Thông tin báo chí về Tổng kết công tác năm 2020, giai đoạn 2016-2020 và triển khai kế hoạch năm 2021, giải pháp chủ yếu giai đoạn 2021-2025

Thứ tư, 23/12/2020 22:13
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

THÔNG TIN BÁO CHÍ

TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2020, GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 VÀ

TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH NĂM 2021, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

 

A. KẾT QUẢ CÔNG TÁC NĂM 2020, GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2021, Bộ GTVT đã bám sát các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp nhằm đạt được những mục tiêu đề ra như sau:

1. Về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án: Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 02 dự án Luật, cho ý kiến 01 dự án Luật; đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 44 Nghị định, 11 Quyết định, phê duyệt 15 đề án trong tổng số 22 đề án đã trình; Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành 232 thông tư, phê duyệt 29 đề án. Bộ đang triển khai lập 05 quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng kế hoạch vào Quý II năm 2021.

Năm 2020, Chính phủ đã ban hành 04 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 01 Quyết định, phê duyệt 05 đề án; Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành 29 Thông tư, 02 Đề án.

2. Về công tác cải cách hành chính: Bám sát vào Nghị quyết của Đảng, các Nghị quyết, kế hoạch, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác cải cách hành chính hàng năm và giai đoạn 2011-2020, Bộ GTVT đã tập trung hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm như cải cách thể chế; xây dựng, tinh gọn bộ máy hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công.

Đã kiện toàn, tinh giảm 130 đầu mối trong tổng số 1.118 tổ chức; phê duyệt phương án cắt giảm 35 TTHC, đơn giản hóa 166 TTHC, cắt giảm 384 điều kiện trên tổng số 570 điều kiện kinh doanh (đạt tỷ lệ 67,36%). Đã có 254 thủ tục được cung cấp ở mức độ 3, 4; hoàn thành 5/5 chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao về cung cấp dịch vụ công và tích hợp 114 TTHC trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

3. Công tác đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Bộ GTVT đã triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa mọi nguồn lực để tạo ra đột phá trong phát triển KCHTGT; đồng thời kiện toàn công tác quản lý đầu tư xây dựng. Nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại đã và đang từng bước được đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, tạo lập được sự kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế.

Năm 2020, đã kịp thời hoàn thành đưa vào khai thác 21 công trình, dự án; triển khai thi công 19 công trình dự án mới.

4. Công tác quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông: đã có những chuyển biến tích cực, hiệu quả quản lý nhà nước được tăng cường, chất lượng quản lý bảo trì, khai thác KCHTGT từng bước được nâng cao. Chất lượng, tiến độ công tác sửa chữa được cải thiện rõ rệt; nguồn vốn bố trí cho công tác quản lý bảo trì hiện nay ổn định và được tăng đáng kể (trung bình hàng năm tăng khoảng 3-8%), đã góp phần giảm nhẹ thiên tai, nâng cao đời sống nhân dân, xoá đói, giảm nghèo, giảm các tiêu chí về tai nạn giao thông.

5. Về công tác quản lý vận tải và dịch vụ vận tải

Vận tải đường bộ có sự cải thiện vượt bậc, chất lượng dịch vụ được nâng cao. Vận tải đường sắt từng bước được nâng cao theo hướng hiện đại, đảm nhận vận tải hàng hóa khối lượng lớn; vận tải biển đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế, chất lượng dịch vụ cảng biển được cải thiện rõ rệt; vận tải thủy nội địa đã tăng về thị phần sau khi đã tháo gỡ về các điểm nghẽn về hạ tầng, đưa vào khai thác các tuyến vận tải sông - biển; vận tải hàng không đã có những bước phát triển đột phá về cả quy mô và chất lượng dịch vụ, phát triển liên tục với tốc độ tăng trưởng đạt 15%/năm về hành khách và 12%/năm về hàng hóa (đến năm 2020 có 75 hãng hàng không nước ngoài và 05 hãng hàng không Việt Nam), đáp ứng kịp thời sự bùng nổ của nhu cầu vận tải hàng không trong giai đoạn vừa qua, tạo nên sự phát triển mạnh mẽ về chất lượng dịch vụ,... Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, sản lượng vận tải giảm sâu so với cùng kỳ các năm trước, nhất là lĩnh vực hàng không, đường sắt.

Sản lượng vận tải giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt 7.559,621 triệu tấn hàng; đạt 20.617,8 triệu lượt hành khách; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 1.431,356 triệu Tấn.km; luân chuyển hành khách ước đạt 988,981 triệu HK.km.

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, sản lượng vận tải giảm sâu so với cùng kỳ các năm trước, nhất là lĩnh vực hàng không. Tính đến hết tháng 11 tháng năm 2020, sản lượng vận tải giảm 29,7%; khối lượng luân chuyển hàng hóa giảm 7,9% và giảm 35,1% về luân chuyển hành khách so với cùng kỳ năm 2019.

