Bắc Giang: Phát triển giao thông nông thôn - Chủ trương đúng đắn, cơ chế sát thực

Thứ sáu, 14/05/2021 09:28
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn nhằm tăng cường năng lực vận tải, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân là chủ trương lớn của tỉnh. Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tiếp tục huy động mọi nguồn lực để thực hiện chủ trương này với những cơ chế hỗ trợ mới, sát thực và phù hợp với điều kiện hiện tại.

Hết năm 2020 toàn tỉnh có 11.011 km đường giao thông nông thôn, gồm: 2.699 km đường xã; 3.300 km đường trục thôn; 4.666 km đường ngõ xóm và 346 km đường nội đồng.

Giai đoạn 2016-2020, thực hiện chương trình phát triển giao thông nông thôn, toàn tỉnh đã làm mới được 2.021 km đường các loại. Qua đó, nâng tỷ lệ cứng hóa các tuyến đường giao thông nông thôn từ 28,2% năm 2015 lên 45% (tính đến hết năm 2020).

Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn của tỉnh vẫn còn thấp kém, nhu cầu cứng hóa các tuyến đường giao thông nông thôn tại các xã, thôn khu vực vùng sâu đặc biệt khó khăn là rất lớn và cấp thiết. Do vậy, bước sang giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục thúc đẩy chương trình cứng hóa đường giao thông nông thôn theo phương thức Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân cùng làm.

Người thôn Làng Thượng, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng cứng hóa đường trục thôn

Ông Dương Công Vĩ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh sẽ cứng hóa 1.750 km đường giao thông nông thôn (mỗi năm cứng hóa 350 km). Đây là nhiệm vụ rất nặng nề bởi hầu hết các tuyến đường giao thông nông thôn chưa được cứng hóa đều nằm ở các xã vùng sâu, vùng xa đòi hỏi nguồn lực lớn. Do đó, trong triển khai thực hiện, tỉnh chỉ đạo phải đổi mới phương thức hỗ trợ, tiếp tục đẩy mạnh huy động sức dân, áp dụng vật liệu mới, tăng cường áp dụng thiết kế mẫu, nhằm giảm giá thành mà vẫn đạt chất lượng.

Để hiện thực hóa chỉ đạo của tỉnh, trong Quý I /2021, Sở Giao thông vận tải đã tham mưu cho UBND tỉnh phê chuẩn đề án phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2021-2025, đưa cơ cấu nguồn vốn hỗ trợ vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 (mỗi năm tỉnh cân đối 60 tỷ đồng để hỗ trợ); hoàn thiện thiết kế mẫu; hướng dẫn lập dự toán và quyết toán các công trình đường giao thông nông thôn; đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền cấp xã trong việc tự chủ triển khai các công trình giao thông.

Đặc biệt, trong cơ chế hỗ trợ của tỉnh có điểm mới là ngoài hỗ trợ 100% xi măng, cát, đá xây dựng mặt đường bê tông, tỉnh còn hỗ trợ 70% chi phí thi công, người dân hiến đất và đối ứng 30% chi phí thi công còn lại; hỗ trợ 100% vật liệu, chi phí thuê máy đối với các tuyến đường được xây dựng bằng vật liệu láng nhựa, tro bay, tro xỉ, phụ gia để gia cố nền mặt đường. Đối với các huyện, cùng với hỗ trợ xi măng, còn hỗ trợ người dân về kỹ thuật, lập dự toán và thanh quyết toán khi xây dựng các tuyến đường trục thôn, ngõ xóm và nội đồng do Nhân dân tự làm.

Những cơ chế của tỉnh nhận được sự ủng hộ rất lớn từ người dân. Nhờ đó, phong trào cứng hóa đường giao thông nông thôn theo phương thức Nhà nước hỗ trợ Nhân dân cùng làm tiếp tục có sức lan tỏa mạnh mẽ trong thời gian qua.

Bà Vi Thị Dung, Trưởng thôn Lũng Cút, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng cho biết: Lũng Cút là thôn vùng 3 đặc biệt khó khăn của thị trấn Đồng Mỏ, hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ sinh hoạt, sản xuất còn nhiều hạn chế. Năm 2021 với cơ chế hỗ trợ mới của tỉnh về phát triển giao thông nông thôn, bà con rất phấn khởi đồng tình ủng hộ. Năm nay, thôn có kế hoạch làm mới 1 km đường trục thôn nội đồng, trong 4 tháng đầu năm, người dân trong thôn đóng góp được 40 triệu đồng, cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước, thôn đã cứng hóa được 500 m đường nội đồng, rộng 2 m dày 12 cm.

Không chỉ ở thôn Lũng Cút, mà phong trào làm đường giao thông nông thôn phát triển mạnh mẽ ở tất cả vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tính từ đầu năm 2021 đến giữa tháng 5/2021, toàn tỉnh đã cứng hóa được 156 km đường giao thông nông thôn, tương đương 44,8% kế hoạch năm (cùng kỳ 2020 toàn tỉnh làm được 98 km đường các loại). Nhân dân hiến gần 7.000 m2 đất để mở rộng nền đường, đóng góp gần 15 tỷ đồng tiền mặt mua vật liệu thuê máy và sử dụng hết 16.510 tấn xi măng do Nhà nước cấp.

Một số huyện nổi bật như: Chi Lăng làm được 29 km; Văn Lãng 20,02 km; Văn Quan 21,5 km và Lộc Bình 21,3 km. Các huyện còn lại đều cứng hóa được từ 9 km đến 13 km đường giao thông nông thôn.

Chủ trương đúng đắn, phù hợp với lòng dân đã tạo cú hích quan trọng để thúc đẩy phong trào làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương về đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống cho người dân khu vực nông thôn cả về vật chất và tinh thần.

kimcuc

Nguồn: Báo Lạng Sơn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)