Hà Nội: Xã hội hóa để phát triển GTNT - chủ trương đúng, cách làm hay

Thứ tư, 20/05/2009 17:22
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Những năm qua, mạng lưới đường giao thông nông thôn (GTNT) khu vực ngoại thành Hà Nội, đặc biệt là các địa phương thuộc xứ Đoài đã được quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, để thực sự tạo nên diện mạo mới cho khu vực ngoại thành, các chương trình kiên cố hóa đường GTNT cần được triển khai bài bản và sâu rộng hơn…
Những năm qua, mạng lưới đường giao thông nông thôn (GTNT) khu vực ngoại thành Hà Nội, đặc biệt là các địa phương thuộc xứ Đoài đã được quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, để thực sự tạo nên diện mạo mới cho khu vực ngoại thành, các chương trình kiên cố hóa đường GTNT cần được triển khai bài bản và sâu rộng hơn…
Nhằm phát triển mạng lưới hạ tầng GTNT, trước đây, tỉnh Hà Tây (cũ) đã thực hiện mô hình nhân dân làm và quản lý là chính, Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí. Cụ thể, Nhà nước hỗ trợ bằng ngân sách tối đa không quá 29% với các xã bình thường và không quá 50% đối với xã nghèo miền núi.
Trong 4 năm (từ 2004-2007), các địa phương đã cứng hóa được gần 1.306km đường GTNT, trong đó có 1.196km đường bê tông xi măng (chiếm 54%); hơn 70km đường bê tông nhựa (chiếm 3,2%); lát gạch gần 40km (chiếm 2%). Tổng kinh phí thực hiện là 723,9 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp 222,5 tỷ đồng.
Lãnh đạo các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây… đều khẳng định, đây là một cách làm hay, góp phần tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Chủ trương này đã tạo nên phong trào nhân dân cùng xây dựng, phát triển GTNT. Qua chính sách này, việc xây dựng GTNT đã được "xã hội hóa" với sự tham gia tích cực của nhiều tổ chức, DN trong và ngoài nước đóng trên địa bàn. Nhờ đó, hàng loạt tuyến tỉnh lộ, liên huyện, liên xã đã được đầu tư, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Chị Nguyễn Thị Thanh (xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ) cho biết: Chủ trương phù hợp nên được đại bộ phận người dân ủng hộ, đóng góp kinh phí xây dựng. Đường làng ngõ xóm của xã sau khi được bê tông hóa sạch đẹp hơn, người dân đi lại an toàn. Tại huyện Thạch Thất, hàng chục ki-lô-mét đường liên huyện kéo dài từ đường Láng - Hòa Lạc qua xã Bình Yên sang thị trấn Liên Quan ra quốc lộ 32 được trải nhựa phẳng lỳ, không chỉ góp phần giảm thiểu TNGT mà đã tạo điều kiện hình thành hàng loạt khu, cụm công nghiệp, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương như Cụm công nghiệp Phùng Xá, Khu công nghiệp Bình Yên…
Ông Nguyễn Quang Mạnh, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây khẳng định hiệu quả của chương trình kiên cố hóa GTNT theo mô hình Nhà nước và nhân dân cùng làm, song cũng nêu một số tồn tại. Đến nay, ngoài hệ thống tỉnh lộ, Sơn Tây có 31 tuyến đường liên xã với tổng chiều dài 65,52km; 36,5km đường ngõ phố nội thị và khoảng hơn 100km đường liên thôn, ngõ xóm. Hệ thống đường nội thị, liên xã mặc dù đã được chỉnh trang khá đồng bộ với tỷ lệ cứng hóa bê tông, trải nhựa đạt 60-70% song vẫn chưa đúng cấp kỹ thuật. Việc duy tu, bảo trì chưa được quan tâm. Đó là một trong những lý do khiến cho số vụ TNGT trên địa bàn vẫn còn cao.
Theo Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Trương Thế Cầu, hàng trăm ki-lô-mét đường được trải nhựa hoặc bê tông hóa thời gian qua đã góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển, các tuyến trên không còn đủ khả năng đáp ứng, đường chật hẹp, một số nơi xuống cấp, hệ thống thoát nước, chiếu sáng không đồng bộ...
Đặc biệt, tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ có 17km đi qua Thường Tín, 12,5km qua Phú Xuyên, do thiết kế bất hợp lý, không có điểm đấu nối, hệ thống cống chui nhỏ đã "cắt" ngang các huyện, làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống sinh hoạt của nhân dân 18 xã phía Đông của 2 huyện...
Một số ý kiến từ các huyện khác cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ về kinh phí đầu tư và bổ sung ngân sách phục vụ bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng giao thông, Sở GTVT Hà Nội và ngành liên quan cần giúp đỡ địa phương xử lý hàng loạt vấn đề như lắp đặt biển báo, đèn tín hiệu giao thông, triển khai công tác giải phóng mặt bằng và đặc biệt là khâu tổ chức lại giao thông.
Với sự giúp đỡ của các chuyên gia của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), khu vực nội thành Hà Nội đã và đang triển khai tương đối thành công mô hình giáo dục ATGT trong cộng đồng. Các khu vực ngoại thành thuộc xứ Đoài cũng rất mong được nghiên cứu áp dụng mô hình này.
MH (theo HNM)

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)