Hậu Giang: Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn

Thứ năm, 12/01/2023 09:32
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cùng với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, hệ thống giao thông nông thôn trong tỉnh Hậu Giang ngày càng được đầu tư mở rộng phục vụ tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.

Phong trào xây dựng GTNT ngày càng phát triển ở các địa phương trong tỉnh.

Công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn trong Chiến dịch giao thông nông thôn - thủy lợi và bảo vệ môi trường năm 2022 đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư, góp phần từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông của tỉnh theo quy hoạch nông thôn mới, kết nối hạ tầng giao thông giữa các địa phương với nhau trong khu vực.

Chiến dịch giao thông nông thôn - thủy lợi và bảo vệ môi trường năm 2022 đã xây dựng được 112 tuyến đường với chiều dài 23,4km bảo đảm chất lượng và được xây dựng theo tiêu chí xã nông thôn mới với bề rộng mặt đường từ 3,5m trở lên. Phần cầu, xây dựng được 113 mét dài; bề rộng mặt cầu 3,5m trở lên; tải trọng 5 tấn. Về môi trường nông thôn, thông qua chiến dịch tuyên truyền nâng cao về nhận thức, ý thức của các tầng lớp nhân dân, cán bộ công viên chức thực hiện tốt phong trào ngày chủ nhật xanh tại cơ quan, đơn vị và khu dân cư. Tổ chức các đợt ra quân bảo vệ môi trường, dọn dẹp vệ sinh cơ quan, đơn vị, khu dân cư, không rác thải nhựa, không để tồn đọng rác thải. Khai thông hệ thống thoát nước; phát quang bụi rậm; dọn dẹp vật dụng trên hành lang vỉa hè, lòng đường; trồng cây xanh, hoa kiểng trên các tuyến đường giao thông trong các khu đô thị.

Ông Phạm Văn Mun, người dân xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, tâm đắc: “Chiến dịch giúp thay đổi lớn diện mạo nông thôn, các phong trào xây dựng kè mé sinh thái chống sạt lở mang lại nhiều lợi ích, vừa tạo mỹ quan, vừa bảo vệ lộ giao thông nông thôn. Từ lợi ích trên, vừa qua tôi đóng góp 2.500m lưới cước để góp phần cùng chính quyền địa phương xây dựng kè sinh thái. Với mong muốn mỗi người góp một chút sức, sẽ góp phần tạo nên thành công chung của chiến dịch”.

Ông Lê Thanh Việt, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh, cho biết: Sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền địa phương trong chỉ đạo và điều hành từ huyện đến cơ sở đã tạo được sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao, trở thành nguồn sức mạnh tổng hợp đi đến thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra. Từ chủ trương đúng, hợp lòng dân, đưa vào trọng tâm, trọng điểm, để tập trung chỉ đạo trong công tác phối hợp với đoàn thể, chính quyền và đặc biệt là tinh thần tự lực tự cường có kế hoạch triển khai thực hiện. Cần tiếp tục tuyên truyền phổ biến, nhân rộng các mô hình làm tốt phong trào xây dựng và phát triển giao thông nông thôn.

Theo Ban chỉ huy chiến dịch, bên cạnh những kết quả đạt được, chiến dịch năm 2022 còn tồn tại một số hạn chế như: Khối lượng và chất lượng các công trình trong Chiến dịch năm 2022 thực hiện đạt và vượt yêu cầu đề ra nhưng vấn đề an toàn giao thông, mỹ quan và cảnh quan môi trường ở một số tuyến đường giao thông nông thôn cần phải quan tâm hơn. Chiến dịch năm 2022 diễn ra trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19, đang trong đà khôi phục hậu quả dịch bệnh trên phạm vi diện rộng, giá cả vật tư, xăng dầu... thường xuyên biến động làm ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chỉ đạo điều hành từ tỉnh đến địa phương; ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ các dự án, công trình.

Trong thời gian tới, để phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông gắn với hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị các cấp, các ngành phải xác định đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn phải đi trước một bước trong xây dựng nông thôn mới, hiện đại hóa nông thôn. Chú trọng công tác quản lý bảo trì đường giao thông nông thôn. Nhanh chóng đưa vào danh mục cân đối, bố trí nhiều nguồn cho công tác duy tu, sửa chữa giao thông nông thôn. Khẩn trương tiến hành rà soát, nắm lại số lượng công trình cần phải đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa. Tiếp tục thực hiện hiệu quả phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, vận động các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên đề nghị: “Tiếp tục các bước chuẩn bị cho Chiến dịch giao thông nông thôn - thủy lợi và bảo vệ môi trường nông thôn năm 2023 trên cơ sở bám sát các mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới giai đoạn 2020-2025. Nâng cấp, sửa chữa các công trình giao thông nông thôn đã xuống cấp, hư hỏng để bảo đảm lưu thông trong mùa mưa lũ; khai thông, nạo vét các tuyến kênh bị bồi lắng để bảo đảm phục vụ tưới tiêu. Với những chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tôi tin rằng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn chắc chắn sẽ tiếp tục có những phát triển vượt bậc, góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao theo kế hoạch của tỉnh đề ra”.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy chiến dịch, từ năm 2004 đến nay, toàn tỉnh Hậu Giang đã xây dựng trên 7.600km đường giao thông nông thôn. Trong đó, phần đường làm mới trên 4.800km, chiếm 63,9%. Nâng cấp, mở rộng 539km đường giao thông nông thôn, chiếm 7,1%. Duy tu, sửa chữa trên 2.200km, chiếm 29%. Phần cầu xây mới trên 3.700 cây; nâng cấp, mở rộng 239 cây, phần lớn là xây dựng mặt cầu có bề rộng trung bình từ 3,0m trở lên. Tổng kinh phí xây dựng phần giao thông trên 5.679 tỉ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước chiếm 63,54%; vốn huy động và sự đóng góp từ nhân dân chiếm 36,46%.

toanld

Nguồn: Báo Hậu Giang

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)