Những năm qua, huyện Châu Thành, An Giang luôn là địa phương tiêu biểu trong tỉnh thực hiện hiệu quả phong trào xã hội hóa xây dựng cầu nông thôn. Qua đó, góp phần tạo nên diện mạo mới cho những vùng quê khó khăn, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Huyện Châu Thành là vùng đất ven đô, có nhiều kênh, rạch chằng chịt và nhiều cây cầu gỗ bị xuống cấp, nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con địa phương rất khó khăn. Từ thực trạng trên, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Châu Thành quan tâm, chú trọng đến công tác huy động sức dân chung tay xây dựng cầu nông thôn kiên cố, phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Huyện triển khai thực hiện cụ thể Kế hoạch nâng cấp, kiên cố hóa cầu giao thông nông thôn trên địa bàn huyện (giai đoạn 2016-2020). Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua yêu nước. Từ đó, tạo được sự đồng thuận của nhân dân tích cực tham gia công tác xã hội - từ thiện, nổi bật là xây dựng cầu giao thông nông thôn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Cù Minh Trọng cho biết, xác định công tác phát triển hạ tầng giao thông là một trong những mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động sức dân tham gia xây dựng cầu, đường nông thôn. Huyện huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội, từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau, như: vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, nhà hảo tâm, các đội thi công từ thiện và người dân để chung tay thực hiện đầu tư phát triển hệ thống cầu giao thông nông thôn gắn với xây dựng NTM. Đồng thời, thực hiện lồng ghép các nguồn vốn trung hạn, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu để đầu tư trên địa bàn.
Huy động sức dân xây dựng cầu nông thôn
3 năm qua, huyện Châu Thành xây dựng 33 cây cầu, với tổng vốn đầu tư 55,3 tỷ đồng và hơn 20.000 ngày công lao động do nhân dân đóng góp. Phong trào xây dựng cầu giao thông nông thôn tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân và xây dựng NTM. Đến nay, huyện đã đạt 7/19 tiêu chí và 26/49 chỉ tiêu xây dựng NTM và có 4 xã đạt chuẩn NTM, gồm: Vĩnh Thành, Vĩnh Nhuận, Cần Đăng và Bình Hòa. “Đạt được kết quả trên, ngoài sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, sự chung tay góp sức của nhân dân vô cùng quan trọng. Trong quá trình thực hiện, người dân luôn giữ vai trò là chủ thể, họ được biết, được bàn, được quyết định, tự làm, tự giám sát và được thụ hưởng…”- ông Cù Minh Trọng chia sẻ.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã tạo điều kiện thuận lợi, huy động sức dân cùng tham gia, đóng góp kinh phí, công sức để xây dựng cầu nông thôn kiên cố. Chị Nguyễn Thị Vân (ngụ xã Bình Hòa) chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi, khi hệ thống giao thông từng bước được hoàn chỉnh, đáp ứng tốt việc đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa. Chính vì thế, chúng tôi sẵn sàng ủng hộ vật chất và công sức cùng chính quyền địa phương trong việc cất cầu, đường nông thôn, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp”.
Ông Cù Minh Trọng nhấn mạnh, thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sức dân thực hiện phong trào xây dựng cầu giao thông nông thôn. Đồng thời, rà soát, kiểm tra xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình trên địa bàn, để có kế hoạch về vốn, nhằm cân đối và đầu tư xây dựng công trình. Ngoài ra, nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo cũng như kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong các hoạt động xây dựng cầu nông thôn trên địa bàn huyện…