Trong những năm qua, bê tông hoá giao thông nông thôn đã trở thành một phong trào mạnh mẽ ở các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, sự đồng thuận của nhân dân là một trong những yếu tố quan trọng để làm nên hiệu quả đó. Hai năm liền (2008-2009) được nhận Cờ thi đua của Bộ Giao thông-Vận tải dành cho đơn vị dẫn đầu phong trào phát triển GTNT, kết quả ấy ở Lộc Bình là một minh chứng cụ thể cho thành công của việc khơi dậy và phát huy sức mạnh toàn dân tham gia xây dựng hạ tầng nông thôn-miền núi.
Trong những năm qua, bê tông hoá giao thông nông thôn (GTNT) đã trở thành một phong trào mạnh mẽ ở các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, sự đồng thuận của nhân dân là một trong những yếu tố quan trọng để làm nên hiệu quả đó. Hai năm liền (2008-2009) được nhận Cờ thi đua của Bộ Giao thông-Vận tải dành cho đơn vị dẫn đầu phong trào phát triển GTNT, kết quả ấy ở Lộc Bình là một minh chứng cụ thể cho thành công của việc khơi dậy và phát huy sức mạnh toàn dân tham gia xây dựng hạ tầng nông thôn-miền núi.
Năm 2010, huyện Lộc Bình được tỉnh Lạng Sơn phân bổ 1.500 tấn xi măng để làm đường GTNT, nhưng ngay từ trong quý I, toàn bộ số xi măng này đã được sử dụng hết. Chưa bao giờ, kế hoạch làm đường GTNT ở Lộc Bình lại hoàn thành sớm đến vậy. Chia sẻ niềm vui “về đích sớm”, ông Nguyễn La Thông-Chủ tịch UBND huyện cho hay: Vừa rồi, huyện đã xin bổ sung thêm 500 tấn xi măng để đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Trước đây, khi chưa hình thành phong trào, để làm được một quãng đường bê tông dù ngắn, nhiều thôn, bản phải vất vả tuyên truyền, vận động bà con. Nhưng nay, tham gia phát triển GTNT đã trở thành cái nếp trong dân, xi măng phân bổ tới đâu là được sử dụng hết tới đó. Giao thông là huyết mạch, là cánh tay nối dài để phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống cho đồng bào miền núi và góp phần xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên với một huyện biên giới còn nghèo, địa hình đồi núi, dân cư phân bố không đều như Lộc Bình thì để làm được điều này quả không đơn giản. Làm thế nào “biến” nguồn xi măng được hỗ trợ thành những con đường làng, ngõ xóm khang trang, giúp người dân đi lại thuận tiện, câu trả lời là phải huy động sức dân theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhận thức rõ điều đó nên ngay từ thời điểm những năm 2001, 2002, khi bắt đầu triển khai làm đường bê tông thôn, bản, Lộc Bình đã chủ động dựa vào dân, khơi dậy mọi nguồn lực vốn có trong dân và cơ sở để phát triển hạ tầng nông thôn.
Xã Đồng Bục khi ấy được lựa chọn làm “điểm” để khơi dậy phong trào và hai thôn Lăng Xè, Khòn Quắc của Đồng Bục trở thành những thôn đi đầu trong phát triển GTNT. Cùng với nguồn xi măng Nhà nước hỗ trợ, xã đã vận động bà con nhân dân cùng nhau khai thác nguồn vật liệu sẵn có (cát, sỏi) và đóng góp ngày công để làm nên những mét đường bê tông thôn, bản đầu tiên. Qua gần 10 năm triển khai, đến nay, 12/12 thôn, bản của Đồng Bục đã hoàn thành bê tông hoá đường trục chính, toàn xã có gần 12.100m đường được đổ bê tông, chiếm 70% tổng chiều dài đường thôn, bản. Ông Trần Văn Xạ, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Kinh nghiệm phát triển GTNT ở Đồng Bục là tuyên truyền tốt để khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư; phát huy dân chủ, người dân trực tiếp bàn bạc, xây dựng kế hoạch làm đường, trực tiếp bỏ công sức thi công. Công trình sau khi được hoàn thành thì giao cho thôn, nhóm hộ tự quản để mỗi gia đình, mỗi người dân cùng có ý thức quản lý, tu sửa. Từ mô hình đầu tiên ở Đồng Bục, phong trào làm đường bê tông dần lan rộng ra các xã, thị trấn trong huyện, trước hết là các xã, thị trấn dọc Quốc lộ 4B, rồi ngay cả những xã vùng sâu, vùng xa, khó khăn như Ái Quốc, nguồn xi măng mà Nhà nước phân bổ cũng đã được sử dụng hiệu quả để làm ngầm qua suối, giúp nhân dân đi lại thuận tiện. Anh Đinh Văn Lực, Trưởng Phòng Công thương huyện cho biết: Với sự ủng hộ, tham gia tích cực của bà con nhân dân, việc phát triển GTNT đã tạo ra phong trào thi đua giữa các xã, thị trấn và giữa các thôn, bản với nhau. Kết quả là sự hỗ trợ của Nhà nước được sử dụng hữu hiệu và thiết thực, góp phần đắc lực vào xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn-miền núi. Chỉ tính từ đầu năm 2010 đến nay, Lộc Bình đã bê tông hoá được thêm gần 16km đường thôn bản, đưa tổng chiều dài đường giao thông được bê tông hoá lên hơn 117km (bằng 22,14% so với tổng 530km đường giao thông thôn, bản của toàn huyện).
Ở Lộc Bình giờ đây, những con đường đất lấm lem đã và đang dần được thay thế bởi những con đường bê tông khang trang, sạch sẽ. Từ phong trào phát triển GTNT - miền núi, huyết mạch giao thông đã và đang lan tỏa khắp các vùng quê, làm thay đổi diện mạo nông thôn và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng cấp uỷ, chính quyền và nhân dân Lộc Bình hiểu rằng một khi ý Đảng hoà với lòng dân, sức mạnh tổng hợp được phát huy thì phong trào phát triển GTNT nói riêng và hạ tầng nông thôn nói chung sẽ mang lại những cơ hội phát triển và lợi ích to lớn cho địa phương, cho đồng bào các dân tộc.
Báo Lạng Sơn