Thông tin báo chí về Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 của Ngành GTVT

Thứ sáu, 13/01/2023 13:50
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

                                                      Hà Nội, ngày   13 tháng 01 năm 2023

THÔNG TIN BÁO CHÍ 

 TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2022 VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH NĂM 2023

 CỦA NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI

I. TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2022

Được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, địa phương; sự đồng thuận, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân; ngành GTVT đã nỗ lực khắc phục khó khăn để cơ bản hoàn thành nhiệm vụ trên tất cả các mặt công tác, Bộ GTVT xin được nhấn mạnh một số kết quả đạt được nổi bật các lĩnh vực như sau:

1. Về công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản QPPL

Ngay từ đầu năm, nhằm quán triệt chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong đó có nhiệm vụ trọng tâm tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, tạo môi trường bình đẳng, lành mạnh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, Bộ GTVT đã hoàn thành, trình Chính phủ ban hành 8/8 Nghị định, ban hành 49 Thông tư theo thẩm quyền, đạt 100% kế hoạch.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã thực hiện tổng kết các Luật chuyên ngành theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra. Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Quyết định về kế hoạch tổng kết, xây dựng Luật Đường sắt Việt Nam (sửa đổi, bổ sung), Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi) và đang được các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai. Thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo chỉ đạo của Chính phủ, đến nay Bộ GTVT đã hoàn thành trình Chính phủ 02 Nghị định, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành 04 Thông tư, đạt 100% yêu cầu. 

2. Về công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch 

 Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã đề ra theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các văn kiện của Đại hội, Bộ GTVT đã hoàn thành 5/5 quy hoạch ngành quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 04/05 quy hoạch (các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa, quy hoạch về lĩnh vực hàng không đã được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua, đang hoàn chỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt), là một trong những bộ hoàn thành công tác lập quy hoạch sớm nhất.

3Về hoạt động vận tải và đảm bảo trật tự, ATGT

Hoạt động vận tải đã phục hồi trên cả 5 lĩnh vực. Sản lượng các loại hình vận tải đều tăng trưởng ấn tượng. Đến hết 31/12/2022, so với cùng kỳ, khối lượng hàng hóa tăng 23,7%; luân chuyển hàng hóa tăng 29,4%[1], khối lượng vận chuyển hành khách tăng 52,8%; luân chuyển hành khách tăng 78,3% so với cùng kỳ[2]. Đáng chú ý là vận tải hành khách ngành hàng không và đường sắt tăng trưởng 3 con số. Vận tải đường sắt bắt đầu có lãi sau 2 năm liên tục thua lỗ do ảnh hưởng của đại dịch. Theo đánh giá của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam đứng vị trí số 1 trong 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới; theo Tạp chí Lloyd’s List của Anh, Việt Nam có 3 cảng nằm trong top 50 cảng container có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới gồm: Cảng TP. Hồ Chí Minh (đứng thứ 22), Cảng Hải Phòng (đứng thứ 28), Cảng Cái Mép (đứng thứ 32). 

 Công tác bảo đảm TTATGT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia quan tâm chỉ đạo thường xuyên, liên tục. Trong năm qua, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật TTATGT; xây dựng, ban hành nhiều văn bản, công điện, kế hoạch để thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về bảo đảm TTATGT. Trên cả nước tai nạn giao thông (TNGT) năm 2022 xảy ra 11.457 vụ, làm chết 6.397 người, bị thương 7.804 người. So với năm 2019, số vụ TNGT giảm 6.216 vụ (-35,2%), giảm 1.246 người chết (-16,3%), giảm 5.841 người bị thương (-42,81%). So với năm 2021, giảm 38 vụ (-0,33%), tăng 598 người chết (10,31%), giảm 214 người bị thương (-2,67%).

