Bình Định: Triển khai Dự án GTVT3, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn

Thứ ba, 02/06/2009 17:01
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Vừa qua, tại xã Mỹ Phong (Phù Mỹ), Sở GTVT tỉnh đã khởi công 2 tiểu dự án thuộc Dự án Giao thông nông thôn (GTNT) 3 thực hiện trên địa bàn tỉnh ta. Mục tiêu của 2 tiểu dự án này là nâng cao chất lượng đường sá, giảm chi phí đi lại, góp phần tạo điều kiện phát triển KTXH cho các địa phương nằm trong vùng dự án.
Vừa qua, tại xã Mỹ Phong (Phù Mỹ), Sở GTVT tỉnh đã khởi công 2 tiểu dự án thuộc Dự án Giao thông nông thôn (GTNT) 3 thực hiện trên địa bàn tỉnh ta. Mục tiêu của 2 tiểu dự án này là nâng cao chất lượng đường sá, giảm chi phí đi lại, góp phần tạo điều kiện phát triển KTXH cho các địa phương nằm trong vùng dự án.
* Hạ tầng GTNT còn hạn chế
Trước đây, kết cấu hạ tầng GTNT trên địa bàn tỉnh ta ở mức thấp, hệ thống đường sá chủ yếu là đường đất, nắng bụi, mưa lầy. Từ năm 2000 đến nay, cùng với phong trào phát triển nông thôn mới, việc xây dựng hạ tầng điện, đường, trường, trạm được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư, nhiều tuyến đường GTNT đã được nâng cấp, bê tông hóa. Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh có 1.903 km đường GTNT được bê tông hóa, tạo động lực thúc đẩy phát triển KTXH, đảm bảo quốc phòng - an ninh, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở khu vực nông thôn.
Theo ông Nguyễn Hà Đông, Quyền Giám đốc Sở GTVT tỉnh: Mặc dù trong thời gian qua tỉnh ta rất quan tâm đầu tư phát triển hệ thống GTNT, nhưng hiện nay hạ tầng giao thông ở một số vùng nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Toàn tỉnh hiện còn khoảng 1.800 km đường GTNT là đường đất, nhiều cầu cống còn tạm bợ, người dân đi lại rất khó khăn. Đây chính là “lực cản” lớn trong quá trình phát triển KTXH của những địa phương ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển KTXH ở khu vực nông thôn, từ nay đến năm 2010 tỉnh ta phấn đấu thực hiện bê tông hóa khoảng 700 km đường GTNT. Tuy nhiên, nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương dùng để đầu tư cho GTNT hiện rất hạn chế. Trước tình hình này, tỉnh đã tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương cùng các nguồn vốn khác để đầu tư phát triển hệ thống GTNT trên địa bàn tỉnh.
Dự án GTNT 3 có phạm vi trải rộng trên địa bàn 33 tỉnh, thành phố trong cả nước, với mục tiêu cải tạo, xây dựng khoảng 3.150 km đường GTNT, được thực hiện bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Vương quốc Anh. Thực hiện dự án này, tỉnh ta được ưu tiên lựa chọn xây dựng 2 tuyến đường nông thôn đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng có lưu lượng xe lưu thông lớn, thuộc địa bàn nông thôn, miền núi còn nhiều khó khăn. Tỉnh đã chọn tuyến đường Tây Vinh (Tây Sơn) - Cát Lâm (Phù Cát), với chiều dài 16,3 km (được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp VI đồng bằng) và tuyến đường Đèo Nhông - Mỹ Thọ (Phù Mỹ), có chiều dài 8,7 km (được xây dựng theo tiêu chuẩn đường GTNT loại A). Tổng kinh phí đầu tư xây dựng 2 tuyến đường này là 55,7 tỉ đồng; thời gian thi công trong vòng 14 tháng.
* Từng bước nối liền mạng lưới giao thông
Việc xây dựng 2 tuyến đường Đèo Nhông - Mỹ Thọ và Tây Vinh - Cát Lâm nhằm từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng GTNT trên địa bàn tỉnh, từng bước nâng cao chất lượng giao thông, giảm bớt chi phí đi lại, giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ và thị trường, góp phần tạo điều kiện phát triển KTXH cho các xã Bình Thuận (Tây Sơn); Cát Hiệp, Cát Lâm (Phù Cát), Mỹ Trinh, Mỹ Phong, Mỹ Thọ (Phù Mỹ).
Tuyến đường Đèo Nhông - Mỹ Thọ kết nối giữa Quốc lộ 1A với tỉnh lộ 632, đi qua địa bàn 3 xã Mỹ Trinh, Mỹ Phong và Mỹ Thọ. Sự hình thành tuyến đường này sẽ phá vỡ tính độc đạo của các xã phía đông huyện Phù Mỹ; tạo điều kiện giao thông thông suốt giữa các xã Mỹ Trinh, Mỹ Phong, Mỹ Thọ và các vùng lân cận.
Cũng như tuyến đường Đèo Nhông - Mỹ Thọ, tuyến đường Tây Vinh - Cát Lâm là tuyến đường trục liên xã có lưu lượng xe cộ đi lại nhiều, nhưng kết cấu nền đường yếu, mặt đường lồi lõm khiến cho việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Do vậy, khi Dự án GTNT 3 chọn xây dựng 2 tuyến đường này, nhân dân và các cấp chính quyền, đoàn thể của các địa phương nằm trong vùng dự án rất phấn khởi.
Trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư và các nhà thầu đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía nhân dân và chính quyền các địa phương. Khâu giải phóng mặt bằng được tiến hành nhanh gọn, thuận tiện. Phát biểu tại lễ khởi công, ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, đại diện cho chính quyền các địa phương nằm trong vùng triển khai dự án, khẳng định: “Chúng tôi sẽ đồng hành cùng các nhà thầu trong quá trình xây dựng công trình. Nếu trong quá trình thi công, các nhà thầu gặp phải trở ngại gì, chúng tôi sẽ phối hợp giải quyết một cách kịp thời, nhằm góp phần đưa công trình sớm đi vào sử dụng”.
Theo kế hoạch, đến tháng 7.2010, 2 tuyến đường nói trên sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, với sự ủng hộ của người dân và chính quyền địa phương, các nhà thầu đã cam kết sẽ đưa công trình về đích trước thời gian.
(Theo Báo BĐ)

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)