Hà Giang: Tăng cường quản lý, bảo dưỡng hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn

Thứ hai, 13/04/2020 11:14
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Với đặc thù là tỉnh vùng cao núi đá, địa hình chia cắt, độ dốc cao, hệ thống giao thông nông thôn còn nhiều yếu kém, bất cập, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân. Từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới (XDNTM), được sự đầu tư của Nhà nước, sự đồng thuận, ủng hộ và đóng góp của nhân dân, tỉnh Hà Giang đã tu sửa, làm mới được hàng ngàn km đường giao thông nông thôn, góp phần làm chuyển biến rõ nét hạ tầng nông thôn.

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn còn chưa đồng bộ; các công trình xây dựng nhỏ lẻ phục vụ cho các giải pháp trước mắt chưa mang tính hệ thống toàn diện, bền vững; công tác duy tu, bảo dưỡng chưa được các địa phương quan tâm làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình, tiềm ẩn nguy hiểm khi tham gia giao thông.

Tuyến đường nông thôn mới xã Trung Thành (Vị Xuyên) xuống cấp nghiêm trọng

Trong giai đoạn 2010 – 2019, thực hiện XDNTM, toàn tỉnh đã làm mới, cải tạo, sửa chữa được 3.579,5km đường giao thông nông thôn; trong đó, có 1.545,2km đường trục xã; 1.100,5 km đường thôn, bản; 807,1km đường làng, ngõ xóm và 126,7 km đường trục nội đồng. Kết quả đạt được đã góp phần làm chuyển biến rõ nét hạ tầng nông thôn, bảo đảm giao thương với các vùng lân cận, bộ mặt nông thôn được cải thiện, đời sống kinh tế - văn hóa, xã hội được nâng lên; an ninh – chính trị được ổn định...

Những kết quả trong triển khai XDNTM của tỉnh 10 năm qua khá toàn diện, đặc biệt là việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn. Tuy nhiên, cũng từ thực tiễn trong triển khai tiêu chí này còn bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc. Qua kiểm tra thực tế của các cơ quan chức năng, những công trình giao thông nông thôn trong XDNTM, ngoài những công trình được thi công đúng thiết kế, có chất lượng mang lại hiệu quả rõ rệt, thì vẫn còn những công trình kém chất lượng; Ban Chỉ đạo XDNTM cấp cơ sở chưa thực sự quan tâm đến công tác duy tu, bảo dưỡng sau thi công, làm rãnh thoát nước, ảnh hưởng đến chất lượng công trình cũng như tiềm ẩn nguy hiểm đối với người dân khi tham gia giao thông...

Đồng chí Lê Minh Đức, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết: Qua kiểm tra thực tế, việc triển khai thực hiện tiêu chí hạ tầng giao thông thì công tác quản lý, hướng dẫn, giám sát thực hiện tại cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, như: Việc áp dụng các thiết kế mẫu, thiết kế định hình đối với các công trình giao thông nông thôn còn máy móc, chưa linh hoạt theo tình hình thực tế để phát huy hiệu quả đầu tư; công tác quản lý, giám sát chưa thường xuyên, chặt chẽ, dẫn tới một số công trình thi công chưa đúng theo quy trình kỹ thuật, nhất là công tác chuẩn bị mặt bằng, san đắp nền đường; công tác trộn, đổ bê tông mặt đường, thi công hệ thống thoát nước, đắp lề và bảo dưỡng công trình hoàn thành khi đưa vào sử dụng chưa được quan tâm đúng mức trong bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên; chưa có quy chế quản lý vận hành cụ thể dẫn tới việc công trình bị hư hỏng, xuống cấp nhanh làm giảm tuổi thọ và tính năng sử dụng của công trình...

Để khắc phục những hạn chế trên, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác tập huấn, kiểm tra và quản lý chất lượng đường giao thông nông thôn, Sở GTVT đã xây dựng kế hoạch tập huấn công tác xây dựng đường giao thông nông thôn trong XDNTM cho cán bộ, công chức, viên chức của 10 huyện và các xã trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, tập trung phổ biến, hướng dẫn các quy trình kỹ thuật thực hiện, quản lý chất lượng công trình xây dựng đường giao thông nông thôn trong XDNTM theo thiết kế định hình của UBND tỉnh...

kieuanh

Nguồn: Báo Hà Giang

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)