 4. Công tác đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực lớn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên các dự án quan trọng có tính chất động lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội, với mục tiêu đến năm 2025 cả nước ta sẽ có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc và cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau, hoàn thành giai đoạn 1 Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, chuẩn bị đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và triển khai một số dự án nâng cấp, đầu tư mới các cảng hàng không, cảng biển, luồng hàng hải - đường thủy nội địa quan trọng khác.

Việc triển khai đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được đặc biệt chú trọng với tư duy mới, cách làm mới đảm bảo cả 3 mục tiêu “chất lượng, tiến độ, hiệu quả”. Chỉ riêng năm 2022, Chính phủ đã trình và được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia, trong đó chỉ riêng Kỳ họp lần thứ III, đã thông qua 5 dự án. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để hoàn thành và đưa vào khai thác đảm bảo chất lượng 22 dự án; trong đó có nhiều dự án quan trọng như đường cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn, đường cất hạ cánh tại 2 Cảng Hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, 02 dự án đường sắt trên tuyến ĐS Hà Nội - TP. HCM, thông xe tuyến chính 3 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Hoàn thiện toàn bộ thủ tục theo đúng quy định pháp luật để khởi công 18 dự án động lực như nhà ga T3 CHK Quốc tế Tân Sơn Nhất, cầu Rạch Miễu 2 và đặc biệt lần đầu tiên ngành GTVT tổ chức khởi công đồng loạt theo hình thức trực tuyến dự án đường bộ cao tốc Bắc -Nam phía Đông với 12 dự án thành phần. Đáng chú ý là, tính từ thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư đến thời điểm khởi công chỉ chưa đầy 1 năm, rút ngắn hơn một nửa thời gian chuẩn bị so với trước đây. Công tác điều hành kế hoạch vốn kịp thời, linh hoạt. Tỷ lệ giải ngân tiếp tục duy trì trong nhóm đầu của các bộ ngành. Tính đến 31/12/2022, Bộ GTVT giải ngân lên đến 47.905 tỷ, khoảng 87% kế hoạch bao gồm cả phần vốn chỉ mới được giao bổ sung vào tháng 10/2022 so với bình quân cả nước khoảng hơn 75%; dự kiến hết năm tài chính, sẽ giải ngân được 95,7% tổng kế hoạch được giao. 

5. Về công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT); phòng, chống lụt bão

Năm 2022, Bộ GTVT tiếp tục ưu tiên dành nguồn lực cho công tác bảo trì và triển khai các giải pháp siết chặt hoạt động bảo trì nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của hệ thống KCHTGT. Bên cạnh việc theo dõi, chỉ đạo, phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch bảo trì, Bộ GTVT thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, kịp thời phát hiện, xử lý ngay vi phạm trong thực hiện công tác bảo trì đối với 160 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài khoảng 25.173km; 3.315km đường sắt quốc gia; 7.071 km luồng đường thủy nội địa quốc gia; 34 cảng biển với tổng số bến cảng được công bố là 296 bến cảng với khoảng 96,7km chiều dài cầu cảng, 45 luồng hàng hải công cộng với tổng chiều dài là 1.091 km và 34 luồng hàng hải chuyên dùng; 22 cảng hàng không, sân bay mà Bộ GTVT đang quản lý. 

Về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong năm 2022, Bộ GTVT đã ban hành 08 Quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai và 23 Công điện để chỉ đạo ứng phó với 07 cơn bão và một số đợt mưa lớn ở miền Trung. Kết quả từ đầu năm đến nay, mặc dù nước ta đã hứng chịu nhiều cơn bão gây ảnh hưởng rất lớn đến KCHTGT, nhất là đường bộ, đường sắt nhưng tình hình giao thông cơ bản được bảo đảm thông suốt, kịp thời, an toàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội; trong năm 2022, các Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải đã tham gia cứu và hỗ trợ được cho 973 người cùng 39 phương tiện, trong đó có 336 người nước ngoài.

