Người dân Phú Yên vui vì có đường bê tông lên khu sản xuất

Thứ năm, 01/11/2018 11:16
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tiếp nối những tuyến đường trục xã, trục thôn buôn, chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn vùng miền núi của tỉnh Phú Yên đang hướng tới những tuyến nội đồng lên khu sản xuất. Điều này vừa giúp người dân đi lại thuận lợi, vừa thúc đẩy giao thương, đưa nông sản của bà con ra thị trường.


Đường bê tông lên khu sản xuất giúp người dân đi lại và vận chuyển nông sản thuận lợi

Nối dài những niềm vui

Tôi gọi điện hẹn gặp Oi Tình ở UBND xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), nghe tiếng ông rành rọt từng lời: “Cô lên thẳng trên rẫy nhé, có đường bê tông sạch sẽ rồi không lo đường đất đá khó đi như trước nữa. Tôi ở trên đó còn nhổ sắn, chất lên xe tải cho kịp chở về nhà máy trong ngày”.

Con đường bê tông đi qua những rẫy sắn, mía tới tận rẫy của Oi Tình nằm sâu trong núi. Từ ngày có đường, người dân đi lại nhiều hơn và khu sản xuất cũng nhộn nhịp hơn hẳn. Oi Tình hồ hởi: Trước xe tải chẳng chịu tới tận đây, vì họ ngại lún bánh, phải gọi cẩu kéo xe lên tốn kém. Nhà tôi toàn phải thuê cộ bò, ì ạch kéo từng xe ra đường chính, rồi xe lớn mới tới chở một lần. Tính ra vất vả mà chi phí lại cao. Giờ thì khỏe rồi, có đường xe tới rận rẫy, công nhổ sắn tới đâu chất ngay lên xe, xe đầy là đưa thẳng tới nhà máy, tiện lắm, chi phí cũng đỡ tốn hẳn.

Còn ông Nguyễn Văn Côi ở xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa), chia sẻ: Ngày xưa không có đường nên vô rẫy âm u, hiu quạnh lắm. Một mình tôi không dám ngủ lại; mà mấy chục hécta chuối, cam, xoài, mía… không trông thì sợ cháy, lo bị bẻ trộm. Tôi phải thuê 2 người chuyên ngủ lại giữ rẫy. Đường khó đi, xa nhà dân nên họ đòi công cao, tháng không làm gì cũng phải trả lương 4-5 triệu đồng. Từ khi có đường, tôi chỉ thuê một công, còn có chuyện gì đột xuất là tôi phóng xe máy chạy vào. Có đường rồi, tôi mong sớm có điện để lắp camera kết nối điện thoại cho dễ quản lý.

Có đường, bớt được chi phí vận chuyển nên nông sản cũng được thu mua với giá cao hơn. Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh, một thương lái chuyên buôn trái cây tuyến Phú Yên - Đắk Lắk thì mùa nào thức ấy, nhóm buôn của bà thường vào tận rẫy để lựa trái rồi mua gom vào bao tải chở ra ngoài bắt xe đưa thẳng đi tiêu thụ. “Rẫy nào đường dễ đi, chúng tôi thường trả cao hơn 1-2 giá; còn rẫy nào đường khó thì giá thấp lại vì còn trừ vào chi phí sửa chữa, rửa xe…”, bà Quỳnh nói.

Với La Lan Bình ở xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh), một người thường đi chặt mía thuê thì những con đường bê tông giúp anh làm được nhiều công hơn, thu nhập cao hơn. La Lan Bình nói: Trước vô rẫy chặt mía cực lắm, đường xa khó đi, lần nào quần áo cũng đầy bùn đất, nhiều lúc không cẩn thận còn bị ngã trầy da, rồi xe hư hỏng…

Vất vả vậy nên tôi phải mất cả tuần mới chặt xong đám mía cho họ. Từ lúc có đường đi lại thuận lợi, sức khỏe được bảo đảm nên mía chặt cũng thoăn thoắt chỉ 3 ngày là xong. Tôi nhận chặt khoán theo diện tích, nên làm xong sớm chỗ này thì có thời gian nhận làm chỗ khác, thu nhập cũng nhiều hơn.


Làm đường giao thông nông thôn ở xã Ea Bia, huyện Sông Hinh

Tiếp tục được bê tông hóa

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh ở thôn Tân Yên, xã Ea Ly (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) cho biết: Tôi mong có đường cả mấy năm nay rồi. Năm ngoái, UBND xã thông báo chuẩn bị làm đường tôi mừng lắm. Tôi sẵn sàng đóng góp để tuyến đường sớm hoàn thành. Hiện đường chưa được bê tông nhưng đã được cứng hóa nên đi lại cũng bớt khó khăn hơn trước. Chắc chỉ sang năm là tôi và bà con ở đây có đường bê tông mới để đi.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Ly, năm qua, xã hoàn thành 1,1km đường đến vùng sản xuất rộng hơn 180ha, góp phần nâng tổng số đường nội đồng được hoàn thành lên 3,8km. Hiện toàn xã còn 17 tuyến với tổng chiều dài 8,8km chưa được hoàn thành. Chính quyền xã tích cực đề xuất xin xi măng, vốn hỗ trợ từ cấp trên cũng như vận động bà con tham gia đóng góp để các tuyến đường này sớm được đưa vào sử dụng.

Còn ông La O Hóa, Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ, chia sẻ: Hiện xã đã làm xong 25,1km đường vào 40ha đất sản xuất của bà con. Xã còn 10km đường đi qua khu sản xuất 50ha. Để hoàn thành con đường này ước kinh phí khoảng 5 tỉ đồng. UBND xã đã làm hồ sơ gửi lên huyện và tỉnh, khi được chấp thuận, xã họp các hộ dân để đồng thuận triển khai.

Mới hoàn thành được 5km đường ra khu sản xuất, UBND xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) phấn đấu hoàn thành tiếp 4km nữa. Ông Lê Văn Diễu, Chủ tịch UBND xã này cho biết: Từ nay tới cuối năm xã sẽ hoàn thành 1km đi qua khoảng 200ha đất sản xuất, 3km còn lại theo kế hoạch tới năm 2020 sẽ xong.

Theo ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT Phú Yên, hạ tầng giao thông ở vùng miền núi của tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng với phát triển kinh tế xã hội vùng này, nên 3 năm nay, nguồn vốn nông thôn mới chủ yếu tập trung hoàn thành cho nơi đây; nhờ đó không chỉ các trục thôn, buôn được bê tông hóa mà các tuyến đường nội đồng cũng được cứng hóa, hỗ trợ đắc lực cho bà con đi lại sản xuất, vận chuyển nông sản.

Từ cuối năm 2017 đến nay, các địa phương bê tông hóa được 65,86km đường nông thôn với tổng kinh phí 30 tỉ đồng. Từ đây, nhiều xã miền núi đã hoàn thành tiêu chí số 2 về giao thông, giúp tăng số xã hoàn thành tiêu chí này lên 71/88 xã toàn tỉnh.

hoavt

Nguồn: Báo Phú Yên

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)