Được ngân sách tỉnh Bắc Giang hỗ trợ xi măng, người dân huyện Tân Yên tích cực góp công, góp của, hiến đất giải phóng mặt bằng làm đường giao thông. Nhiều tuyến đường thôn, liên thôn, nội đồng được cứng hóa, mở rộng, tạo thuận lợi cho lưu thông, phát triển KT-XH địa phương.
Đường giao thông thôn Lò Nồi, xã Hợp Đức (Tân Yên) được cứng hóa
bằng nguồn xi măng hỗ trợ của tỉnh và kinh phí huy động sức dân
Ngày khởi công tuyến đường liên thôn Đồng Lời đi thôn Châu, xã Cao Xá, mặc dù mưa lớn kéo dài nhưng bà con tập trung khá đông. Người cuốc, người xẻng nhanh tay san gạt đất trong tiếng nói cười phấn khởi. Đồng chí Vũ Thị Minh, Bí thư Chi bộ thôn cho biết, lâu nay bà con vẫn mong có con đường bê tông để đi lại thuận tiện nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, chưa thể cải tạo, nâng cấp. Nay tỉnh có cơ chế hỗ trợ 100% xi măng làm đường theo Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh ban hành ngày 13/7/2017 quy định chính sách hỗ trợ cứng hóa đường trục thôn, liên thôn và nội đồng gắn với giao thông liên thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021, Ban quản lý thôn đã họp bàn, huy động người dân góp kinh phí, hiến đất làm đường.
Chỉ sau thời gian ngắn tích cực tuyên truyền, vận động về ý nghĩa của việc cứng hóa, mở rộng đường, bà con đã đồng thuận cao. Nhà nhà hiến đất, tự nguyện phá bỏ tường rào. Đặc biệt, thôn góp được gần 1 tỷ đồng cứng hóa tuyến đường dài 1,6km. Nhờ tập trung cao cho việc thi công, tuyến đường rộng chừng 5,5m, mặt đường bê tông 3,5m, tăng hơn 1m so với trước nhanh chóng hoàn thành.
Mới đây người dân thôn Lò Nồi, xã Hợp Đức cũng cứng hóa đường trục thôn dài gần 300m, mặt rộng 7m. Để thuận tiện cho đi lại và bảo đảm cảnh quan, thôn thiết kế bê tông thành hai làn đường, ở giữa trồng hoa, lề đường trồng phượng tím. Tổng kinh phí xây dựng công trình gần 300 triệu đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 100% xi măng, xã hỗ trợ 15% giá trị công trình, còn lại do nhân dân đóng góp, hiến đất mà không đòi hỏi đền bù.
Phong trào cứng hóa, mở rộng đường làng còn được người dân ở nhiều xã khác như: Ngọc Thiện, Lam Cốt, Liên Chung, Việt Ngọc, Đại Hóa... tích cực hưởng ứng. Theo ông Nguyễn Văn Đại, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, được tỉnh hỗ trợ xi măng theo Nghị quyết số 07, từ tháng 8 đến nay, các xã trong huyện đã khởi công 14 km đường thôn, trong đó hơn 7km đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Các tuyến đường này đều mở rộng hơn so với trước, mặt đường rộng từ 5,5m trở lên được đổ bê tông, bảo đảm độ dày, kỹ thuật theo quy định.
Đường giao thông liên thôn Đồng Lời đi thôn Châu, xã Cao Xá (Tân Yên) vừa được cứng hóa
Kích cầu nhân rộng phong trào
Để thực hiện có hiệu quả việc làm đường giao thông nông thôn, UBND huyện Tân Yên tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã, thị trấn rà soát, đăng ký tuyến đường đã xuống cấp, nhỏ hẹp để cứng hóa, mở rộng. Đặc biệt, huyện tăng cường tuyên truyền giúp người dân nắm rõ cơ chế, chính sách hỗ trợ 100% xi măng của tỉnh cho các thôn làm đường để tích cực hưởng ứng. Đồng thời thành lập Ban chỉ đạo tổ chức triển khai chương trình theo Nghị quyết này.
Ông Nguyễn Thái Lai, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo huyện cho biết: “Để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, các thành viên được phân công phụ trách theo nhóm xã, trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Huyện chỉ đạo tất cả các xã, thị trấn vận động người dân góp kinh phí, hiến đất và hướng dẫn cứng hóa đường theo thiết kế mẫu điển hình của cơ quan chuyên môn nhằm giảm chi phí. Đi đôi với đó là hỗ trợ kinh phí vận chuyển, bốc xếp xi măng đến tận công trình cho các thôn, bảo đảm thuận tiện trong thi công”.
Hưởng ứng chủ trương của tỉnh và huyện, nhiều xã đã họp dân, bàn bạc dân chủ, công khai nguồn vật liệu xây dựng của Nhà nước hỗ trợ sau đó xây dựng danh mục các tuyến đường thiết yếu cần nâng cấp, mở rộng. Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Thiện, ngay sau khi có “cú hích” của tỉnh hỗ trợ xi măng, Đảng ủy, UBND xã đã triển khai họp dân, thống nhất lựa chọn những tuyến đường xuống cấp để ưu tiên làm trước. Một số xã như Đại Hóa, Hợp Đức còn dành thêm kinh phí từ ngân sách hỗ trợ mua đất san nền, xây dựng công trình.
Điểm mới ở Tân Yên là để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, các xã, thị trấn đều công khai nguồn vốn huy động, kịp thời biểu dương các hộ tích cực hiến đất, góp kinh phí xây dựng công trình. Đặc biệt, người dân được tham gia thi công, cộng đồng giám sát từ khi khởi công đến hoàn thành. Một số thôn còn giao trực tiếp cho từng tổ liên gia đảm nhận nên bà con phấn khởi tham gia.