6. Về công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nâng cao hiệu quả của cơ quan hành chính nhà nước, cải thiện chất lượng chất lượng cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ GTVT chỉ đạo quyết liệt. Đến nay, các cơ quan thuộc Bộ đã hoàn thành 22 chỉ tiêu/nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về xây dựng Chính phủ điện tử; duy trì cung cấp 291 dịch vụ công trực tuyến; tiếp nhận và xử lý 300 nghìn hồ sơ (tăng 15% so với năm 2021); cơ bản hình thành 4 bộ cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung. Triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, Bộ GTVT đã hoàn thành 10/10 nhiệm vụ chung và 02 nhiệm vụ cụ thể (kết nối cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe và cơ sở dữ liệu đăng kiểmphương tiện ô tô với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư); triển khai mở rộng dịch vụ công mức độ 4 “đổi giấy phép lái xe do ngành GTVT cấp” trên phạm vi toàn quốc từ ngày 14/11/2022. 

7. Về công tác tổ chức, cán bộ; cải cách hành chính

Năm 2022, Bộ GTVT tập trung rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy với mục tiêu tinh gọn, giảm các cơ quan trung gian, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động theo chủ trương của Trung ương và các Nghị định của Chính phủ về tiêu chí thành lập tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Kết quả đã giảm 01 đầu mối cấp Tổng cục, 04 đầu mối cấp Vụ, 01 đầu mối cấp Cục, 04 đầu mối cấp chi cục, 02 trung tâm và không còn Phòng trong Vụ.

Công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tiếp tục được đẩy nhanh và quyết liệt hơn. Bên cạnh việc xây dựng, ban hành kế hoạch, chỉ đạo thường xuyên, kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị, Bộ GTVT tập trung nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong quá trình tổ chức thực hiện. Bộ đã hoàn thành chấm điểm Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 và được đánh giá, xếp thứ 10/17 bộ, ngành tăng 01 bậc so với năm 2020.

8. Công tác khoa học công nghệ, môi trường, hợp tác quốc tế

Năm 2022, Bộ GTVT tập trung hoàn thiện công tác chuyển đổi tất cả các các tiêu chuẩn ngành, quy định kỹ thuật thành TCVN, đồng thời đẩy mạnh triển khai rà soát, điều chỉnh bổ sung và xây dựng mới các tiêu chuẩn thiết kế, thi công, nghiệm thu. Tích cực triển khai công tác nghiên cứu, thử nghiệm và áp dụng các công nghệ mới, vật liệu mới phục vụ đầu tư xây dựng các công trình giao thông[3].Từ đầu năm đến nay, Bộ GTVT đã ban hành 01 QCVN, đề nghị và được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố 35 TCVN, giao các Cục chuyên ngành công bố 21 TCCS; đang khẩn trương nghiên cứu, đánh giá thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cho các Dự án xây dựng KCHTGT tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, dự kiến sẽ có kết quả thực tế vào năm 2023. 

Về hoạt động môi trường trong lĩnh vực GTVT, đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 trong GTVT; triển khai áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5 (Euro 5) đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới trên toàn quốc.

Về lĩnh vực hợp tác quốc tế, trong năm 2022 đã có 03 điều ước quốc tế và 01 thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực GTVT được ký kết; nhiều nội dung hợp tác quan trọng giữa Việt Nam và các nước láng giềng trong lĩnh vực GTVT được đàm phán, thống nhất và triển khai thực hiện không chỉ giúp tăng cường kết nối GTVT, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà còn góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác kinh tế và chính trị đối ngoại giữa Việt Nam với các nước này; hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác quan trọng trên thế giới không ngừng được mở rộng thông qua việc triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, hỗ trợ kỹ thuật, chương trình hợp tác đào tạo và tăng cường năng lực, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực GTVT. 