6. Công tác đảm bảo trật tự ATGT, giảm ùn tắc giao thông; phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ ban hành một số văn bản có tác động tích cực đến xã hội như Nghị định số 100/2019/NĐ-CP; Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, hiệu quả trong quản lý kinh doanh vận tải, giảm tai nạn giao thông.

Từ năm 2016 trở lại đây, tai nạn giao thông giảm liên tiếp trong 5 năm liền trên cả 3 tiêu chí. So với giai đoạn 2011-2015, số vụ tại nạn giao thông giảm 42,7%, số người chết giảm 19%, số người giảm 53,91%.

11 tháng năm 2020, số vụ TNGT giảm giảm 18,26%, số người chết giảm giảm 13,3%, số người bị thương giảm 20,52% so với 11 tháng năm 2019.

Trong giai đoạn vừa qua, công tác giảm ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đô thị lớn và trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều giải pháp đồng bộ. Đến nay, hầu như không xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút tại hai thành phố lớn.

Công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn luôn được Bộ chủ động từ công tác xây dựng kế hoạch, bảo đảm đầy đủ các nguồn lực, triển khai kịp thời công tác ứng phó, đã hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản; đồng thời bảo đảm giao thông thông suốt trong tất cả các lĩnh vực GTVT.

7. Công tác khoa học công nghệ và môi trường: Từ năm 2016 đến nay, đã công bố, ban hành hơn 200 Quy chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn cơ sở, hàng trăm định mức kinh tế - kỹ thuật; đã ứng dụng được nhiều kết quả nghiên cứu vào công tác quản lý và hoạt động sản xuất trong các lĩnh vực, đem lại hiệu quả kinh tế - kỹ thuật - môi trường. Đồng thời, Bộ cũng tăng cường kiểm tra việc tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường đối với 133 dự án/công trình trong giai đoạn thi công; xử lý dứt điểm 08 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; xúc tiến hợp tác với các đối tác quốc tế triển khai 09 dự án…Công tác kiểm tra, thử nghiệm thỏa mãn tiêu chuẩn khí thải, công tác kiểm soát khí thải, nguồn thải của phương tiện được thực hiện đồng bộ trên toàn quốc đã làm giảm lượng phát thải các chất độc hại vào môi trường.

8. Tăng cường hợp tác với các nước, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế: Trong giai đoạn 2016 – 2020, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ ký, gia nhập 16 điều ước quốc tế song phương, đa phương, 03 thỏa thuận quốc tế cấp Chính phủ, 21 thỏa thuận quốc tế cấp Bộ về hợp tác, hội nhập các lĩnh vực GTVT. Ngay cả khi dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, ngành GTVT với tinh thần“đi trước mở đường” vẫn khắc phục khó khăn, đảm bảo việc vận chuyển trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm, hàng hóa giữa Việt Nam với các nước đồng thời góp phần tích cực vào công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài.

9. Công tác tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Bộ đã hoàn thành phê duyệt phương án tái cơ cấu 04 doanh nghiệp; trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tái cơ cấu 02 doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ GTVT đã thực hiện chuyển giao 05 Tổng công ty về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và hiện nay, Bộ đang tích cực phối hợp với Ủy ban thực hiện công tác tái cơ cấu các Tổng công ty theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, giai đoạn vừa qua vẫn còn có những khó khăn, tồn tại, hạn chế cần tiếp tục khắc phục như:

Hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, quản lý vận tải chưa đồng bộ, đầy đủ, chưa kịp thời ở một số lĩnh vực nên chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của thực tiễn. Hệ thống hạ tầng GTVT vẫn còn thiếu đồng bộ, tính kết nối. Chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt, đường thủy nội địa còn thấp. Thị phần vận tải chưa hợp lý, số lượng doanh nghiệp vận tải, dịch vụ logistics có đủ năng lực dẫn dắt thị trường và cạnh tranh quốc tế còn ít. Đầu tư cho khoa học công nghệ trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao vẫn còn hạn chế. Các quy định về bảo vệ môi trường còn nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát còn chồng chéo, chưa có cơ chế giám sát đồng bộ ngay từ những khâu đầu để tăng cường tính phòng ngừa, cảnh báo, ngăn chặn kịp thời.

Chưa có sự thống nhất chung trong quản lý nhà nước về quy hoạch. Tính đồng bộ trong triển khai quy hoạch giữa các ngành, lĩnh vực, giữa quy hoạch chuyên ngành với quy hoạch ngành chưa cao. Cân đối vốn thực hiện quy hoạch gặp nhiều khó khăn, không đáp ứng nhu cầu. Việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư phát triển KCHTGT còn khó khăn.

Tại một số công trình, dự án trọng điểm đang triển khai vẫn còn khó khăn như vốn đầu tư không đáp ứng yêu cầu, cơ chế giải ngân phức tạp, công tác lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu còn nhiều vướng mắc, các quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng nói chung còn nhiều bất cập, chưa có nhiều cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án trọng điểm hoặc dự án cấp bách. Công tác GPMB vẫn luôn khó khăn, phức tạp, làm kéo dài tiến độ thi công các công trình, phát sinh chi phí đầu tư, chậm đưa vào khai thác sử dụng, làm giảm hiệu quả đầu tư.

