Nhờ thực hiện tốt công tác vận động, nhiều cây cầu dân sinh trên địa bàn huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang) được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa, giúp người dân đi lại, giao thương hàng hóa thuận lợi, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội.
Người dân ấp Vinh Thuận, xã Ngọc Thuận, huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang) vui mừng khi cầu giao thông Thuận Duyên - Đồng Hương 137 bắc qua kênh Ba Nhi được khánh thành, đưa vào sử dụng.
Cầu có kết cấu bê tông cốt thép, dài 22m, ngang 3m, kinh phí xây dựng 358,4 triệu đồng. Để có được chiếc cầu kiên cố này, đoàn từ thiện Thuận Duyên tài trợ 100 triệu đồng, ngân sách huyện Giồng Riềng đối ứng 95 triệu đồng, còn lại do nhà hảo tâm trong và ngoài huyện đóng góp.
Ông Trần Văn Thuận (52 tuổi), ngụ ấp Vinh Thuận nói: “Hồi còn cây cầu ván cũ, cứ vài tháng tôi và người dân lại đem cây ra chắp nối một lần. Thế nhưng, cầu sửa mau hỏng. Có hôm mưa gió, học sinh chạy xe qua bị té xuống nước, quần áo, tập sách ướt hết nên đành nghỉ học, tôi phải bơi xuồng vớt xe dùm tụi nhỏ. Có cây cầu mới này, người dân ở đây mừng lắm, vì từ nay tụi nhỏ được đi lại an toàn. Việc đi lại giao thương của dân cũng thuận tiện hơn”.
Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, ai có của góp của, không có của thì góp sức, không phân biệt ít nhiều, xã Ngọc Thuận huy động được các tầng lớp nhân dân tham gia bằng những hành động, việc làm thiết thực.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Ngọc Thuận - Trần Minh Hùng cho biết: “Cầu Thuận Duyên - Đồng Hương 137 là cây cầu thứ 4 trên địa bàn xã Ngọc Thuận xây dựng từ đầu năm 2022 đến nay bằng nguồn vốn xã hội hóa. Việc đầu tư xây dựng hệ thống cầu giao thông nông thôn góp phần giúp xã hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2022”.
Cầu Thuận Duyên - Đồng Hương 137 bắc qua kênh Ba Nhi, xã Ngọc Thuận,
huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) trong ngày khánh thành
Những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh Kiên Giang, huyện Giồng Riềng đầu tư hệ thống giao thông dần hoàn thiện, cơ bản phục vụ tốt nhu cầu đi lại, trao đổi, giao lưu hàng hóa của nhân dân trong huyện và các vùng lân cận.
Tuy nhiên, do địa bàn huyện Giồng Riềng rộng, hệ thống kênh, rạch dày đặc nên suất đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách có hạn, nên nhiều mặt đường còn nhỏ, có đoạn chưa liền tuyến. Có tuyến đường đã đầu tư nhưng chưa có cầu, nhiều nơi người dân còn đi lại bằng phà không đảm bảo an toàn giao thông.
Để gỡ khó cho bài toán thiếu vốn đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, ngoài nguồn vốn ngân sách tỉnh phân bổ, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Giồng Riềng tranh thủ sự ủng hộ kinh phí từ các nhà hảo tâm.
Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Giồng Riềng vận động các nhà hảo tâm đầu tư 28 cây cầu, tổng chiều dài 648,2m, tổng kinh phí xây dựng 10,3 tỷ đồng; trong đó các nhà hảo tâm tài trợ 7,7 tỷ đồng, còn lại ngân sách huyện đối ứng. Hầu hết cầu có tải trọng từ 2,5 tấn trở lên, mặt cầu đảm bảo ô tô lưu thông.
Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng - Nguyễn Thái Đông cho biết: “Hàng năm, Ủy ban nhân dân huyện xác định danh mục công trình cần đầu tư, trong đó chia ra danh mục ngân sách đầu tư và danh mục cần kêu gọi nhà tài trợ. Trên cơ sở đó, lãnh đạo huyện tranh thủ các mối quan hệ để kêu gọi nhà hảo tâm, đồng thời, huyện thông qua Thường trực Ủy ban nhân dân huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy, Hội đồng nhân dân huyện xin ý kiến bố trí vốn từ 2-3 tỷ đồng/năm để đối ứng, mỗi công trình không quá 30% giá trị dự toán. Chủ trương này được các nhà tài trợ và người dân đồng thuận”.
Mỗi công trình xây dựng cầu giao thông nông thôn ở huyện Giồng Riềng đều có sự đóng góp ngày công lao động của người dân trên tuyến. Người dân tự giám sát chất lượng công trình, góp phần giảm đầu tư từ ngân sách nhà nước. Theo đồng chí Nguyễn Thái Đông, hiện có một số nhà tài trợ đăng ký hỗ trợ huyện xây dựng thêm cầu giao thông ở những địa bàn còn khó khăn.