          Đánh giá chung

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cùng với việc triển khai cùng lúc nhiều nhiệm vụ quan trọng, phức tạp nhưng được sự quan tâm chỉ đạo, điều hành quyết liệt, toàn diện, sáng tạo, khoa học, linh hoạt, bài bản, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, tập thể lãnh đạo Bộ, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT đã thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao, tích cực đổi mới tư duy, cách thức tổ chức thực hiện với sự cố gắng, nỗ lực, làm việc không kể ngày đêm để hoàn thành với tốc độ nhanh nhất và chất lượng tốt nhất các nhiệm vụ được giao, cụ thể:

 (1) Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật tiếp tục được triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả; chất lượng văn bản QPPL ban hành được cải thiện, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

(2) Bộ GTVT là một trong số các bộ, ngành hoàn thành các quy hoạch ngành quốc gia, sớm hơn 01 năm so với yêu cầu của Chính phủ. Việc triển khai thành công các quy hoạch sẽ bảo đảm lựa chọn được đúng trọng tâm, trọng điểm đầu tư, huy động và sử dụng hợp lý các nguồn lực để thực hiện thành công các mục tiêu về phát triển kết cấu hạ tầng đã được Đại hội Đảng đề ra.

 (3) Hoạt động vận tải đã phục hồi trên cả 5 lĩnh vực. Sản lượng các loại hình vận tải đều tăng trưởng ấn tượng. Đến hết 31/12/2022, so với cùng kỳ, khối lượng hàng hóa tăng 23,7%; luân chuyển hàng hóa tăng 29,4%. khối lượng vận chuyển hành khách tăng 52,8%; luân chuyển hành khách tăng 78,3% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là vận tải hành khách ngành hàng không và đường sắt tăng trưởng 3 con số. Vận tải đường sắt bắt đầu có lãi sau 2 năm liên tục thua lỗ do ảnh hưởng của đại dịch. 

(4) Công tác chuẩn bị đầu tư được thực hiện hết sức khẩn trương, kỹ lưỡng, chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiến độ, đặc biệt đã hoàn thành, trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 06 dự án quan trọng quốc gia theo đúng tiến độ yêu cầu, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao.

 (5) Công tác thi công các dự án, công trình hạ tầng giao thông tiếp tục được triển khai quyết liệt, cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt, đã hoàn thành một khối lượng công việc lớn trong thời gian ngắn để kịp thời khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

(6) Công tác giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục có nhiều chuyển biến, đạt được mục tiêu đề ra, đến thời điểm hiện tại Bộ GTVT tiếp tục là một trong những bộ ngành có tiến độ giải ngân cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

(7) Công tác quản lý bảo trì KCHTGT, phòng, chống thiên tai tiếp tục được cải thiện, hiệu quả, đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế xã hội của vùng, địa phương, đất nước.

(8) Cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, dữ liệu dùng chung và dữ liệu chuyên ngành dần được hoàn thiện, góp phần quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu số.

(9) Hợp tác quốc tế tiếp tục được nâng cao với nhiều điều ước quốc tế được ký kết, các mối quan hệ trong lĩnh vực GTVT với các nước bạn tiếp tục được làm sâu sắc thêm trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: (1) Nhiều hoạt động ngoài việc chịu sự điều chỉnh các pháp luật chuyên ngành GTVT, còn chịu sự điều chỉnh nhiều quy định pháp luật khác chưa được sửa đổi đồng bộ, kịp thời nên còn vướng mắc, chồng chéo, chưa rõ ràng gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; (2) Nền kinh tế phuc hồi và tăng trưởng trở lại, hoạt động vận tải sôi động trở lại gần như năm 2019 trong khi ý thức chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém, tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, sai phần đường, làn đường, vi phạm nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe... vẫn còn diễn ra, dẫn đếnsố người chết vì TNGT giảm so với năm 2019 nhưng tăng so với năm 2021; (3) Tiến độ chuẩn bị đầu tư, triển khai thi công một số dự án còn chậm so với  yêu cầu ngoài lý do bất khả kháng của đại dịch COVID 19, diễn biến bất thường của thời tiết, còn có nguyên nhân khan hiếm vật liệu khi các dự án lớn triển khai đồng loạt; một số Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, nhà thầu chưa thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm, chưa sâu sát trong quá trình thực hiện dự án, chưa phối hợp tốt với địa phương và đặc biệt là việc GPMB một số dự án vẫn còn chậm; (4) Nguồn vốn sự nghiệp kinh tế bố trí cho công tác bảo trì còn hạn chế chỉ đáp ứng được khoảng 40% nên dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực song công tác bảo trì một số tuyến đường bộ còn chưa kịp thời, ảnh hưởng đến hoạt động vận tải, đi lại của bà con nhân dân; (5) Một số lĩnh vực chưa dự báo kịp thời diễn biến phức tạp nên phương pháp, tần suất của công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa phù hợp, chưa phát hiện kịp thời hành vi sai phạm.

II. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM NĂM 2023

Trên cơ sở phát huy, kế thừa những kết quả đạt được, khắc phục các tồn tại, hạn chế của năm 2022, Bộ GTVT bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phương châm hành động theo từng năm của Chính phủ, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, kế hoạch của năm 2023, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; đổi mới, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả”, Bộ GTVT dự kiến triển khai các mục tiêu chủ yếu, như sau:

1. Tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng văn bản QPPL trong lĩnh vực GTVT, bảo đảm tính minh bạch, tính nhất quán, tính ổn định và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

2. Về hoạt động vận tải:

- Tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả hoạt động vận tải trong nước, tập trung phục hồi vận tải quốc tế đặc biệt phục hồi các đường bay quốc tế, vận tải liên vận đường sắt. 

- Phấn đấu sản lượng vận tải năm 2023 về hàng hóa (Tấn) tăng khoảng 7%, hành khách (HK) tăng khoảng 8% so với năm 2022. Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển dự kiến đạt khoảng 755 triệu tấn, tăng khoảng 4% so với năm 2022.

3. Về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tiếp tục kéo giảm TNGT từ 5-10% cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2022.

4. Về kế hoạch đầu tư phát triển: Hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công 23 Dự án[4], hoàn thành 29 Dự án; phấn đấu giải ngân tối thiểu 90% kế hoạch năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao (được giao khoảng 94.161 tỷ đồng).

5. Về công tác quản lý, khai thác, bảo trì KCHTGT: Đảm bảo khả năng khai thác an toàn, hiệu quả của hệ thống KHCTGT các lĩnh vực.

6. Về xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số: Ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp, bảo đảm 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm 80% các dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ; hoàn thành xây dựng hệ thống đám mây của Bộ GTVT kết nối với đám mây Chính phủ; hoàn thiện hệ thống dữ liệu dùng chung Bộ GTVT và cơ sở dữ liệu chuyên ngành các lĩnh vực quản lý trong ngành GTVT; triển khai các công nghệ số đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước dựa trên dữ liệu số, bảo đảm tối thiểu 70% hệ thống thông tin được xác định cấp độ./.

---------------------

(1) Trong đó, vận chuyển hàng hóa 12 tháng các ngành: hàng không (+3%), đường bộ (+22,7%), đường thủy (+26,9%), đường biển (+27,9%), đường sắt (+9%). 

(2) Trong đó, vận chuyển hành khách 12 tháng các ngành: hàng không (+224,6%), đường biển (+56,7%), đường sắt (+205,6%), đường bộ (+51,6%), đường thủy (+52,9%). 

(3) Như công nghệ cào bóc tái chế nóng bê tông nhựa tại trạm trộn; công nghệ tái chế nguội kết cấu áo đường BTN tại chỗ; phụ gia dính bám, tăng cường tính năng chất lượng nhựa đường.

(4) Gồm: 02 dự án quan trọng quốc gia, 01 dự án nhóm A, 20 dự án nhóm B, C, hoàn thành 29 dự án trong năm 2023 (gồm: 07 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông GĐ1, 03 dự án nhóm A, 19 dự án nhóm B, C).

 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)