Ngày 01/06/2023, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức Hội nghị trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương trong triển khai các dự án đường bộ cao tốc.
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
THÔNG TIN BÁO CHÍ
Hội nghị trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương trong triển khai các dự án đường bộ cao tốc
Ngày 01/06/2023, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức Hội nghị trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương trong triển khai các dự án đường bộ cao tốc.
Đây là hoạt động để thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT tại Thông báo số 29/TB-VPCP ngày 19/02/2023; đồng thời là cơ hội để Bộ GTVT và các địa phương học tập, chia sẻ những kinh nghiệm tốt, cách làm hay để góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường bộ cao tốc, đặc biệt là các dự án, dự án thành phần tại Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 28/07/2022 về phân cấp thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội để các địa phương chủ động triển khai thực hiện.
Hội nghị do đồng chí Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT chủ trì; các đại biểu tham dự gồm đại diện Văn phòng Chính phủ; các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Công an; Kiểm toán Nhà nước; Thanh tra Chính phủ; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Bình Định, Hậu Giang, Phú Yên…; lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT); Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT; các đơn vị chủ đầu tư, ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT và một số tỉnh đang triển khai các dự án, dự án thành phần thuộc Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 28/07/2022.
Tại Hội nghị, Cục Quản lý đầu tư xây dựng sẽ trình bày Báo cáo Tổng quan một số kinh nghiệm trong triển khai các dự án đường bộ cao tốc, công tác thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, công tác thẩm định TKKT và dự toán, công tác phối hợp thực hiện để đẩy nhanh GPMB; đại diện Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT trình bày tham luận về kinh nghiệm trong công tác thiết kế, dự toán, công tác lập dự án đầu tư và TKKT, công tác khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn và công tác điều tra mỏ vật liệu xây dựng; đại diện một số ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT trình bày tham luận về kinh nghiệm trong công tác quản lý dự án; công tác tổ chức khảo sát thiết kế, làm việc với địa phương về VLXD; công tác thẩm định, phê duyệt TKKT và dự toán; công chuyển đổi rừng, đất rừng; công tác lựa chọn nhà thầu…
Hội nghị sẽ dành thời gian nghe đại diện một số địa phương trình bày tham luận về các khó khăn vướng mắc và kinh nghiệm trong công tác triển khai thực hiện dự án; các khó khăn vướng mắc và kinh nghiệm triển khai công tác GPMB, các khu TĐC; các khó khăn vướng mắc và kinh nghiệm trong quản lý giá vật liệu xây dựng…
Đặc biệt, Hội nghị sẽ dành thời gian để các địa phương và các bộ, ngành liên quan thảo luận, trao đổi về các chủ đề liên quan đến các thủ tục khai thác mỏ vật liệu xây dựng; quản lý giá vật liệu xây dựng; chuyển đổi rừng, đất rừng; quản lý chung về kỹ thuật và quản lý ngành; công tác quản lý an ninh trật tự trong quá trình triển khai các dự án đường cao tốc; một số nội dung thường gặp trong quá trình thanh tra; kiểm toán đối với dự án đường bộ cao tốc…
Theo tổng kết của các nước có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông phát triển và kinh nghiệm thực tế của Bộ GTVT và nhiều địa phương, đường bộ cao tốc là công trình cấp kỹ thuật cao nhất trong hệ thống đường bộ, với quy mô hiện đại, năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn. Hệ thống đường cao tốc đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, vận tải hàng hóa và hành khách, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa các vùng, miền, tạo liên kết giữa các trung tâm kinh tế - chính trị, các địa phương, cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế, đầu tư phát triển đường bộ cao tốc là tất yếu khách quan, tạo động lực, sức lan tỏa để phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, trong đó xác định một trong ba đột phá chiến lược là “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn”, với mục tiêu “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông...” và “Nghiên cứu, xây dựng một số tuyến đường bộ cao tốc như Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu...”.
Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ xác định đến năm 2025 phải hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc. Đến nay, đã đưa vào khai thác sử dụng khoảng 1.729 km đường bộ cao tốc như vậy trong giai đoạn 2021 - 2025 cần tiếp tục hoàn thành thêm khoảng 1.270 km.
