Là huyện đồng bằng duy nhất của Phú Thọ, Lâm Thao có hệ thống giao thông đường bộ phân bổ tương đối đồng đều ở các xã, thị trấn. Toàn huyện có 683 km đường giao thông các loại, trong đó có 452 km đường giao thông nông thôn và 231 km giao thông nội đồng.
Là huyện đồng bằng duy nhất của Phú Thọ, Lâm Thao có hệ thống giao thông đường bộ phân bổ tương đối đồng đều ở các xã, thị trấn. Toàn huyện có 683 km đường giao thông các loại, trong đó có 452 km đường giao thông nông thôn và 231 km giao thông nội đồng.
Trước năm 2006, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, toàn huyện đã đổ bê tông xi măng được 114,02 km và có 10,3 km đường nhựa, không kể các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ. 3 năm trở lại đây, tiếp tục triển khai phương châm xã hội hóa, đồng thời thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TU ngày 17/11/2005 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển giao thông nông thôn, giai đoạn 2006 – 2010, mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn có bước phát triển mạnh với 229,35 km đường huyện, liên thôn, liên xã được rải đá răm nhựa và đổ bê tông xi măng, đạt 50,74% tổng số km đường giao thông nông thôn trên địa bàn.
Nghị quyết 42-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy, UBND huyện đã xây dựng quy hoạch phát triển giao thông nông thôn, giai đoạn 2006 – 2010, 2015 và định hướng đến năm 2020, gắn với chủ trương đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn trên địa bàn. Hầu hết các xã, thị trấn đều xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển giao thông nông thôn và hàng năm tiến hành đầu tư theo khả năng nguồn vốn của địa phương và sự hỗ trợ của cấp trên. Với điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương trong huyện đã bám sát phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp kinh phí. Do đó việc duy tu, nâng cấp và làm mới các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện đã chủ yếu được thực hiện theo phương thức: Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp vật tư và nhân công. Quá trình triển khai các công trình có nguồn vốn đóng góp của nhân dân đảm bảo theo quy chế dân chủ, sử dụng cơ chế nhân dân tham gia giám sát, kiểm tra từ khi xây dựng đến khi hoàn thành; Ban quản lý, giám sát báo cáo việc thu chi trước nhân dân, khi công trình hoàn thành được nghiệm thu, quyết toán. Bởi vậy, phong trào làm đường giao thông nông thôn được nhân dân đồng tình ủng hộ và nhất trí cao. Nhiều địa phương nhân dân tự huy động 100% kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn. Trong 3 năm qua, huyện đã huy động kinh phí từ mọi nguồn 61,142 tỷ đồng để thực hiện mục tiêu nâng cấp các tuyến đường bằng bê tông, đá răm nhựa. Trong đó đã nâng cấp 74,87 km đường bê tông và đường nhựa; làm mới 19,12 km đường đất, đường nhựa và đường bê tông xi măng; duy tu sửa chưa 106 km; làm mới 5 cầu các loại với khối lượng đất đào đắp đạt 604.400 m3. Một số đơn vị có số lượng đường giao thông được cứng hóa đạt cao như thị trấn Lâm Thao 24,58 km; Thạch Sơn 23,33 km; Sơn Vi 21,47 km…
Mạng lưới giao thông phát triển mạnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu trao đổi hàng hóa của nhân dân, góp phần thúc đẩy nền kinh tế xã hội địa phương phát triển và từng bước thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên việc huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển giao thông nông thôn ở Lâm Thao nhìn chung chưa cao, mới chỉ chiếm 57,3% so với kế hoạch, đường nhựa, bê tông mới chiếm 50,74% tổng số km đường giao thông toàn huyện. Bên cạnh đó chưa có quy chế bảo dưỡng sau đầu tư, việc thi công ở nhiều nơi chưa đảm bảo các quy trình kỹ thuật, ảnh hưởng đến chất lượng và tuổi thọ của tuyến đường. Trong 2 năm tới huyện huy động được ít nhất 45,558 tỷ đồng để nâng cấp 43,33 km, cấp phối 45 km và duy tu 55 km đường các loại, phấn đấu đến năm 2010 có 80% số xã, thị trấn cơ bản cứng hóa song các tuyến đường trục liên thôn, liên xã; 80% các tuyến đường liên xã, 25% các tuyến đường liên thôn và giao thông nội đồng được nâng cấp, còn lại được rải cấp phối. Theo đó huyện tiếp tục thực hiện tốt phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, chú trọng huy động nguồn lực tại chỗ để giảm dần sự phụ thuộc vào nhà nước; chỉ đạo các địa phương chủ động phát triển giao thông nông thôn theo quy hoạch, trong đó ưu tiên tập trung vào các tuyến đường trục quan trọng trước. Đồng thời coi trọng công tác quản lý giám sát xây dựng ở các xã, thị trấn; nhất là xây dựng cơ chế quản lý sau đầu tư nhằm nâng cao tuổi thọ các công trình và hiệu quả đầu tư.
Báo Phú thọ