Thôn Đồng Mo, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) có hơn 100 hộ sống dưới chân núi Chạm Chu, chủ yếu là đồng bào Tày. Con suối đi qua thôn, mùa mưa lũ khiến người dân đi lại khó khăn, nguy hiểm cho trẻ em khi đi học qua suối. Vì vậy, bà con trong thôn đã đoàn kết đóng góp tiền, công lao động để làm cầu mới, giúp người dân đi lại thuận lợi hơn.
Người dân thôn Đồng Mo tích cực tham gia làm cầu dân sinh
Bao đời nay, dòng suối từ trên đỉnh núi Chạm Chu đổ xuống địa phận xã thành thác Tát Lụa. Con suối này chảy qua các thôn Thác Ca, Lang Chang, Đồng Mo và một số thôn khác của xã. Vào mùa khô, con suối hiền hòa, nhưng vào mùa mưa lại trở nên hung dữ. Vì vậy, trước kia xã đã phải quyết liệt di chuyển nhiều hộ sống ở khu vực Khuổi Nhầu - Tát Lụa lên nơi ở mới cao ráo, an toàn hơn. Nhưng rất khó khăn cho các em học sinh trong thôn hay những bệnh nhân cấp cứu phải băng qua suối vào mùa lũ. Thôn đã tiến hành họp lấy ý kiến nhân dân về việc làm cầu. Bà con trong thôn đều đồng tình ủng hộ. Ban đầu những cây cầu tre, cầu gỗ được dựng lên, nhưng chỉ được một hai mùa lại bị nước lũ cuốn đi.
Do việc làm cầu tạm không được lâu, thôn tiếp tục họp dân bàn việc đóng góp làm trụ cầu, dầm cầu bằng bê tông cốt thép, sàn cầu, lan can bằng gỗ tốt để bảo đảm an toàn cho người dân. Ông Phạm Văn Vinh, Trưởng thôn Đồng Mo cho biết, được nhân dân đồng tình ủng hộ, qua hạch toán chi ly, chiếc cầu có trị giá hơn 20 triệu đồng, trung bình mỗi hộ đóng hơn 200 nghìn đồng. Đây là tiền vật liệu, còn mỗi gia đình đóng góp thêm 1 nhân công cho việc làm cầu.
Những thợ xây có tay nghề của thôn được trưng tập thiết kế 8 hộp dầm bê tông cốt thép cỡ lớn. Cát sỏi được thôn lấy dưới suối, góp phần giảm chi phí vật liệu xây dựng. Sau gần 1 tháng đổ dầm, thôn đã huy động gần 100 nhân công, thuê máy xúc kéo dầm bê tông vào các mố cầu. Bốn nhịp cầu với mỗi nhịp có 2 dầm đỡ đã hoàn thành theo dự kiến. Lúc này công việc của thợ gỗ là thiết kết các ván cầu, lan can, bắt vít, buộc dây thép để cố định ván cầu một cách chắc chắn, an toàn, tránh nước lũ cuốn trôi.
Ông Hoàng Văn Tước, một người tích cực tham gia làm cầu nói, cây cầu đã hoàn thành trong một thời gian ngắn, chi phí rẻ, chất lượng tốt. Vì vậy, nhân dân trong thôn ai cũng phấn khởi. Cầu chủ yếu phục vụ người đi bộ, xe đạp, xe máy. Đặc biệt là phục vụ trẻ em đi học, nhân dân đi lại giao lưu kinh tế.
Gánh những gánh lúa trĩu bông trên cây cầu dân sinh mới, bà Hà Thị Lịch phấn khởi chia sẻ, trong những năm qua được sự hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh, huyện, thôn Đồng Mo đã làm được đường bê tông, nhà văn hóa thôn, đập phai thủy lợi, kênh mương nội đồng. Tuy nhiên, không thể chỉ trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã tự nguyện góp tiền, nhân công làm cầu dân sinh. Qua đó, thể hiện sự nhất trí, đồng lòng, quyết tâm cao của cả thôn. Chi phí làm cầu dân sinh đều được thôn công khai, minh bạch đến nhân dân. Người dân được bàn, được biết, được kiểm tra, nên rất yên tâm.
Cây cầu dân sinh được xây dựng chắc chắn không chỉ bảo đảm an toàn cho người dân đi lại trong mùa mưa lũ, mà còn góp phần xây dựng nông thôn mới ở thôn. Từ đó, đời sống mọi mặt của người dân ngày càng được nâng lên.