Để hoàn thành được khối lượng công việc hết sức lớn trong giai đoạn này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có tư duy mới, cách làm mới, sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao trong triển khai thực hiện và ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư để kịp thời báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 tại kỳ họp bất thường lần thứ 1 vào tháng 01/2022 và thông qua chủ trương đầu tư 03 tuyến cao tốc trục ngang Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, 02 tuyến đường vành đai của Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tại kỳ họp lần thứ 3. Các tuyến đường bộ cao tốc khác cũng đang được Bộ GTVT và các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 884/QĐ-TTg ngày 23/7/2022 thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án; đồng thời ban hành ban hành Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 28/7/2022 phân cấp thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội để các địa phương chủ động triển khai thực hiện.
Yêu cầu rất cao đối với Bộ GTVT và các địa phương, trong đó có một số địa phương lần đầu được giao làm cơ quan chủ quản các dự án đường bộ cao tốc là phải thực hiện các trình tự thủ tục theo quy định, tổ chức quản lý dự án, thi công vừa phải đảm bảo mục tiêu cơ bản hoàn thành vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội... Trong quá trình thực hiện phải đảm bảo một số nội dung như:
- Công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa từ hai vụ trở lên qua nhiều địa phương với thời gian yêu cầu theo Nghị quyết 18/NQ-CP;
- Tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt BCNCKT, thiết kế kỹ thuật, dự toán của các dự án đường bộ cao tốc với quy mô phức tạp, yêu cầu kỹ thuật cao, phải hoàn thành nhiều trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, thời gian yêu cầu gấp; trong khi năng lực của đội ngũ cán bộ thẩm định, Ban QLDA còn chưa đồng đều, chưa có nhiều kinh nghiệm triển khai các dự án cao tốc;
- Công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, tái định cư... với khối lượng lớn, tiến độ yêu cầu hoàn thành trong thời gian ngắn;
- Công tác khảo sát, cấp phép khai thác mỏ vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá, cát) để cung cấp cho các dự án khi triển khai đồng loạt nhiều dự án, đặc biệt là các dự án được áp dụng cơ chế chỉ định thầu xây lắp…, cách hiểu về các thủ tục khi giao mỏ vật liệu xây dựng trực tiếp cho các nhà thầu thi công các dự án cao tốc còn chưa thống nhất.
Trước đây bình quân 01 dự án quan trọng quốc gia, sau khi chủ trương đầu tư được phê duyệt, tổng thời gian triển khai lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu và khởi công mất khoảng 2 năm thì đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông có quy mô lớn, nhiều công trình cầu, hầm có yêu cầu kỹ thuật cao, quá trình chỉ đạo thực hiện trong thời gian qua với tư duy mới, cách làm mới, chúng ta đã tiết kiệm được hơn một nửa thời gian và điều này chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên quá trình thực hiện cần phải được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm tránh được các sai sót là hết sức cần thiết.
Căn cứ từ thực tiễn và kinh nghiệm triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam trong thời gian qua, Bộ GTVT đã đúc kết các bài học kinh nghiệm: (1) Sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua các văn bản, công điện, các cuộc họp của Ban Chỉ đạo, các chuyến kiểm tra hiện trường để đôn đốc tiến độ, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; (2) Sự vào cuộc, hỗ trợ rất trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt trong công tác GPMB; (3) Sự thay đổi rất lớn trong phương thức lãnh đạo, tư duy, cách nghĩ, cách làm của Bộ GTVT, các bộ, ngành, địa phương với một sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai, thực hiện; (4) Sự cố gắng, tập trung nỗ lực hoàn thành công việc của các đơn vị tư vấn, cơ quan thẩm định, ban QLDA (chủ đầu tư) để hoàn thiện hồ sơ thiết kế, dự toán, lựa chọn nhà thầu trong thời gian ngắn nhất với chất lượng cao nhất (5) Sự tuyên truyền, sự vào cuộc của hệ thống chính trị các địa phương trong công tác GPMB.
Với mong muốn các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư các dự án đường bộ cao tốc có thêm kinh nghiệm để triển khai các dự án, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án cao tốc.
Qua Hội nghị này, với các bài tham luận và trao đổi tại Hội nghị, Bộ GTVT mong rằng các cơ quan, đơn vị sẽ cập nhật được thêm các thông tin, đồng thời thu hoạch được các kinh nghiệm trong quá trình tổ chức triển khai các dự án cao tốc, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó có mục tiêu: đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc; phấn đấu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao./.