Những ngày cuối tháng Giêng năm Canh Tý, chúng tôi có dịp trở lại Tà Làng, một trong những thôn mà cách đây hai năm về trước được đánh giá là khó khăn nhất của xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Thật bất ngờ với chúng tôi, Tà Làng hôm nay như khoác lên mình chiếc áo mới, con đường mòn dốc đứng lởm chởm đá dẫn xuống thôn đã thay thế bằng con đường bê tông sạch đẹp. Nhiều nếp nhà xưa đã sáng màu ngói mới. Nhiều đoàn khách du lịch dừng chân ghi lại những cảnh quan quá đẹp nơi đây... Tất cả cho thấy một Tà Làng no ấm đang hiện hữu.
Đường về Tà Làng hôm nay
Thôn Tà Làng cách trung tâm xã Pải Lủng khoảng 8 km, nơi đây có 39 hộ với 5 dân tộc sinh sống gồm: Tày, Giấy, Nùng, Mông, Xuồng. Những năm trước đây, đời sống người dân rất khó khăn, gần 100% là hộ nghèo. Có rất nhiều nguyên nhân của sự nghèo đói, do thiếu đất sản xuất, điều kiện thời tiết khắc nghiệt… đặc biệt là thôn nằm ở vị trí không thuận lợi do địa hình chia cắt mạnh bởi các dãy núi cao, đường giao thông hiểm trở. Nhưng, từ năm 2018, được sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp tiền của và công sức của nhân dân tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Đến tháng 1.2019, trục đường và thôn đã hoàn thành với 7km đường bê tông. Từ khi có đường, cuộc sống người dân nơi đây như được tiếp thêm luồng sinh khí mới, nhiều hộ đã biết khai thác lợi thế cảnh quan ở đây để làm du lịch, nâng cao thu nhập.
Tâm sự với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Pải Lủng, Lý Văn Đông phấn khởi cho biết: Để có được con đường bê tông hôm nay là cả một quá trình vận động bà con góp công sức, hiến đất làm đường. Đặc biệt, có sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo huyện, xã; sự ủng hộ về vật chất và tinh thần của các nhà hảo tâm và cơ quan phụ trách xã (Báo Hà Giang). Từ khi có đường đi thuận lợi, bà con rất phấn khởi, cùng thi đua làm kinh tế để nâng cao cuộc sống. Để hoàn thành con đường “huyền thoại” này là cả một quá trình vất vả công sức của nhân dân. Công tác triển khai thi công gặp nhiều khó khăn, nền đất dốc, nhiều khúc cua gấp, khan hiếm vật liệu xây dựng; điều kiện kinh tế của bà con còn nhiều khó khăn... Tuy nhiên, do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên tất cả các hộ dân trong thôn đều quyết tâm góp sức thực hiện.
Con đường hoàn thành, ngoài thuận tiện đi lại còn mở ra hướng đi mới cho phát triển du lịch của thôn nói riêng và của xã Pải Lủng nói chung. Với lợi thế của thôn nằm cạnh dòng lòng hồ thủy điện Nho Quế, hai bên là những dãy nũi đá sừng sững soi bóng xuống dòng sông, đặc biệt là khí hậu ở đây rất trong lành, người dân thật thà chất phác và giàu lòng mến khách nên thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, khám phá.
Theo như Chủ tịch UBND xã Lý Văn Đông, hiện nay trong thôn nở rộ loại hình kinh doanh dịch vụ đưa đón du khách từ Quốc lộ 4c tham quan thôn Tà Làng và khám phá Hẻm vực Tu Sản, đã có 36 hộ làm dịch vụ (đưa khách tham quan bằng thuyền có 16 hộ, đưa đón khách du lịch bằng xe máy 20 hộ) tạo việc làm cho khoảng 70 lao động của thôn. Thời gian cao điểm mùa du lịch, có hộ thu nhập từ các dịch vụ này lên đến 15 – 20 triệu đồng/tháng; điển hình như hộ ông Hoàng Văn Điệp, Lù A Lâm, Lù A Tý... Nhiều hộ khác làm xe ôm, đưa khách du lịch tham quan lòng hồ bằng thuyền thu nhập cũng đạt 5 – 7 triệu đồng/tháng. Hiện tại, lượng du khách trung bình đến tham quan tại đây khoảng 100 người/ngày, cao điểm nhất khoảng 600 – 800 người/ngày.
Nhờ có tuyến đường hoàn thành cùng với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên mà thôn Tà Làng đã có những bước chuyển mạnh mẽ. Mặc dù lượng khách du lịch đông nhưng thôn rất coi trọng việc gìn giữ môi trường trong sạch, khuyến cáo du khách ý thức giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, coi đây là một trong những tiềm năng thế mạnh phát triển kinh tế bền vững và lâu dài của thôn. Hướng phát triển du lịch thới gian tới, thôn tập trung đầu tư hạn tầng giao thông, sửa chữa các khúc cua khó; xây dựng khu nghỉ ngơi, khuyến khích mở các dịch vụ ăn uống phục vụ du khách; thành lập tổ dọn dẹp, vệ sinh môi trường, thu gom rác thải…
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó, thôn còn gặp không ít những khó khăn, như chưa có điện lưới quốc gia, kỹ năng làm dịch vụ du lịch của bà con còn hạn chế, chủ yếu mang tính tự phát; chưa đủ các điều kiện để đáp ứng cho khách ở dài ngày; thiếu vốn làm dịch vụ... đó là những trăn trở của thôn rất mong các cấp cấp, các ngành và các nhà hảo tâm giúp đỡ thôn có điều kiện phát triển du lịch, dịch vụ tốt hơn.
Chia tay Tà Làng trong ánh nắng chiều hắt qua Hẻm vực Tu Sản, chúng tôi hòa vào đoàn khách du lịch đến từ Australia xuôi về Phố cổ Đồng Văn. Trong tâm trạng chúng tôi vẫn mang theo những nỗi niềm về một Tà Làng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là nhu cầu về điện lưới Quốc gia. Hy vọng những mong muốn của người dân nơi đây sẽ thành hiện thực trong thời gian tới.