Vốn dành cho công tác duy tu, sửa chữa định kỳ còn thiếu so với nhu cầu; công tác bảo trì lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa còn khó khăn do quy định về đổ thải, có năm không giải ngân hết được số vốn đã bố trí.

Một số mục tiêu đặt ra trong nghị quyết, chiến lược, quy hoạch phát triển ngành GTVT đến năm 2020 chưa đạt, một số chỉ tiêu thực hiện còn chậm so với mục tiêu tại Nghị quyết 13-NQ/TƯ và quy hoạch đường bộ cao tốc.

Năm 2020, sản lượng, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải giảm sút trầm trọng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhất là đối với lĩnh vực đường sắt và hàng không.

Giai đoạn 2016 - 2020, số người chết vì TNGT đã giảm hơn 9.372 người so với giai đoạn 2011 - 2015 (giảm 19%), nhưng còn xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Vi phạm trật tự ATGT vẫn còn diễn ra khá phổ biến, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng TNGT trong khi phương tiện tham gia giao thông tiếp tục tăng, cơ sở hạ tầng giao thông tuy được cải thiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Tình hình ùn tắc giao thông ở thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chưa giải quyết được triệt để đang là vấn đề bức xúc của xã hội.

Nguồn lực đầu tư xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế. Chưa hoàn thành xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

            B. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH NĂM 2021, GIAI ĐOẠN 2021 – 2025

I. CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU NĂM 2021

1. Vận tải: Dự kiến năm 2021, hoạt động vận tải ổn định, dần phục hồi trong điều kiện dịch Covid 19 được kiểm soát tốt, vận chuyển hành khách tăng từ 5 đến 6%, vận tải hàng hóa tăng đến 10%, hàng thông qua cảng biển tăng 7 - 8% so với năm 2020.

2. Kế hoạch đầu tư phát triển: Hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2021 với số vốn dự kiến giải ngân là 46.005 tỷ đồng.

3. Thực hiện năm ATGT 2021 với chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự ATGT”, kéo giảm TNGT từ 5-10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2020; kéo giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

II. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN NĂM 2021

1. Tập trung hoàn thiện dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chiến lược GTVT toàn ngành, các quy hoạch ngành GTVT (thực hiện theo Luật Quy hoạch), bảo đảm chất lượng, thời hạn trình các văn bản QPPL, đề án theo đúng Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ GTVT.

2. Thực hiện có hiệu quả kế hoạch cải cách hành chính năm 2021.

3. Công tác quản lý đầu tư xây dựng, khai thác KCHTGT

Tập trung thúc đẩy tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng.. Đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng, tiến độ thực hiện các dự án đối với các chủ thể có liên quan.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về xã hội hóa công tác bảo trì KCHTGT. Tiếp tục xử lý các tồn tại, bất cập tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ. Triển khai nhanh, đồng bộ và hiệu quả hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng. Tập trung ưu tiên sửa chữa bảo trì trên các tuyến đường trọng yếu như QL.1, đường Hồ Chí Minh và các quốc lộ khác có lưu lượng xe tăng trưởng cao.

4. Công tác quản lý vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải: Tiếp tục triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục tái cơ cấu thị phần vận tải. Đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

5. Công tác bảo đảm TTATGT, giảm ùn tắc giao thông, PCTT&TKCN: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, nhất là siết chặt quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện nhằm kiềm chế, giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% so với năm 2020 ở cả 3 tiêu chí; khắc phục ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm và các đô thị trực thuộc trung ương. Chủ động xây dựng kế hoạch và kịp thời triển khai ứng phó với bão, lũ và nhanh chóng bảo đảm giao thông, khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra.

6. Bám sát chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương có liên quan để thực hiện có hiệu quả công tác sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp nhà nước.

7. Tiếp tục củng cố, tăng cường kết nối GTVT với các nước láng giềng, có quan hệ truyền thống; tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng GTVT với các đối tác quan trọng, với các tổ chức tài chính quốc tế.

8. Đẩy mạnh tự động hóa trong quy trình đăng kiểm phương tiện giao thông, triển khai áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, các công nghệ mới, vật liệu mới trong công tác xây dựng, bảo trì, khai thác, vận hành các công trình giao thông. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình, Kế hoạch hành động của Bộ về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường giai đoạn 2021 – 2025.

9. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực công tác.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂNVÀ CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

1. Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách phát triển

2. Thực hiện hiệu quả kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm về cải cách hành chính

3. Tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đột phá về đầu tư, xây dựng phát triển hệ thống hạ tầng giao thông

4. Đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành vận tải, kết nối các phương thức vận tải

5. Siết chặt công tác bảo đảm TTATGT, thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm ùn tắc giao thông.

6. Chủ động, thực hiện hiệu quả công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực GTVT./.

 

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2020

 

 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)