Hệ thống giao thông đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội, chính vì vậy, tỉnh ta luôn quan tâm đầu tư phát triển giao thông nông thôn; tập trung mở các tuyến đường giao thông đến xã, đẩy mạnh chương trình hỗ trợ, huy động nguồn lực mở đường giao thông đến bản, tạo ra mạng lưới giao thông rộng khắp, nối liền các vùng miền...
Hệ thống giao thông đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội, chính vì vậy, Sơn La luôn quan tâm đầu tư phát triển giao thông nông thôn; tập trung mở các tuyến đường giao thông đến xã, đẩy mạnh chương trình hỗ trợ, huy động nguồn lực mở đường giao thông đến bản, tạo ra mạng lưới giao thông rộng khắp, nối liền các vùng miền... Có một điểm thuận lợi trong phát triển giao thông của tỉnh đó là: việc đầu tư xây dựng Nhà máy thuỷ điện Sơn La; các Chương trình dự án đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo... đã tạo cơ hội lớn cho tỉnh phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông nông thôn.
Việc phát triển GTNT đã bám sát vào các nhu cầu cấp thiết phục vụ phát triển sản xuất - dân sinh kinh tế của nhân dân; đặc biệt là những nơi chưa có đường giao thông, vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn. Mục tiêu là phát triển sản xuất cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giáo dục và chăm sóc sức khoẻ nhân dân; phục vụ an ninh quốc phòng vùng biên giới. Tỉnh đã ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình GTNT đến các xã, bản kết hợp với đường vào vùng sản suất; đến các xã, các bản đặc biệt khó khăn chưa có đường. Thông qua chương trình tái định cư thuỷ điện Sơn La, vốn trái phiếu Chính phủ, 1382, 135, 182, vốn của các Bộ ngành Trung ương hỗ trợ..., tranh thủ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để tiếp nhận các nguồn vốn đầu tư nước ngoài như vốn WB, ADB, JBIC... lồng ghép các chương trình, các nguồn vốn để làm đường GTNT. Năm 2009, công tác phát triển GTNT toàn tỉnh tiếp tục được đầu tư mạnh. Tập trung triển khai kế hoạch mở đường đến xã chưa có đường (các xã mới tách) và chương trình nhựa hoá đường đến 13 trung tâm cụm xã trọng điểm. Đã mở được 27,5Km đường đến các xã chưa có đường; nhựa hóa thêm được 1 trung tâm cụm xã Sốp Cộp ( Sốp Cộp), nâng tổng số trung tâm cụm xã được nhựa hoá lên thành 10 trung tâm.
Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển GTNT đến bản với mức 40 triệu đồng/km cùng với huy động sức dân, toàn tỉnh mở mới được 330,57Km, năm 2009, thêm 20 bản có đường ô tô, xe máy... các Dự án GTNT đã giải ngân trong năm 2009 đạt 440 tỷ đồng, trong đó: Nhà nước đầu tư 403 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 37 tỷ đồng. Tổng khối lượng toàn tỉnh đã mở mới 439km, nâng cấp gần 750 Km đường huyện, đường xã, đường TĐC; làm mới 14 cầu, 188 cống vĩnh cửu và 25cầu treo dân sinh. Tính đến hết năm 2009, mạng lưới đường giao thông toàn tỉnh lên tới 8.335km, gồm 603km quốc lộ, 667km tỉnh lộ, 6.554km đường huyện, xã (GTNT), 229km đường đô thị, 282km đường chuyên dùng, ngoài ra còn khoảng 4.500km đường dân sinh. Hiện nay toàn tỉnh chỉ còn 03 xã (mới tách) chưa thông đường ôtô đến trung tâm (Hua Nhàn, Háng Đồng huyện Bắc Yên; Tân Xuân, huyện Mộc Châu); 80/206 xã chưa có đường ôtô đi được 4 mùa; 53/3.165 bản chưa có đường ô tô, xe máy đến bản. Hệ thống GTNT từng bước phát huy hiệu quả, phục vụ phát triển sản xuất, dân sinh kinh tế và nhu cầu đi lại của nhân dân. Mục tiêu phát triển giao thông nông thôn năm 2010 là rất lớn: phấn đấu hoàn thành thông xe kỹ thuật đường ô tô đến trung tâm 3 xã còn lại; nhựa hoá trung tâm cụm xã trọng điểm Mường Lầm, Mường Chanh; nâng cấp hoàn thiện dần đường đến trung tâm các xã; phấn đấu hết năm 2010 có đường ôtô, xe máy đến 100% các bản, hết năm 2012 cơ bản đảm bảo thông xe được 4 mùa.v.v. Xây dựng tốt hệ thống GTNT đã góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, xoá đói giảm nghèo, củng cố quốc phòng an ninh, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển vững chắc.
BSL