản Váng 2 đồng ý hiến đất, làm đường rộng 3m và bê tông mặt đường rộng 2,5m. Tuyến đường dài 1,3km đã có 20 hộ dân tự nguyện hiến đất, trong đó nhiều hộ hiến 200 - 300m2 đất ruộng. Tiêu biểu như những hộ Trương Văn Lạc, Hoàng Thị Xuân, Ma Thị Mông… Đường đi thuận lợi giúp người dân Bản Váng mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ trồng rau màu, thu nhập bình quân tăng lên 20 triệu đồng/người/năm.
Các thôn Khau Qua và Nặm Dài, xã Nam Mẫu (Ba Bể) có hơn 90% dân số là hộ nghèo. Năm 2015, khi công tác dân vận được triển khai đồng bộ, người dân đồng tình, hưởng ứng mỗi hộ dân đóng góp hơn 1 triệu đồng để mở rộng đường. Bởi với đồng bào vùng cao nơi đây, con đường mới như giúp họ mở hướng thoát nghèo. Năm 2017, từ sự hỗ trợ vật liệu của Nhà nước, người dân thôn Khau Qua đã bê tông hóa được gần 2km đường liên thôn.
Theo thống kê, sau hơn 6 năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Ba Bể đã có hơn 100 tuyến đường liên thôn, nội thôn được bê tông kiên cố với tổng chiều dài trên 50km. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, người dân đã tự nguyện hiến hàng chục nghìn mét vuông đất để giải phóng mặt bằng, huy động hàng vạn ngày công để làm đường giao thông nông thôn.
Có thể khẳng định, phong trào làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Ba Bể đã mang hiệu quả rõ rệt, mỗi tuyến đường hoàn thành đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, tạo niềm tin vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ sở; tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức, đồng lòng hoàn thiện các tuyến đường giao thông nông thôn theo đúng lộ trình đề ra.