Huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đột phá phát triển giao thông nông thôn

Thứ năm, 02/07/2020 08:20
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đến nay, 12/12 xã của huyện Trạm Tấu, Yên Bái có đường ô tô đến trung tâm xã đảm bảo đi lại được 4 mùa, 21/57 thôn, bản, tổ dân phố có đường kiên cố đến thôn.

Đến nay, huyện Trạm Tấu có 18 công trình cầu treo và
hàng chục cầu dân sinh đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân

Huyện Trạm Tấu hiện có trên 910km đường giao thông, gồm: 1 tuyến Tỉnh lộ 174 nối huyện Trạm Tấu với thị xã Nghĩa Lộ dài 17,4 km; 14 tuyến đường cấp huyện dài 129,7km; 41 tuyến đường xã, liên xã với 174,2km; còn lại 600km đường dân sinh; tổng số đường được kiên cố hóa 220 km đạt 24%.

Là huyện vùng cao, Trạm Tấu có địa hình phức tạp do đồi núi, khe suối cắt xẻ; các công trình giao thông do ảnh hưởng thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ nên nhiều hạng mục bị phá hủy, hư hỏng nghiêm trọng; nhân dân sống không tập trung, đời sống còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, xác định phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn (GTNT) là một mắt xích quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, 5 năm qua, bằng nhiều nguồn lực khác nhau được đầu tư, huyện Trạm Tấu không những đã quy hoạch về GTNT một cách bài bản, mà còn đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Ông Trần Văn Long - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Trạm Tấu cho biết: được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với huyện đặc biệt khó khăn thông qua các chương trình, dự án như: Chương trình 30a, Chương trình 135, chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), huyện đã tích cực, chủ động huy động các nguồn lực địa phương đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; trong đó, chú trọng xây dựng hệ thống GTNT. 

Nhờ vậy, từ năm 2015 đến nay, huyện đã triển khai đầu tư nâng cấp, kiên cố hóa 55 km đường bê tông, mở mới gần 52km đường đất; xây dựng mới 3 cầu bê tông, 2 công trình cầu treo, 9 công trình cầu dân sinh. Tổng vốn ngân sách Nhà nước đầu tư giai đoạn 2015 - 2020 là 246,841 triệu đồng; trong đó, nguồn vốn theo các chương trình, dự án là 216,461 triệu đồng; vốn hỗ trợ theo Đề án phát triển GTNT giai đoạn 2016 - 2020 là 30,380 triệu đồng, nhân dân đóng góp trên 25 tỷ đồng.

Để đạt được những kết quả trên, trong 5 năm qua, huyện Trạm Tấu đã triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua XDNTM, gắn với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh”, huy động sức đóng góp của nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cộng đồng dân cư, ý chí tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo, phát huy vai trò chủ thể của người dân tham gia xây dựng GTNT với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”; trong đó, nhân dân làm là chính. 

Cùng đó, huyện tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các xã thực hiện việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch XDNTM cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Việc lựa chọn dự án đầu tư được xem xét kỹ tính khả thi và hiệu quả dự án. Kịp thời hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện xây dựng hạ tầng giao thông, nhân rộng những cách làm hay, mô hình, điển hình tiên tiến trong XDNTM. 

Ông Lường Văn Tiếp - Chủ tịch UBND xã Hát Lừu cho biết: "Ngoài các chương trình, dự án về phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, xã đã tích cực thực hiện tốt Đề án Phát triển GTNT trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, chúng tôi đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia mở mới và kiên cố hóa các tuyến đường GTNT, đường nội đồng với tinh thần trách nhiệm cao, nên không những đảm bảo tiêu chí giao thông về NTM, mà còn góp phần để Hát Lừu đạt chuẩn NTM năm 2019”.

Nhờ phát huy hiệu quả các nguồn vốn, các chương trình, dự án, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là nhân dân, nên đến nay, hệ thống GTNT của huyện Trạm Tấu phát triển đồng bộ. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, toàn huyện đã triển khai đầu tư nâng cấp và kiên cố hóa 55 km đường bê tông, mở mới gần 52km đường đất; đặc biệt, 12/12 xã có đường ô tô đến trung tâm xã đảm bảo đi lại được 4 mùa, 21/57 thôn, bản, tổ dân phố có đường kiên cố đến thôn (vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện). 

Ông Nguyễn Văn Liễu - Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: hệ thống GTNT được đầu tư bài bản và đưa vào sử dụng không những đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, giao thương thuận lợi, thu hút du khách đến với huyện, mà còn làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng cao. Đồng thời, là tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống của đồng bào các dân tộc trong huyện.

kieuanh

Nguồn: Báo Yên Bái

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)