Xác định được tầm quan trọng của hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT), trong năm 2022, các huyện, thành phố đã ưu tiên nguồn lực, đẩy mạnh vận động Nhân dân tham gia thực hiện cứng hoá các tuyến đường theo phương châm “Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân tự làm”. Nhờ đó, nhiều tuyến đường đã được cứng hoá giúp bộ mặt nông thôn thay da đổi thịt, ngày càng khởi sắc.
Bình Gia là huyện nghèo của tỉnh Lạng Sơn, địa hình rộng, dân cư sống không tập trung, nhu cầu cứng hoá các tuyến đường trục xã, liên xã, liên thôn rất lớn.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết: Ưu tiên nguồn lực để đầu tư các tuyến đường GTNT luôn được huyện quan tâm hàng đầu. Theo đó, hằng năm, huyện xây dựng kế hoạch, xác định danh mục công trình giao thông theo thứ tự ưu tiên để đầu tư các tuyến đường có tính kết nối liên xã, liên thôn. Song Song với đó, huyện cũng chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch đăng ký nhu cầu xi măng xây dựng các tuyến đường ngõ xóm và triển khai phân bổ xi măng kịp thời để Nhân dân thực hiện theo phương thức “Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân tự làm”. Nhờ việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, trong năm 2022, toàn huyện đã cứng hoá được gần 80 km đường, trong đó Nhân dân tự làm được 30 km; Nhà nước đầu tư các tuyến đường trục xã, liên thôn được 49,9 km. Nhân dân đóng góp được 2,5 tỷ đồng tiền mặt đối ứng làm đường, tăng 700 triệu đồng so với năm 2021. Đến nay, tổng số thôn có đường ô tô đến được trung tâm đạt 90/133 thôn (năm 2021 số thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn của huyện Bình Gia là 78/133 thôn).
Ảnh minh họa
Tìm hiểu thực tế tại xã Hồng Phong, huyện Bình Gia một ngày đầu năm 2023, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của hệ thống kết cấu hạ tầng GTNT nơi đây.
Theo số liệu thống kê, toàn xã có 4 tuyến đường trục xã với tổng chiều dài 23 km và các tuyến đường trục thôn ngõ xóm tại 6 thôn, bản với chiều dài gần 30 km. Tuy nhiên, đến hết năm 2021, các tuyến đường trục xã mới cứng hoá được 6/23 km và các tuyến đường trục thôn mới cứng hoá được khoảng 9/30 km. Bước sang năm 2022, xã đã xây dựng kế hoạch, báo cáo và đề nghị huyện hỗ trợ đầu tư các tuyến đường trục xã, liên xã để thúc đẩy phát triển sản xuất, cải thiện điều kiện đi lại của Nhân dân.
Trong năm 2022, xã đã được huyện ghi vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư 3 tuyến đường trục xã với tổng chiều dài 13 km. Bên cạnh đó, từ nguồn xi măng đề án GTNT, bà con tiếp tục cứng hoá được 2 km đường ngõ xóm theo phương thức “Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân tự làm”. Tổng giá trị thực hiện các công trình đạt gần 20 tỷ đồng, Nhân dân hiến hàng chục nghìn mét vuông đất để làm đường.
Một huyện khác có khối lượng thực hiện cứng hoá các tuyến đường GTNT năm 2022 đạt cao đó là huyện Bắc Sơn. Theo số liệu thống kê của UBND huyện, với giải pháp thực hiện lồng ghép các nguồn vốn tính đến hết năm 2022 toàn huyện đã cứng hoá được 50 km đường GTNT các loại tăng 26 km so với năm 2021. Trong đó, số km đường Nhân dân tự làm là 19 km và thực hiện theo đề án và các nguồn khác là 31 km; nâng tỷ lệ số thôn trên địa bàn huyện có đường ô tô đến trung tâm thôn từ 114/144 thôn năm 2021 lên 125/144 thôn đến hết năm 2022.
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải, tính đến hết năm 2022, trong số 11 huyện, thành phố thì có 8 huyện có khối lượng thực hiện cứng hoá các tuyến đường GTNT đạt và vượt kế hoạch đề ra, tổng chiều dài các tuyến đường GTNT được cứng hoá năm 2022 tăng 42 km so với năm 2021.
Ông Dương Công Vĩ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Khối lượng cứng hoá các tuyến đường GTNT năm 2022 tăng so với năm 2021 bởi các huyện đã ưu tiên hơn nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia lồng ghép với các nguồn vốn khác để cứng hoá các tuyến đường GTNT. Trong tổng số gần 446 km đường GTNT được cứng hoá năm 2022 thì có 370 km được thực hiện từ đề án phát triển GTNT của tỉnh và có 76 km đường được cứng hoá từ nguồn vốn lồng ghép thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đây là một nỗ lực rất lớn trong việc cứng hoá các tuyến đường giao thông trục xã, liên xã và trục thôn trên phạm vi toàn tỉnh trong năm 2022.
Kết quả đạt được đối với công tác phát triển GTNT năm 2022 là rất đáng ghi nhận. Các tuyến đường được cứng hoá đã tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn nhất là tại các xã vùng sâu khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ nâng cao đời sống Nhân dân và hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn tỉnh nhà.
Kết thúc năm 2022, toàn tỉnh cứng hoá được 446 km, vượt 42 km so với năm 2021: Có 8 huyện thực hiện đạt và vượt cao so với năm 2021 gồm: Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Tràng Định, Đình Lập, Cao Lộc, Lộc Bình và Văn Lãng. Tổng số tiền Nhân dân đóng góp làm đường được 28,8 tỷ đồng. Nhân dân hiến 20,03 ha đất làm đường. Nhà nước hỗ trợ 27 nghìn tấn xi măng và 2,1 km ống cống bê tông đúc sẵn các loại để Nhân dân làm đường.