An Giang: Xã hội hóa xây dựng cầu nông thôn ở Phú Thành

Thứ ba, 03/09/2019 08:41
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Xã Phú Thành (Phú Tân, An Giang) đang khẩn trương hoàn thành đưa vào sử dụng cầu kênh Hòa Bình - cây cầu cuối cùng trong kế hoạch của năm 2019. Những cây cầu bê tông thay thế dần cầu gỗ xuống cấp không chỉ tạo diện mạo sáng sủa hơn cho xã vùng sâu mà còn rút ngắn khoảng cách với các địa bàn lân cận nhờ kết nối giao thương thuận lợi, nhân dân đi lại dễ dàng. Đây là thành quả từ sự đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong nhiều năm xã hội hóa xây dựng cầu giao thông nông thôn.

Cầu UBND xã Phú Thành đã đưa vào sử dụng

Cộng đồng chung sức

Khó khăn trong xây dựng cầu ở Phú Thành là nguồn đối ứng và vận động trong địa phương không có, chủ yếu dựa vào nguồn vận động bên ngoài. Trong đó, khâu đóng trụ, thiết kế bản vẽ phải nhờ nhà nước và công ty có chức năng hỗ trợ. Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBMTTQVN xã Phú Thành Lý Thị Lệ Hằng, cho biết, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm qua, xã Phú Thành đặt mục tiêu hàng đầu là xóa cầu ván, tạm bợ và thay dần cầu cũ xuống cấp bằng cầu kiên cố, cầu bê tông. Qua các năm, địa phương đã thực hiện được 7 cây cầu sắt, tổng số tiền trên 2,1 tỷ đồng và trên 1.000 ngày công lao động của cán bộ, nhân dân, các tổ chức từ thiện. 

Theo yêu cầu phát triển, để thúc đẩy kinh tế - xã hội nâng lên, xã tiếp tục vận động xây dựng cầu bê tông, đến nay đã có 3 cây cầu lần lượt hoàn thành, tổng giá trị trên 3,5 tỷ đồng cùng với 2.500 ngày công lao động. Thành công của chủ trương này nhờ được người dân đồng thuận cao và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hảo tâm do lãnh đạo huyện vận động, giới thiệu. Trong đó phải kể đến Hội nữ doanh nhân Bình Phước, Hội nữ doanh nhân An Giang, các doanh nghiệp và đại diện chùa tại TP. Hồ Chí Minh, chùa trong tỉnh.

Tiêu biểu như cầu UBND xã Phú Thành vừa hoàn thành trong tháng 6 năm nay được xã hội hóa 100%. Cầu dài 44m, rộng 5m, tải trọng 8 tấn, tổng kinh phí xây dựng trên 1,2 tỷ đồng. Sư cô Ngọc Diệu, chùa Quảng Hương (TP. Hồ Chí Minh) đóng góp 300 triệu đồng, tặng 60 thành viên tổ xây dựng cầu có hoàn cảnh khó khăn 12 triệu đồng. Thượng tọa Thích Tôn Trấn, chùa Huỳnh Đạo (TP. Châu Đốc) đóng góp 100 triệu đồng, tặng riêng 8 thành viên tổ xây dựng cầu có hoàn cảnh khó khăn 10 triệu đồng. 

Bên cạnh đó, trong xã còn có các cá nhân đóng góp kinh phí lớn, như: ông Ngô Văn Đậu góp 100 triệu đồng, ông Phạm Văn Phúc góp 100 triệu đồng, ông Phạm Hồng Khâm góp 50 triệu đồng, nhân dân trong và ngoài xã góp gần 90 triệu đồng. Cầu kênh Hòa Bình chuẩn bị hoàn thành có chiều dài 44m, rộng 4m, kinh phí xây dựng trên 1 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện hỗ trợ 102 triệu đồng, Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken tài trợ 500 triệu đồng. Thời gian tới, địa phương còn xây dựng thêm 2 cây cầu, lần lượt nối liền xã Phú Thành với xã Phú Long và xã Phú Xuân để hoàn thành mục tiêu xây dựng cầu nông thôn trên địa bàn. Mỗi lần xây dựng cầu, xã thực hiện ra dân xin ý kiến, sau khi hoàn thiện cầu thì công khai việc thu - chi để bà con nắm, sự ủng hộ từ đó càng tích cực.

Tấm lòng người dân

Bà Lệ Hằng chia sẻ: “Nhân công đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây cầu, vì vậy khi vừa có doanh nghiệp tài trợ, những khoản phí còn lại và việc thi công đều do bà con nhân dân đảm đương. Trong những công đoạn đổ trụ, đổ mâm, đổ đà…các tổ từ thiện huy động từ 150-200 người đến làm. Nếu không có đội ngũ này, kinh phí xây dựng cầu có thể “đội” lên thêm 200 triệu đồng”. 

Trong xã có Tổ từ thiện ấp Phú Quới do ông Nguyễn Văn Tre làm tổ trưởng cùng 40 thành viên. Tổ còn liên kết huy động lực lượng thuộc tổ từ thiện các xã: Bình Thạnh Đông, Phú Hưng, Phú An, Hòa Lạc, Phú Long, xã Lê Chánh (TX. Tân Châu) phối hợp xây dựng. Nhờ vậy tiến độ hoàn thành 1 cây cầu khá nhanh, từ 1-2 tháng, đảm bảo theo chủ trương của chính quyền cũng như nhu cầu chính đáng của người dân. Ông Nguyễn Văn Tre cho biết, thậm chí ngày mưa mọi người vẫn mặc áo mưa ra làm cho kịp tiến độ, vất vả mà ai cũng vui vẻ. Cầu mới hoàn thiện đến đâu, việc giao thương, mua bán của người dân, đi lại học hành của trẻ em thuận lợi đến đó, bà con không mừng sao được!

Ông Đỗ Thanh Dân, thành viên tổ cất cầu cho biết, người dân rất phấn khởi vui mừng để cùng địa phương phát triển nông thôn mới. Phú Thành là vùng kênh, rạch rất nhiều, vốn là vùng sâu, vùng xa của huyện. Ngày nay, xã đã được xóa “vùng sâu”, tuy nhiên việc đi lại của người dân và đời sống nói chung còn thấp so các địa phương. Từng năm, bà con đồng lòng cùng chính quyền địa phương xóa cầu khỉ thay bằng cầu kẽm, cầu sắt, dần dần đến nay là cầu đúc bê tông, đời sống người dân cũng khởi sắc theo. 

Ông Dân tâm sự: “Các cây cầu hoàn thành mang ý nghĩa rất lớn đối với người dân trong xã, xóa đi ngăn cách của những con kênh, hàng hóa, nông sản được vận chuyển thuận lợi, bán có giá hơn. Anh em chúng tôi luôn khuyến khích nhau, mỗi ngày huy động từ vài chục đến hàng trăm người cùng lao động, ai có công góp công, ai có của góp của, chung sức cho địa phương phát triển cũng là cho mỗi gia đình khấm khá lên”.

kieuanh

Nguồn: Báo An Giang

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)