Những năm gần đây, phong trào làm giao thông nông thôn (GTNT) đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, tạo sức lan tỏa và chuyển biến tích cực trong cộng đồng xã hội. Từ việc hỗ trợ của Nhà nước và đối ứng của người dân, mỗi năm có thêm hàng trăm tuyến đường thôn, xóm tại Cao Bằng được bê tông hóa, được cải tạo, nâng cấp, mở mới, góp phần thúc đẩy KT - XH phát triển, nâng cao đời sống của người dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Nhân dân xóm Nặm Bjoóc, xã Thể Dục (Nguyên Bình) làm đường bê tông
Nặm Bjoóc là xóm vùng cao của xã Thể Dục (Nguyên Bình, Cao Bằng), có 50 hộ đều là dân tộc Dao. Do đặc điểm dân cư sống rải rác, địa hình phức tạp nên đời sống của nhân dân ở đây gặp nhiều khó khăn. Năm 2017, xóm được Nhà nước hỗ trợ hơn 158 triệu đồng từ nguồn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Công ty cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng hỗ trợ 25 triệu đồng, nhân dân trong xóm góp tiền và công lao động trị giá hơn 191 triệu đồng bê tông tuyến đường trục xóm dài 720m, mặt đường rộng 2,5m, kết cấu mặt đường bằng bê tông xi măng dày 16cm. Trưởng xóm Đặng Quầy Phin vui vẻ chia sẻ: Trước chưa có đường, chúng tôi làm gì cũng khó. Giờ đường đến tận nơi, hàng hóa nông sản dễ dàng mang ra bán ở các chợ lân cận. Nhờ đó, đời sống bà con từng bước được nâng cao, kinh tế - xã hội dần phát triển.
Trong 2 năm 2016 - 2017, bằng các nguồn vốn, chương trình, dự án, huyện Quảng Uyên đã đầu tư gần 110 tỷ đồng thực hiện các công trình GTNT. Trong đó, nguồn vốn Chương trình 135, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đầu tư xây dựng 25 công trình GTNT với tổng chiều dài 27 km, trị giá hơn 58,8 tỷ đồng; nguồn vốn đặc thù theo Nghị định 161/2016/NĐ-CP giai đoạn 2016 - 2020 với tổng vốn 2,66 tỷ đồng thực hiện 9 công trình; nguồn vốn đầu tư trung hạn và khắc phục hậu quả thiên tai 46,6 tỷ đồng thực hiện 16 công trình với tổng chiều dài 20,9km; nguồn vốn duy tu 1,8 tỷ đồng bê tông 17 km đường thôn, xóm. Ngoài ra, các xã đã huy động nhân dân đóng góp 35.000 ngày công phát quang đường nông thôn, cải tạo, sửa chữa được 10,73km đường làng ngõ xóm, đường nội đồng, trị giá trên 5,5 tỷ đồng.
Giám đốc Sở GTVT Lã Hoài Nam cho biết: Thực hiện Chương trình số 09-CTr/TU của Tỉnh ủy về phát triển hạ tầng giao thông, giai đoạn 2016 - 2020; Đề án phát triển GTNT tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đồng thời huy động các nguồn vốn hỗ trợ mua xi măng, cát, đá, sỏi, giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh đặt mục tiêu bê tông hóa tối thiểu 80% đường trục xã, 60% đường thôn bản đạt cấp B GTNT trở lên, 50% đường nội đồng được bê tông hóa đạt tiêu chuẩn cấp C.
Trong năm 2017, đối với đường huyện, toàn tỉnh đã triển khai đầu tư 78,67 tỷ đồng xây dựng 8 tuyến đường với tổng chiều dài 33,26km; nâng cấp, cải tạo, sửa chữa mặt đường láng nhựa và bê tông xi măng 7 tuyến đường với tổng chiều dài 29,02 km; mở mới 1 tuyến đường, mặt đường cấp phối dài 4km; cải tạo, sửa chữa 2 cầu dân sinh. Đối với đường xã và thôn xóm, thông qua nguồn vốn của Chương trình 30a, Chương trình 135, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn Chính phủ Ailen… toàn tỉnh đã đầu tư hơn 438 tỷ đồng bê tông hóa, cấp phối được 334,68km đường.
Trong đó cải tạo, nâng cấp 3 tuyến đường với tổng chiều dài 5,29km; mở mới 329km nền đường của 183 tuyến. Hưởng ứng phong trào làm đường bê tông thôn, xóm, các địa phương trong tỉnh đã bê tông hóa trên 151km đường thôn, xóm với tổng kinh phí thực hiện 11,73 tỷ đồng, Nhà nước hỗ trợ mua vật liệu 2,88 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 26.000 ngày công lao động, vật liệu xây dựng trị giá hơn 2 tỷ đồng. Ngoài ra, vào cuối tháng 12/2017, UBND tỉnh đã cân đối ngân sách địa phương cấp thêm 14,7 tỷ đồng hỗ trợ xi măng cho các thôn, xóm làm đường bê tông xi măng…
Chương trình phát triển GTNT đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo điều kiện cho các vùng nông thôn phát triển. Để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu, trong đó ưu tiên tập trung đầu tư phát triển mạng lưới GTNT từ nhiều nguồn vốn. Các cấp, ngành chức năng tiếp tục tham mưu tháo gỡ khó khăn, thực hiện cơ chế chính sách đầu tư phát triển mạng lưới GTNT phù hợp với đặc thù của từng địa phương.